
Điểm tựa cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, bởi nhiều điểm mới đột phá về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp trong đầu tư KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của đất nước; là "kim chỉ nam" để các địa phương chủ động xây dựng mục tiêu, lộ trình phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình của địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Đối với doanh nghiệp, Nghị quyết được ví như “một luồng gió mới” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số, bởi Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện và có những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua. Một trong những đột phá quan trọng là tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, hướng tới tháo gỡ các rào cản hành chính, cơ chế vận hành linh hoạt hơn, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết số 57-NQ/TW giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi Nhà nước dành kinh phí 2% GDP cho nội dung này. Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp tạo môi trường thuận lợi, thực tiễn hơn cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Cộng đồng doanh nghiệp coi đây là điểm tựa quan trọng trong quá trình đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp lúc này không chỉ là động lực chủ yếu của nền kinh tế thị trường, mà còn là cầu nối quan trọng đưa KHCN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lê Như Thiều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW đến năm đến năm 2030 "tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp", tỉnh cần có ít nhất gần 5.000 doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỉnh cần đưa ra các giải pháp, cách thức hỗ trợ cụ thể hơn, ngoài hỗ trợ bằng tài chính, cần xác định cách thức, các bước triển khai cụ thể. Với những cơ hội mới từ chính sách, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là chờ đợi sự hỗ trợ, mà còn phải chủ động đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp không chỉ tồn tại, mà còn vươn xa trên thị trường quốc tế.

Để thực hiện được như mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đưa ra, Sở KH&CN đang chủ trì xây dựng, triển khai Đề án phát triển KH&CN; trong đó thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian, doanh nghiệp KHCN, tổ chức KHCN, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệm sáng tạo.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Sở đang tham mưu hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động; đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với điểm tựa là Nghị quyết số 57-NQ/TW, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành doanh nghiệp và người dân, thời gian tới KHCN và chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa Quảng Ninh phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên vươn mình.
Ý kiến ()