
Nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Di sản văn hóa với giá trị nội tại to lớn và tiềm năng khai thác bền vững, đang ngày càng được công nhận là một nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đang sở hữu một kho tàng di sản đồ sộ, cần được phát huy hiệu quả để trở thành nguồn lực thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Di sản văn hóa được coi là tài nguyên cho phát triển du lịch bởi nhiều lý do. Trước hết, chúng mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, thu hút du khách khám phá và trải nghiệm. Khi du khách đến với một di sản, họ không chỉ chiêm ngưỡng mà còn được tương tác, tìm hiểu về lối sống, phong tục của cộng đồng, từ đó tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ và có ý nghĩa. Sự hiện diện của di sản cũng giúp định vị thương hiệu du lịch của một địa phương, tạo nên sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác.
Thống kê của Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, toàn quốc hiện có trên 10.000 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh, 3.591 di tích cấp quốc gia, 123 di tích quốc gia đặc biệt, 270 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia và khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể.

Theo các chuyên gia, để phát huy giá trị của các di sản văn hóa một cách bền vững, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên và quan trọng nhất là bảo tồn nguyên gốc. Việc bảo tồn không chỉ là giữ gìn hiện vật mà còn là bảo vệ không gian văn hóa, môi trường sống xung quanh di sản. Thứ hai là khai thác hợp lý, có trách nhiệm. Việc phát triển du lịch dựa trên di sản phải gắn liền với lợi ích của cộng đồng địa phương. Thứ ba là đầu tư vào nghiên cứu, giáo dục và truyền thông. Công tác truyền thông hiệu quả sẽ giúp quảng bá di sản đến rộng rãi công chúng, thu hút du khách và nhà đầu tư. Và cuối cùng không thể thiếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo chính sách, quản lý và hỗ trợ tài chính. Doanh nghiệp là động lực để phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên di sản. Cộng đồng là những người trực tiếp gìn giữ và truyền bá.
Quảng Ninh sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú, cả vật thể và phi vật thể gồm 636 di tích/cụm di tích (trong đó có 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh), 362 di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói chữ viết và tri thức dân gian. Đây là tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch bền vững.
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa, theo các chuyên gia về du lịch, Quảng Ninh cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch hơn nữa dựa trên di sản. Thay vì chỉ tập trung vào các di tích đã nổi tiếng, cần khai thác tốt hơn các di sản văn hóa phi vật thể như hát then, hát đúm, hát soóng cọ... để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Có thể tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, trải nghiệm tham gia lễ hội, học nghề thủ công truyền thống, tạo ra những tour du lịch chuyên đề khám phá văn hóa bản địa. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch, từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú homestay đến hướng dẫn viên. Hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương để tạo nguồn thu nhập cho người dân và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh. Cùng với đó, tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận có di sản tương đồng để xây dựng các tuyến du lịch liên vùng, tạo chuỗi giá trị và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Ninh.
Một yếu tố không thể thiếu nữa đó là cần tiếp tục đẩy mạnh nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững, từ đó có những chính sách và hành động cụ thể để biến kho tàng di sản này thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
Ý kiến ()