
Thương mại điện tử lan tỏa giá trị số
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hướng đi tất yếu và giàu tiềm năng giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Để thúc đẩy phát triển TMĐT, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bước đi bài bản, sáng tạo và quyết liệt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo thống kê từ Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT của Bộ Công Thương (http://online.gov.vn), tính đến nay, Quảng Ninh đã có 166 website thông báo bán hàng với Bộ Công Thương và 1 website chính thức được xác nhận đăng ký hoạt động sàn TMĐT là raovatquangninh.com; 1 trang website của tỉnh (https://ocopquangninh.com.vn). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ý thức số hóa trong sản xuất, kinh doanh đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn hỗ trợ các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp xây dựng website, fanpage Facebook, tài khoản YouTube, TikTok, email marketing, đồng thời hướng dẫn tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki… để quảng bá, tiếp thị và bán hàng trực tuyến. Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn TMĐT, trong đó 393 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm địa phương mà còn mở ra cánh cửa kết nối hiệu quả với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) cho biết: Để tăng cường tiêu thụ, mở rộng thị trường và thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, Bavabi đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi tích cực đưa sản phẩm lên các nền tảng TMĐT, đồng thời ứng dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok… để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, tạo độ phủ rộng khắp cho thương hiệu. Thời gian tới, Bavabi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư thêm dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại trong chế biến thủy sản, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Đồng thời, tăng cường liên kết với các sàn TMĐT xuyên biên giới và tận dụng nền tảng số để mở rộng hoạt động giao thương quốc tế.

Cùng với việc thúc đẩy kênh phân phối số, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, liên kết quốc tế, mở rộng không gian tiêu thụ cho sản phẩm địa phương. Nổi bật là việc tổ chức thành công 2 hội chợ cấp quốc gia: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2025 và Hội chợ OCOP khu vực Đồng bằng sông Hồng - Quảng Ninh 2025. Các sự kiện này không chỉ là dịp để kết nối cung cầu, mà còn là cơ hội để các chủ thể OCOP tiếp cận, trải nghiệm và ứng dụng mạnh mẽ hơn các giải pháp số trong xúc tiến thương mại.
Trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ đầu Xuân 2025" và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 16 giữa các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Quảng Ninh đã tổ chức 5 khu trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền và các ấn phẩm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Đây là điểm nhấn thể hiện quyết tâm đưa thương hiệu sản phẩm Quảng Ninh vươn xa thông qua các nền tảng hiện đại và giao thương quốc tế. Đáng chú ý, tỉnh cũng tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2025 tại Nhật Bản, sự kiện toàn cầu có sức lan tỏa rộng lớn. Ngoài việc lựa chọn các sản phẩm OCOP tiêu biểu mang đi trưng bày, Quảng Ninh còn chủ động làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Osaka để hỗ trợ tìm kiếm đối tác, kết nối tiêu thụ cho các doanh nghiệp, qua đó mở rộng thị trường quốc tế bằng các phương thức TMĐT hiện đại.

Song hành với đầu tư hạ tầng và xúc tiến thương mại, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng cho các chủ thể sản xuất, đặc biệt là khu vực kinh tế tập thể và cá thể. Năm 2025, tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về lợi ích và kỹ năng ứng dụng giải pháp số trong TMĐT, phổ biến mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt; biên soạn và phát hành 600 quyển sổ tay hướng dẫn quản trị gian hàng trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh, giúp các chủ thể OCOP nâng cao hiệu quả vận hành gian hàng trực tuyến, chuyên nghiệp hóa hoạt động tiếp thị và bán hàng online.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sự phát triển mạnh mẽ và có chiều sâu của TMĐT tại Quảng Ninh cho thấy rõ định hướng chiến lược và tầm nhìn của tỉnh trong chuyển đổi số lĩnh vực thương mại. Với những nền tảng vững chắc đang được tạo dựng, TMĐT không chỉ là công cụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mà còn là đòn bẩy giúp Quảng Ninh phát triển kinh tế số, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh hiện đại, kết nối toàn diện với thị trường trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, để phát triển TMĐT, Sở sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao năng lực số, đẩy mạnh tập huấn kỹ năng vận hành gian hàng trực tuyến, quản trị nền tảng TMĐT, đồng thời mở rộng kết nối với các sàn TMĐT trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng sẽ chú trọng phát triển hạ tầng số, hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, logistics và bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới xây dựng hệ sinh thái TMĐT hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế số của tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ.
Ý kiến ()