
Ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Quảng Ninh đang đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm OCOP. Đây được xem là một "hộ chiếu số" quan trọng, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và tạo dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu sự minh bạch cao.
Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV), chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, khi hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Mới đây chúng tôi đã cho ra mắt giải pháp tiên phong “TrueData” - giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem chip điện tử RFID, lưu trữ đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lưu thông của sản phẩm trên thị trường và ra mắt Văn phòng đại diện tại Quảng Ninh. Giải pháp này sẽ trở thành “Hộ chiếu điện tử” của mỗi sản phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số. Chúng tôi tin rằng việc đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc TrueData vào thực tiễn không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là cam kết của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Sự ra mắt Văn phòng đại diện tại Quảng Ninh cũng là minh chứng cho chiến lược phát triển bền vững, hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái minh bạch và đáng tin cậy".
Theo đó, việc minh bạch thông tin có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra toàn bộ thông tin về hành trình của sản phẩm, từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói đến phân phối, chỉ với một thao tác quét mã QR hoặc mã vạch. Điều này giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng và góp phần ngăn chặn gian lận thương mại. Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, hệ thống truy xuất nguồn gốc là "vũ khí" hiệu quả giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm và chống lại nạn hàng giả, hàng nhái.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống này giúp kiểm soát chặt chẽ thị trường, theo dõi chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh (như thu hồi sản phẩm không an toàn). Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh giao thương quốc tế, việc chứng minh được nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất là yếu tố then chốt giúp các đối tác quốc tế yên tâm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Truy xuất nguồn gốc cũng là nền tảng cho quản trị số, chính sách số và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, giúp Chính phủ hoạch định chính sách hiệu quả và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với nhiều lợi ích mang lại, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quảng Ninh đã triển khai mạnh mẽ Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019, với địa chỉ website: https://qn.check.net.vn. Hệ thống của Quảng Ninh được thiết kế để đấu nối với "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP Hà Nội" và liên thông đồng bộ với Bộ NN&MT tạo nên một mạng lưới truy xuất nguồn gốc rộng lớn và hiệu quả hơn.
Trong đó, nổi bật là việc số hóa dữ liệu, Sở NN&MT với vai trò nòng cốt đã cùng đơn vị tư vấn tích cực thu thập, số hóa và cập nhật dữ liệu của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh lên hệ thống. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp tài khoản để đăng nhập, vận hành hệ thống. Hàng nghìn sản phẩm đã được cấp mã QR-code, đặc biệt hơn 90% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm này không chỉ được chú trọng về chất lượng mà còn về bao bì, tem nhãn, thương hiệu và đã được hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu.
Các đơn vị liên quan cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến hướng dẫn sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về sản xuất an toàn. Đồng thời rà soát, thống kê các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 80% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR-code truy xuất được nguồn gốc; 100% cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 10% cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã QR-code cho các sản phẩm; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc…
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc tại Quảng Ninh vẫn đối mặt với một số thách thức. Đó là nhiều nơi sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn khi áp dụng công nghệ hiện đại; việc thiếu nhân lực chuyên trách có thể khiến công tác kiểm tra, cập nhật dữ liệu đầu vào trên hệ thống chỉ dừng lại ở công đoạn hậu kiểm; cần thời gian để thay đổi thói quen sản xuất, canh tác, chăn nuôi của một bộ phận người dân... Để khắc phục những thách thức này và phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ thể sản xuất. Đồng thời, tỉnh sẽ khuyến khích ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch của dữ liệu, từng bước đưa các sản phẩm của Quảng Ninh vươn tầm quốc tế thông qua "hộ chiếu số" này.
Ý kiến ()