
Yên Tử ngày mới
Ngày 12/7 đánh dấu cột mốc lịch sử khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam. Sự kiện đặc biệt này không chỉ là niềm tự hào mà còn mở ra cơ hội mới trong gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị Di sản.
Đại đức Thích Trúc Tử Hoằng đã tu tập 10 năm tại Yên Tử chia sẻ: Là chư tăng tiếp nối truyền thống của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi cảm thấy rất tự hào vì Yên Tử được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời vị Tổ của dòng Thiền trúc lâm Yên Tử đã được thế giới tôn vinh. Kế thừa tư tưởng của Phật hoàng, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện, giáo hóa tuyên ngôn nhập thế của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho các tăng ni, phật tử để hướng đến cái thiện, xây dựng cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp.
Trải qua hàng thế kỷ, Yên Tử không chỉ là đất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm mà còn là minh chứng sống động cho sự giao hòa giữa đạo và đời, giữa con người và thiên nhiên. Vẫn còn đó những con đường băng dưới tán rừng thông và cây xích tùng trên dưới 700 tuổi; những ngôi chùa cổ kính như: Chùa Lân, Giải Oan, Hoa Yên, Một Mái, … nơi đặt dấu chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong hành trình tu hành và khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm tinh thần nhập thế.
Đến Yên Tử khi vùng đất này mang trong mình một danh xưng mới, nhiều người dân và du khách không khỏi xúc động. Chị Phạm Thị Ngọc Diệp, phường Đông Triều, cho biết: Tôi vô cùng xúc động và tự hào trước sự kiện đặc biệt này. Xúc động không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên tại Yên Tử vẫn luôn kỳ vĩ, tươi đẹp mà còn bởi những giá trị văn hóa lâu bền của vùng đất này đã được lan tỏa đến thế giới, để bạn bè quốc tế thêm hiểu và trân trọng. Tôi mong với danh hiệu Di sản thế giới, Yên Tử sẽ còn tỏa sáng hơn nữa, trở thành điểm đến văn hóa tâm linh trường tồn cùng lịch sử.

Việc UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn đặt ra yêu cầu bảo tồn đi đôi với phát huy. Với Yên Tử, điều ấy đã và đang được thực hiện bằng chính sự kết hợp giữa bảo tồn bền vững, khai thác có trách nhiệm và lan tỏa giá trị văn hóa đặc hữu của Phật giáo Trúc Lâm đến bạn bè quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Từ năm 2002, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết cho dừng khai thác than, yêu cầu hoàn nguyên và khoanh định Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ. Chính quyền TP Uông Bí trước đây cũng chú trọng nâng cao nhận thức của cư dân trong vùng, không chặt cây, phá rừng và săn bắn động vật; khai thác du lịch có văn hóa, tu tạo di tích có hồn cốt, gắn giá trị tinh thần của Yên Tử với xúc tiến quảng bá du lịch. Cùng với đó, địa phương đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với các di tích trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh và Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.
Đặc biệt, tỉnh và TP Uông Bí trước đây cũng đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, biết đánh giá, khai thác giá trị vô giá của Yên Tử. Điển hình là chuỗi cơ sở vật chất, dịch vụ do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư gồm: hệ thống phòng nghỉ, phòng họp, khu chăm sóc sức khỏe, hệ thống cáp treo hiện đại… cùng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa dân tộc, ẩm thực địa phương để nâng tầm giá trị của di sản, đồng thời thông qua đó, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương.

Theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, Yên Tử trở thành Di sản Văn hóa thế giới đánh dấu cột mốc vô cùng quan trọng nhưng cũng đặt ra những sứ mệnh mới để chúng tôi chung tay cùng người dân và chính quyền đưa hình ảnh Yên Tử ra thế giới. Trước mắt, đơn vị sẽ tiếp tục khai thác yếu tố văn hóa lịch sử thông qua việc khai thác và giới thiệu Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông đến người dân và du khách. Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ số, số hóa Di sản; hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch tại làng Nương Yên Tử, hệ thống lưu trú, dịch vụ, trải nghiệm các khóa tu thiền và chăm sóc sức khỏe..
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt mô hình quản lý thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2024. Trong đó, bổ sung nội luật hóa các quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đưa ra các quy định về đánh giá tác động di sản trong bối cảnh Di sản thế giới, xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ Di sản thế giới; gắn kết việc bảo tồn di tích với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các Di sản thế giới, với mục tiêu phục vụ cộng đồng tại địa phương ngày càng tốt hơn.
Vùng đất Yên Tử mang nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của một giai đoạn đặc sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới không chỉ để mời đón khách du lịch mà quan trọng hơn là đánh thức niềm tự hào, nuôi dưỡng bản sắc để chúng ta có thêm động lực gìn giữ và lan tỏa hồn cốt non thiêng, cũng như những giá trị tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm giữa dòng chảy hiện đại, để Yên Tử luôn là miền “phúc địa” của quốc gia, dân tộc, tỏa sáng và trường tồn mãi muôn đời.
Ý kiến ()