
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh
Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030 không chỉ là bước chuẩn bị mang tính quy trình, mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần cầu thị, dân chủ và phát huy trí tuệ toàn dân trong hoạch định đường hướng phát triển địa phương.
![]() Bà Trần Thị Kim, Bí thư, Trưởng khu phố Nam Sơn 1, phường Cửa Ông: “Các chỉ tiêu xác định đến năm 2030 hoàn toàn phù hợp với ý Đảng, lòng dân”. Tôi hoàn toàn đồng tình với các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Đặc biệt, tôi thật sự ấn tượng đối với 24 chỉ tiêu được xác định đến năm 2030, trong đó có 3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng; 10 chỉ tiêu về kinh tế; 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Đây đều là những chỉ tiêu phù hợp trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện sáp nhập 171 đơn vị hành chính cấp xã thành 54 xã, phường, đặc khu. Trong số các chỉ tiêu được đưa ra, tôi nhận thấy chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 12%/năm là thuyết phục nhất. Bởi nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu này, có nghĩa là nền kinh tế của tỉnh sẽ tăng rất nhanh. Để thực hiện được điều này, tôi đề nghị ban soạn thảo dự thảo báo cáo chính trị cần tiếp tục nhìn nhận, đánh giá một cách rõ nét về thành tựu kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua, đưa ra những định hướng mới, khai thác triệt để những dư địa mà các xã, phường, đặc khu sau khi được sáp nhập tạo ra, từ đó giúp cho Đại hội nghiên cứu, bàn thảo, quyết nghị đảm bảo phù hợp với thực tiễn. |
![]() Ông Đặng Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Trưng Vương 5, phường Vàng Danh: “Báo cáo chính trị được thể hiện ngắn gọn, súc tích, cô đọng nhưng vẫn thể hiện rõ nét, đầy đủ nội dung”. Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030, tôi hoàn toàn đồng tình, tâm huyết với phương châm Đại hội đề ra là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển. Báo cáo chính trị được thể hiện ngắn gọn, xúc tích, cô đọng nhưng vẫn thể hiện rõ nét, đầy đủ nội dung từ phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm đến quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030. Đây thực sự là báo cáo trung tâm của các văn kiện khác được trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. 5 quan điểm phát triển trong nhiệm kỳ 2025-2030 của Báo cáo chính trị được nhìn nhận một cách bao quát, sâu sắc, rõ nét tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt là nhận diện, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan với vùng, quốc gia, quốc tế; phát huy nhanh mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, duy trì “vị trí dẫn đầu” trong đổi mới sáng tạo, quản trị phát triển, thúc đẩy kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế; là tỉnh kiểu mẫu về chuyển đổi số, hiện đại về quốc phòng - an ninh, tiêu biểu về cải cách hành chính; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược. Từ những quan điểm này, tôi đề nghị ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân để có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có những giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao. |
![]() Bà Tạ Thị Lường, đặc khu Vân Đồn: “Tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đưa ra giải pháp phát triển cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số" Là người dân tộc thiểu số Sán Dìu, tôi rất vui khi được góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị, tôi nhận thấy các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã được thực hiện toàn diện, nhất là chỉ tiêu về phát triển KT-XH, giảm chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với các vùng đô thị của tỉnh. Tôi đề nghị ban soạn thảo dự thảo nghị quyết tiếp tục rà soát, đánh giá một cách khách quan, từ đó nghiên cứu thật kỹ lưỡng để tham mưu cho Đại hội tiếp tục quan tâm sâu sát hơn nữa đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số - nhất là về sinh kế, nhà ở, đường đi, trường học. Những năm qua, chính sách của tỉnh rất trúng và sát dân, như hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhà kiên cố, làm đường giao thông. Chúng tôi mong Đảng bộ tỉnh tiếp tục dành nguồn lực, đầu tư trọng tâm để vùng cao ngày càng no ấm, để thế hệ tương lai có điều kiện học hành, phát triển lâu dài, đảm bảo mọi người dân đều được thừa hưởng thành quả phát triển bao trùm. |
![]() Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): “Đồng thuận cao với định hướng phát triển ngành Than của tỉnh Quảng Ninh”. Trong thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ tỉnh Quảng Ninh. Sự đồng hành kịp thời, sát sao của tỉnh là yếu tố quan trọng giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với định hướng phát triển ngành Than của tỉnh được nêu trong Báo cáo chính trị. Định hướng này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược, mà còn đặt trọng tâm vào việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giải quyết hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, dân chủ, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển. Tập đoàn xác định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân vùng mỏ, xây dựng đội ngũ lao động có bản lĩnh chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, tác phong công nghiệp hiện đại. Đồng thời, Tập đoàn quan tâm xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. TKV cam kết tiếp tục phát triển ngành khai khoáng theo hướng hợp lý, bền vững, trong đó ngành Than giữ vai trò trụ cột năng lượng quốc gia; đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người lao động vùng mỏ. |
![]() Bà Nguyễn Thị Kiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Liên Hòa: “Kỳ vọng nhiều hơn vào quyết sách đào tạo lao động tại chỗ”. Tôi đánh giá cao việc tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, coi đó là giải pháp thiết thực để mở rộng cơ hội việc làm và cải thiện đời sống người dân địa phương. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, nhiều lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ, đã có cơ hội tiếp cận việc làm ổn định, góp phần cải thiện đời sống gia đình, giảm nghèo bền vững. Điều đó cho thấy rõ hiệu quả từ định hướng đúng đắn và quyết liệt của tỉnh trong việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để người dân địa phương, nhất là lao động phổ thông, có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các doanh nghiệp, tôi mong muốn Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 lần này sẽ tiếp tục bổ sung nhiều nội dung cụ thể hơn về chính sách đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động tại chỗ, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Đây là giải pháp then chốt để người dân trên địa bàn tỉnh vừa bắt kịp xu thế phát triển công nghiệp hiện đại, vừa chủ động nắm bắt cơ hội để vươn lên làm chủ cuộc sống ngay trên chính quê hương mình. |
Ý kiến ()