
Chuyển đổi số tại các khu di tích
Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước thay đổi cách tiếp cận, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến tham quan các khu di tích, danh thắng, góp phần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát triển du lịch địa phương.
Từ tháng 8/2024, huyện Cô Tô (nay là Đặc khu Cô Tô) đã triển khai đưa vào sử dụng công nghệ thực tế ảo VR360 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo, cho phép du khách tham quan, trải nghiệm trước về di tích một cách sinh động. Cụ thể, khi truy cập địa chỉ: https://vr360.com.vn/projects/khu-luu-niem-chu-tich-ho-chi-minh, du khách có thể trải nghiệm tour du lịch với hình ảnh toàn cảnh 360 độ, di chuyển linh hoạt theo mọi hướng, kết hợp nghe thuyết minh tự động, tương tác trực tiếp với không gian di tích.
Chị Đoàn Thị Mai, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với công nghệ VR360 ở Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Chỉ cần điện thoại thông minh là có thể tìm hiểu, dễ dàng hình dung tổng thể không gian, cảnh vật, hành trình tham quan một cách trực quan và sống động để chủ động xây dựng lịch trình cho chuyến du lịch một cách hợp lý, tối ưu thời gian. Việc nghe thuyết minh qua đây giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị lịch sử di tích ngay cả trước khi đặt chân tới Cô Tô.
Ngoài ra, công nghệ VR360 còn tích hợp các tour du lịch đến các địa điểm nổi bật trên đảo Cô Tô như Bãi đá Móng Rồng, hải đăng Cô Tô, chùa Trúc Lâm… giúp du khách lập kế hoạch tham quan hiệu quả hơn, kích thích nhu cầu trải nghiệm thực tế.

Tương tự, Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử cũng đã sớm được triển khai ứng dụng VR360 giới thiệu toàn cảnh Yên Tử với hệ thống các chùa, tháp, như: Chùa Đồng, chùa Hoa Yên, tượng Phật Hoàng, chùa Một Mái... Đặc biệt, việc kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo và dữ liệu số hóa tại Yên Tử không chỉ phục vụ du khách mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Giải pháp này mở ra hướng đi mới trong quảng bá, truyền thông di tích, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm bản sắc Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa dân tộc, nhất là khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại tại các khu di tích lớn, thời gian qua, tuổi trẻ Quảng Ninh cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực trong công cuộc chuyển đổi số. Các cấp bộ Đoàn đã triển khai gắn gần 300 mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên toàn tỉnh. Những mã QR này tích hợp thông tin thuyết minh, hình ảnh, video clip toàn cảnh… giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu, tiếp cận thông tin di tích theo cách hiện đại, tiện lợi, sinh động hơn.
Báo Nhân Dân vừa triển khai dự án “Yêu lắm Việt Nam”, ứng dụng công nghệ kết nối không dây NFC và dữ liệu số nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, quảng bá di tích, danh thắng trên mọi miền Tổ quốc. Tại Quảng Ninh, các điểm như Yên Tử (phường Yên Tử), Bảo tàng Quảng Ninh (phường Hạ Long), Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đặc khu Cô Tô), đình Trà Cổ (phường Móng Cái 1), đã được gắn chip NFC miễn phí. Chỉ với một chạm điện thoại kết nối NFC, du khách có thể mở ra không gian số với nhiều tính năng được tích hợp. Từ việc check-in với sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên AI để khám phá thông tin, lịch sử địa điểm, cho tới xây dựng hành trình tham quan cá nhân hóa hay hoàn thành để nhận các món quà tặng và điểm thưởng. Trang web www.yeulamvietnam.vn được thiết kế với giao diện hiện đại, dễ tương tác cùng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin chính thống về địa danh.

Hòa nhịp xu thế phát triển thời đại số, Quảng Ninh đang đẩy mạnh số hóa các di sản văn hóa, biến chúng thành sản phẩm du lịch thông minh, phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế. Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Số hóa 100% di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng.
Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Trong đó, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng công nghệ 3D để số hóa các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, tạo ra không gian trải nghiệm đa chiều, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa số. Từ đây, đưa chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản văn hóa Quảng Ninh theo hướng bền vững, hội nhập và hiện đại.
Ý kiến ()