
Khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Với những giải pháp trọng tâm, trong 6 tháng đầu năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư. Đặc biệt, chỉ trong tuần này, có 2 doanh nghiệp lớn đã đề xuất đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng tỷ USD.
Cụ thể, ngày 8/7, Công ty CP Tư vấn đầu tư phát triển xanh THDV đã có cuộc làm việc với tỉnh, đề xuất đầu tư 5 tỷ USD xây dựng Tổ hợp kinh tế tuần hoàn - năng lượng xanh GH2 tại Quảng Ninh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư dự án với 3 cấu phần gồm: Tổ hợp năng lượng xanh GH2 có quy mô 713 ha, bao gồm 5 Module GH2, 24 nhà máy sản xuất nội địa; trung tâm nuôi bò thịt Angus quy mô 65ha, bao gồm hệ thống trang trại, nhà máy sơ chế sinh khối thu mua của nông dân, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi bò và nhà máy chế biến phân hữu cơ, chất thải trong chăn nuôi sẽ phục vụ công nghiệp chế tạo điện của tổ hợp GH2; vùng trồng nguyên liệu nông - lâm nghiệp có diện tích khoảng 70.000 ha…
Cùng với đó, ngày 10/7, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cho biết đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 - 2030. Về hình thức đầu tư, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu, nghiên cứu phương án, hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu đầu tư và quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong trường hợp dự án được triển khai theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư đề xuất được nghiên cứu tổng thể quy hoạch khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục.
Hai đề xuất đầu tư lớn trong một tuần là minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn mạnh mẽ của Quảng Ninh trong mắt các nhà đầu tư chiến lược cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây cũng là hai đề xuất đầu tư mang tính đột phá về mô hình phát triển (kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo) và hạ tầng giao thông. Đây cũng là thành quả cho nỗ lực thu hút đầu tư của Quảng Ninh trong thời gian qua.
Trong đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư minh bạch, quyết liệt trong cải cách. Đặc biệt là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định rõ tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay vì quản lý, hỗ trợ như trước đây. Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục cải cách sâu rộng và toàn diện các thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh chủ động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thủ tục, quy hoạch; 6 tháng đầu năm đã xử lý 136 kiến nghị doanh nghiệp.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật, đáp ứng điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc chủ động tạo mặt bằng sạch không chỉ rút ngắn thời gian tiếp cận của nhà đầu tư mà còn góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh trong thu hút dòng vốn đầu tư thứ cấp.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 51,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 292,01 triệu USD, bằng 18,8% cùng kỳ. Trong đó, có 12 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 173,64 triệu USD và 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 116,47 triệu USD.
Với những kết quả này, Quảng Ninh đã và đang khẳng định vị thế là "đất lành" cho các nhà đầu tư, tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Ý kiến ()