20
18
/
1100210
Ở lưng đèo Hạ My
longform
Ở lưng đèo Hạ My


“Chốt không nhiều người, xe qua lại. Nằm ở lưng chừng đèo Hạ My nên ban ngày gió mát, ban đêm trăng thanh. Hương rừng, hương núi, thanh âm cuộc sống vô cùng ấn tượng. Sau này hết dịch, được về nhà, có khi chúng tôi lại nhớ chốt không ngủ được ấy chứ…” - Qua điện thoại, Đại úy Vũ Hải Long nói với chúng tôi như thế.

Và khi “lên chốt”, chúng tôi đã có trọn một ngày cảm nhận “thanh âm cuộc sống” cùng các thành viên Chốt liên ngành kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 địa phận xã Tân Dân, TP Hạ Long.


Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 nằm giữa đèo Hạ My - con đèo nối tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, nên nhiều người thường gọi là Chốt đèo Hạ My.

Tái thiết lập từ ngày 8/5/2021 để chủ động kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan đến Quảng Ninh, Chốt đèo Hạ My ban đầu đặt ở cạnh cây xăng phía dưới chân đèo với lán trại tạm bợ. Sau ít ngày hoạt động, nhận thấy vị trí này bỏ sót thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, nên Chốt được chuyển lên giữa lưng chừng đèo, cách đỉnh đèo Hạ My chừng 2km, cách nhà dân gần nhất khoảng 4km.

Không còn phải ở lán trại như lúc trước, chốt mới tận dụng ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang của trạm liên ngành trước kia, thuộc huyện Hoành Bồ cũ.

“Lúc mới lên, xung quanh ngôi nhà cỏ dại mọc um tùm. Khi phát cây, dọn dẹp, chúng tôi được phen hết hồn khi có con rắn dài tới 2m rơi từ xà nhà xuống. Nhìn lên, gỗ xà nhà cũng mục nát, như chực sập xuống…” - Đại úy Vũ Hải Long kể lại, khiến chúng tôi cũng rùng mình.

Chốt liên ngành kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 địa phận xã Tân Dân, TP Hạ Long, nằm lưng chừng đèo Hạ My.

Thế rồi sau một tuần sửa chữa, căn cứ đã được hình thành. Bên cạnh ngôi nhà cấp 4 vốn là nơi cỏ mọc um tùm, nay được thay thế bằng một nhà tạm dựng bằng tôn, dùng để làm bếp, hiên lợp mái tôn và kê bàn để lực lượng trực chốt làm việc.

Buổi sáng, nắng đằng Đông chiếu đến hết bàn làm việc; buổi chiều, nắng phía Tây bao trọn cả một khoảng sân. Suốt mấy tháng hè, đến giờ trời đã sang Thu mà cái nắng vẫn bỏng rát. “Nắng rát còn đỡ, mưa ở đây mới đáng sợ. Giọt mưa to, kèm theo gió, tạt hắt ướt hết nơi làm việc, thậm chí gió xô đổ cả ghế, tốc cả mái tôn. Chỗ gần móng căn nhà này bị sạt cũng như chỗ chân cột barie bị đất đá vùi cũng là do mấy cơn mưa đợt trước” - Trung tá Triệu Đức Thông, Trợ lý Tham mưu, Ban CHQS TP Hạ Long, là cán bộ trực chốt cho biết.

Giữa bốn bề là rừng núi, đã một thời gian dài không có người ở, việc thi thoảng xuất hiện rắn mà anh em ở chốt gọi vui là “bé na” cũng là chuyện rất bình thường. “Có lần anh em đang ngồi ăn cơm thì thấy ở cửa sổ một “bé na” nằm vắt vẻo, ai nấy đều hốt hoảng. Sau rồi cũng quen vì thi thoảng lại gặp một bé đi lạc như thế…” - Thượng úy Vi Minh Tuân, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, tăng cường tại chốt, kể.

Trước khi lên chốt, chúng tôi cứ hình dung, giữa lưng đèo sẽ nghe được tiếng suối chảy róc rách, được tận hưởng thiên nhiên đa sắc màu với rừng cây xanh mướt, những bông hoa rừng trắng đỏ lấp ló, thế nhưng, thực tế lại không thơ mộng như trong tưởng tượng.

Tiếng suối róc rách ở thực tế là tiếng máy phát điện ầm ầm cả ngày, khiến cho mọi người phải nói to hơn một chút mới nghe được tiếng của nhau. Giữa núi rừng heo hút, chiếc máy ấy là thứ duy nhất mang lại nguồn điện hỗ trợ cho mọi hoạt động tại chốt.

Chiếc máy phát điện là phương tiện hỗ trợ công việc hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ trực chiến tại Chốt đèo Hạ My.

Còn nguồn nước sử dụng tại chốt là dẫn từ đầu nguồn về. Ngày nắng, nước trong vắt, chảy cả ngày, mát lạnh. Nhưng cứ mưa xuống là nước lại đục ngầu đến mấy ngày. Có khi mưa to, đường ống nước bị xô lệch hoặc đất đá tràn vào, gây tắc. Cả chốt lại không có nước để dùng.

“Mạng di động ở đây cũng kém lắm. Sóng Mobifone không có, sóng Viettel và Vinaphone chập chờn. Trước kia, ở đây cũng không có sóng 3G, sau khi chốt được thành lập, chúng tôi đề xuất và thành phố đã làm việc với Viettel để kéo đường dây lên đây. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có cáp wifi, trong khi nhiều người dân không sử dụng 3G điện thoại hoặc điện thoại chưa cài app khai báo y tế. Vì thế, để đảm bảo khai báo y tế qua QRcode theo quy định của tỉnh, chúng tôi đã được hỗ trợ bộ phát wifi di động. Tuy nhiên, vì dung lượng thấp nên chỉ cần vài người tải phần mềm về thì đã hết dung lượng, gây khó khăn rất nhiều cho công tác kiểm soát. Anh em giờ chỉ mong có được thiết bị phát wifi công cộng để thuận lợi hơn cho người dân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ” - Đại úy Vũ Hải Long chia sẻ.

Gần chốt đèo Hạ My có một bãi đất trống nhìn ra cánh rừng xanh thẳm. Sống ở đô thị, lúc nào cũng chỉ thấy nhà cao tầng nên chúng tôi khá thích thú khi được nhìn ngắm bầu trời trong xanh giữa núi rừng hùng vĩ. Đêm hôm ấy, trăng lưỡi liềm giống như con thuyền nhỏ trôi trên dòng sông lấp lánh sao... Tôi chợt nhớ lời của Đại úy Vũ Hải Long qua điện thoại: “Ban ngày gió mát, ban đêm trăng thanh. Hương rừng, hương núi, thanh âm cuộc sống vô cùng ấn tượng…”.
Đại úy Vũ Hải Long hướng dẫn tài xế khai báo y tế bằng QRCode.

Một ngày ở chốt, chúng tôi cảm nhận được “thanh âm cuộc sống vô cùng ấn tượng” ấy và hiểu rằng, Long đang tự động viên chính mình. Từ sáng tới đêm, người, xe qua chốt lúc nhiều, lúc thưa, nhưng gần như không lúc nào lực lượng ở đây được nghỉ. Ra hiệu lệnh dừng xe, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra phương tiện, dán tem niêm phong… là những việc thường xuyên, liên tục. Còn nhiều việc đột xuất, bất ngờ xảy ra mà nếu không vững vàng, có kinh nghiệm thì chắc hẳn lực lượng ở chốt khó mà xử lý suôn sẻ.

Như hôm đến thăm các anh ở chốt, chúng tôi chứng kiến một pha “thông chốt” ngoạn mục. Khi tất cả lực lượng đang tập trung làm nhiệm vụ cho đoàn xe tải qua chốt, bỗng một thanh niên hơn 30 tuổi điều khiển xe máy từ dưới chân đèo phóng đến rất nhanh. Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, lập tức đứng bật dậy, thổi còi, ra hiệu lệnh dừng xe nhưng người này phóng thẳng qua chốt. Đại úy Tuấn vội lên xe đuổi theo.

Sau khoảng 10 phút, Đại úy Tuấn đưa được đối tượng trở lại chốt. Trên khuôn mặt của người vừa phạm lỗi, ánh mắt vẫn còn thiếu tập trung do chưa tỉnh rượu. Anh này kể: Phóng qua chốt được vài km, chạm đất Bắc Giang, đang đổ đèo thì bị ngã xe, phát hiện nhầm đường, nên tự nguyện quay lại.

Đối tượng "thông chốt" trưa ngày 11/9.

Sau khi hỏi thông tin, người này cho biết bản thân là người dân tộc thiểu số (HKTT tại tỉnh Cao Bằng), đang làm thuê ở một công ty trên địa bàn xã Tân Dân, TP Hạ Long. Đại úy Long hỏi rõ lý do, xác định do anh này uống nhiều rượu, lại không đội mũ bảo hiểm nên khi thấy lực lượng Công an đứng ở chốt, sợ quá cố tình vượt qua. Sau đó biết đã nhầm đường nên anh này quay trở về.

“Với trường hợp này, xác định họ không cố ý nên chúng tôi yêu cầu phải viết bản tường trình, đồng thời xác minh nếu đúng là người làm tại công ty trên địa bàn xã Tân Dân thì cần có xác nhận bảo lãnh của công ty để quay trở lại làm việc. Chúng tôi quyết không để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn qua chốt mình quản lý. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp phải xử lý linh hoạt, hợp lý, hợp tình” - Đại úy Long cho biết.

Đặc thù đứng chân ở ranh giới Quảng Ninh - Bắc Giang, người dân sinh sống cũng như nhiều người điều khiển phương tiện qua lại đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, để thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Long và các đồng đội vừa phải làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ, vừa tuyên truyền để bà con nắm được những chính sách, quy định mới của Trung ương, của tỉnh và TP Hạ Long về công tác phòng, chống dịch, lại vừa phải làm tốt công tác dân vận. Đây cũng là cách để phòng ngừa, giảm thiểu các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tất cả các phương tiện vận tải đi qua chốt đều được kiểm tra kỹ càng và dán tem niêm phong cẩn thận.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn phải chủ động, linh hoạt, từ sớm, từ xa, đi trước. Do đó, có rất nhiều chỉ đạo của cấp trên phải thực thi nghiêm và ngay. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng cập nhật được thông tin và tự nguyện chấp hành những quy định ấy. Việc cả ngày được nghe người dân “ca cải lương” không phải là hiếm.

“Tôi nhớ nhất ngày đầu tiên tỉnh ra văn bản quy định về việc từ 12h ngày 20/8, người về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Hôm ấy, người dân đứng thành hàng, có người nằm vật ra giữa đường ăn vạ, thậm chí có người ngồi chửi cả buổi chiều, gây sức ép cho lực lượng trực chốt. Chúng tôi đã giải thích, vận động, bằng mọi cách để thuyết phục họ quay trở về nơi xuất phát” - Đại úy Long nhớ lại.

Giữa trưa, nắng rát hơn. Tiếng máy nổ vẫn ầm ầm bên tai. Vài phút lại có một chiếc container dừng ở chốt. Sau tiếng phanh của xe tải là tiếng ầm ì của động cơ, ống xả, bụi bốc mù mịt. Vẫn từng đó hiệu lệnh, vẫn từng đó động tác, hướng dẫn, quy trình… các chiến sĩ trực chốt miệt mài với công việc. Giọng của họ đã lạc cả đi vì cả buổi sáng phải nói với âm lượng cao hơn để át đi tiếng máy nổ.

Mỗi phương tiện sau khi làm xong các thủ tục qua chốt, Đại úy Long sẽ nhắn tin báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hạ Long. Anh nói: Lượng xe qua chốt không nhiều như các chốt khác, nên chúng tôi báo cáo theo xe để cập nhật thông tin nhanh nhất đến Ban Chỉ đạo. Thời gian đầu, khi chưa có sóng 3G, mỗi khi muốn báo cáo như thế này, chúng tôi phải phóng xe xuống dưới chân đèo để “vợt sóng”.

Một ngày cả chốt có khoảng 300 phương tiện qua lại, chủ yếu là các xe tải chở hàng nông sản, chở dăm gỗ và người dân ở hai tỉnh qua lại làm việc (số này không nhiều). Có những thời điểm, hàng đoàn xe tải dồn dập qua chốt. Nhưng cũng có lúc, 15-20 phút mới có xe qua. Trong “khoảng lặng” đó, cán bộ trực chốt người đóng dấu, người cắt dán niêm phong, người hoàn thiện báo cáo… Chúng tôi hầu như không thấy các anh chị nghỉ ngơi phút nào.

“Chốt nằm ở lưng chừng đèo, đường vừa dài, vừa dốc. Chỉ cần lơ đễnh là xe máy, thậm chí là ô tô có thể phóng vụt qua ngay. Muốn phòng dịch tốt, muốn sớm được về nhà, chúng tôi không thể chủ quan, lơ là” - Trung tá Triệu Đức Thông bảo vậy.

Mỗi phương tiện sau khi làm xong các thủ tục qua chốt, Đại úy Long nhắn tin báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hạ Long.

Nhà Trung tá Triệu Đức Thông ở ngay xã Tân Dân, cách chốt vài km. Vậy mà nhiều ngày nay anh không thể về nhà. Còn Trung úy Phạm Tuân, 30 tuổi, người Đà Nẵng, hiện là Công an xã Quảng La, TP Hạ Long, thì đã gần 2 năm chưa về quê. Được phân công về Công an tỉnh Quảng Ninh công tác từ đầu năm 2020, đến tháng 9/2020, anh được phân về Công an xã Quảng La và tham gia trực chốt kiểm soát dịch trên địa bàn từ đó đến nay. Gần 2 năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cũng là chừng ấy thời gian, Trung úy Tuân xa gia đình.

“30 tuổi đầu rồi, không phải cái tuổi có thể nhớ là nói nhớ, thế nhưng đúng là nhiều lúc chính tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, vì đã ở xa người thân lâu quá. Chỉ mong dịch hết, xuân tới tôi được về nhà”.

Có lẽ cũng vì thế mà Trung úy Tuân dành trọn thời gian cho công việc, dốc sức mình để góp phần bảo đảm ANTT tại cơ sở, cũng như kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện lưu thông qua chốt.

Chốt liên ngành kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 qua đèo Hạ My có 18 người thuộc các lực lượng khác nhau, thông thường chia làm 3 ca làm việc. Lực lượng y tế thường là chị em, nên chia 2 ca: Từ 7h đến 17h và từ 17h đến 7h sáng hôm sau. Hôm ấy là ca của chị Nguyễn Thị Nụ, một điều dưỡng trẻ của Bệnh viện Đa khoa Hạ Long. Để lên được chốt, chị đã một mình lái xe máy vượt gần 30km từ thị trấn Trới lên đèo Hạ My. Hôm nay không phải lần đầu tiên đi trực chốt, nhưng với chốt này, chị lên lần đầu. Là cô gái duy nhất của chốt, đến giờ cơm, nếu không có phương tiện qua lại, chị xắn tay áo cùng các anh em nhặt rau, chuẩn bị bữa tối. Do chốt ở xa khu dân cư, nên anh em sắm nồi, gạo nấu cơm, còn thức ăn phải nhờ người dân đi chợ, nấu nướng mang lên. Bữa cơm nào cũng vậy, người nọ nhường người kia ăn trước, người ăn trước lại ăn nhanh hơn để thay ca cho người ăn sau.

Một kíp trực có 6 người, mỗi bữa cơm luôn phải chia người ăn trước, người ăn sau.

“Lâu rồi không thể về nhà, chúng tôi coi chốt như gia đình, đồng nghiệp là anh em. Cánh lái xe thường xuyên qua chốt cũng trở nên thân quen; có người thấy anh em vất vả lại gửi tặng thùng nước hay cái ô, áo mưa… Hành động dù nhỏ thôi, món quà tuy không lớn nhưng chúng tôi cảm kích vô cùng. Đúng là, trong những lúc gian khó, dịch giã như thế này, mới thấy lòng người càng thêm ấm áp, gần gũi nhau hơn” - Trung tá Triệu Đức Thông xúc động.

Chỉ đạo sản xuất: Hoàng Quý

Thực hiện: Hoàng Quý - Hằng Ngần

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


Đêm trắng ở chốt cầu Bạch Đằng
Những đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vì thiếu ngủ, những giọng nói khản đặc dưới lớp khẩu trang kia đã rất mệt mỏi...  
   
“Thành trì” ở cửa ngõ phía Tây
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trọng yếu nơi cửa ngõ phía Tây Quảng Ninh, những lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây đã xây dựng một “thành trì” vững chắc.   
   
Những người gác chốt cầu Đá Vách, cầu Triều
2 chốt ở cầu Đá Vách và cầu Triều thành lập muộn hơn, hoạt động thì linh hoạt, tùy từng thời điểm…    
   
Kề vai sát cánh, kiên cường bám trụ nơi bìa rừng
Những người trực chốt coi nhau là một gia đình, cùng ăn, cùng ở để cùng nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ.   
   
Những người gác cửa biển
Các anh em tại Chốt kiểm soát này, hiểu rõ giá trị của “vùng xanh an toàn”, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ, giữ vững thành quả này đến cùng”.   
   
"Ngôi nhà container" trên Quốc lộ 4B
Dù rộng chưa đầy 15m2, nhưng đây lại là nơi sinh hoạt luân phiên của gần 50 cán bộ, chiến sĩ trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ Quảng Ninh nối với tỉnh Lạng Sơn.    
   
Sức dân nơi chốt cửa ngõ Đá Bạc
Tại chốt gác này, ngoài các lực lượng chức năng, có các tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo y tế và kiêm luôn phục vụ hậu cần.    

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu