
Di sản thế giới Quần thể Di tích Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc - những giá trị nổi bật toàn cầu
Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc phản ánh câu chuyện về sự hình thành và tiếp nối bền vững di sản Phật giáo Trúc Lâm, một Thiền phái độc đáo của Việt Nam được khai sáng bởi các vị vua nhà Trần, hoàng tộc và các cao tăng trong bối cảnh đầy những biến động toàn cầu vào thế kỷ XIII. Khởi nguồn từ dãy núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đã kết hợp các giáo lý Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa của Việt Nam, hình thành nên một hệ tư tưởng và truyền thống tinh thần riêng biệt.
Quần thể khu di sản nối tiếp này bao gồm núi thiêng, suối nguồn tâm linh, chùa chiền, am thiền, con đường hành hương, bia ký, cảnh quan nghi lễ - tất cả cùng thể hiện tư tưởng và thực hành sống động của Phật giáo Trúc Lâm. Bắt nguồn và gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, văn hóa của vùng núi Yên Tử, các địa điểm này phản ánh quan niệm về đạo trị quốc, tu dưỡng tâm linh và sống hài hòa với thiên nhiên.
Việc duy trì thực hành các nghi lễ tại các địa điểm này, cùng với sự phát triển sinh động của Phật giáo Trúc Lâm ở Việt Nam và quốc tế, khẳng định rằng khu di sản này là một cảnh quan văn hóa sống động, mang giá trị đặc biệt ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu – phản ánh các giá trị và tinh thần yêu chuộng hòa bình, tự cường và bao dung.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là một di sản dạng chuỗi liên hoàn gồm 12 di tích/cụm di tích, được chắt lọc từ hàng trăm di tích và danh thắng của 6 khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc 3 địa phương: Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng, tất cả đều nằm trên dãy núi Yên Tử ở Đông Bắc Việt Nam. Tổng diện tích khu di sản đề cử là 525.75ha, vùng đệm là 4,380.19ha. Các di tích được kết nối với nhau một cách hữu cơ trong câu chuyện di sản về Phật giáo Trúc Lâm và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với triều Trần và thiên nhiên Yên Tử.
Các di tích Thái Miếu và đền Kiếp Bạc - thể hiện quê hương của triều Trần cùng truyền thống thờ cúng, tưởng nhớ các vị thần linh, các bậc tiền nhân và anh hùng dân tộc. Các chùa Hoa Yên, chùa Lân và am-chùa Ngọa Vân gắn liền với sự nghiệp tu hành, đắc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng sự ra đời Phật giáo Trúc Lâm.

Các chùa Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai và Côn Sơn, những trung tâm tu tập, giảng đạo, hội sở, gắn với cuộc đời tu hành của các Đệ nhị và Đệ tam Tổ Pháp Loa và Huyền Quang. Các chùa Bổ Đà và Nhẫm Dương, gắn với thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm.
Các động Kính Chủ và bãi cọc Yên Giang trên sông Bạch Đằng nổi tiếng, thể hiện vai trò và ảnh hưởng to lớn của Phật giáo Trúc Lâm trong mọi mặt của cuộc sống Đại Việt thời Trần, cũng như nhấn mạnh thêm về truyền thống sử dụng đất đai, rừng núi, sông nước, biển đảo của người Việt từ xa xưa, dưới thời Trần và mãi đến tận ngày nay.

Giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, khu di sản đáp ứng được một số tiêu chí thể hiện những giá trị nổi bật toàn cầu. Đó là tiêu chí (iii) - chứa đựng một minh chứng duy nhất và hết sức khác biệt về truyền thống thực hành Phật giáo Trúc Lâm và thờ cúng các bậc tiền nhân, thần linh và anh hùng dân tộc đã tồn tại hàng ngàn năm, trải qua bao thăng trầm vẫn đang được bảo tồn, phát triển và lan tỏa trên toàn cầu.
Và đó là tiêu chí (vi) - Phật giáo Trúc Lâm là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo, được hình thành từ nhiều nguồn tín ngưỡng khác nhau và khởi nguồn từ vùng đất thiêng Yên Tử, đã phát triển và ảnh hưởng đến xã hội thế tục, góp phần xây dựng một quốc gia vững mạnh, đảm bảo hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Khu di sản gắn liền trực tiếp với sự hình thành và lan tỏa của Phật giáo Trúc Lâm. Việc tiếp tục duy trì các nghi lễ, lễ hội, truyền thụ kinh văn và hành hương đến các địa điểm linh thiêng – cả ở Việt Nam và tại các cơ sở Trúc Lâm trên thế giới – là minh chứng cho giá trị bền vững và tầm ảnh hưởng toàn cầu của triết lý tâm linh của Phật giáo Trúc Lâm về sự tự tu dưỡng, sống hòa hợp với thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và lòng bao dung.
12 điểm di sản thành phần cùng hợp lại phản ánh toàn bộ phạm vi của truyền thống Phật giáo Trúc Lâm một cách tổng thể từ nơi hình thành tại núi Yên Tử thông qua các chùa cổ, dấu tích khảo cổ học, cho tới quá trình phát triển và lan tỏa tại chùa Vĩnh Nghiêm, quần thể di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc, tới thời kỳ hệ thống hóa giáo lý qua các văn bia, di vật và các nghi lễ thực hành liên quan.

Chuỗi các điểm di sản cung cấp một sự thể hiện đầy đủ các phương diện lịch sử, tinh thần, địa lý của Phật giáo Trúc Lâm, phản ánh sự hình thành, lan tỏa, và các giá trị trường tồn qua không gian và thời gian. Quần thể khu di sản duy trì tính toàn vẹn cả về hình ảnh, chức năng và tính liên kết, được củng cố bởi các hoạt động tín ngưỡng liên tục, các thực hành bảo tồn truyền thống, và việc khoanh vùng bảo vệ theo pháp luật. Các vùng đệm được khoanh vùng rõ ràng và thỏa đáng, đảm bảo việc quản lý di sản một cách hiệu quả.
Việc kịp thời ghi danh di sản độc đáo này vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO sẽ đảm bảo di sản nhận được mức độ bảo vệ cao nhất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này cho các thế hệ tương lai. Điều này sẽ tôn vinh khát vọng và tình yêu chung hướng tới một thế giới hòa bình và giàu lòng nhân ái ở khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.
Ý kiến ()