
"Đầu tư cho du lịch văn hoá cần có chiến lược dài hơi"
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc, thuận lợi cho phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa, tạo ra các sản phẩm và điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị truyền thống của cha ông để lại. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh vừa có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, về câu chuyện này.
- Thưa ông, về các sản phẩm du lịch văn hoá, ông có nhận xét gì về sản phẩm du lịch mới "Đi tìm dấu ngọc" do doanh nghiệp đang xây dựng tại hang Ngọc Rồng bên bờ Vịnh Bái Tử Long?

+ Thú thực là tôi cũng chưa xem, nhưng làm được cái mới thì tốt quá chứ sao. Không làm thì sao thành công. Không đi thì sao có thể thành đường được. Hãy cứ bàn làm đã đừng bàn lùi. Lãnh đạo Trung ương cũng đã chỉ đạo thế rồi. Cái gì mới cũng khó và chúng ta nên ủng hộ.
- Khi Vịnh Bái Tử Long có thêm những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn giống như câu chuyện show diễn vừa rồi thì cũng tạo điều kiện để kết nối với các trọng điểm du lịch khác phải không, thưa ông?
+ Xây dựng thêm những sản phẩm ở khu vực Bái Tử Long sẽ tạo ra được những điểm nhấn. Rất nên kết nối bởi tại Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long ngư dân có cuộc sống, có những sinh hoạt văn hoá biển, có những phong tục tập quán đặc sắc đều có thể là những chất liệu quan trọng cho phát triển du lịch.
Tôi nghĩ rằng, tài nguyên biển ở Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Lan Hạ sẽ là điều kiện để cho tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng cùng hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá của 2 địa phương rất tốt.
- Nói đến du lịch không thể không nhắc đến Vịnh Hạ Long. Trong câu chuyện du lịch văn hoá tại Hạ Long, theo ông chúng ta cần chú ý khai thác những điểm gì?
+ Vịnh Hạ Long sở hữu nhiều giá trị khác biệt, không chỉ đến từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn chứa đựng những nét văn hóa vô cùng độc đáo. Vì vậy, chúng ta có thể khai thác khía cạnh này, xây dựng các khu bảo tồn văn hóa biển để trở thành sản phẩm du lịch khác biệt và mang lợi thế cạnh tranh. Và đây cũng là lợi thế để các sản phẩm du lịch cần được khai thác theo xu hướng xanh, bền vững.
Tới Vịnh Hạ Long, ngoài cảnh quan non nước, một trong các điểm nhấn mà du khách quốc tế rất thích là văn hoá làng chài. Đặc biệt, du khách lại được chính những ngư dân, chủ nhân của làng chài đưa đò, kể chuyện, hát giao duyên trên Vịnh. Đó thực sự là những giá trị riêng có khiến khách quốc tế say mê, doanh nghiệp quan tâm.

- Lâu nay, hình như một số doanh nghiệp e dè khi đầu tư cho văn hoá bởi khả năng thu hồi vốn chậm. Ông có nghĩ vậy không?
+ Tôi không nghĩ thế. Và nhiều doanh nghiệp cũng không nghĩ thế khi đầu tư cho văn hoá. Đối với các nhà quản lý thì tôi xin họ cũng đừng nghĩ thế. Nếu tư duy như vậy sẽ như cái vòng kim cô siết chặt hành động của chúng ta và chúng ta khó mà sáng tạo được những giá trị mới.
Lợi nhuận thế nào những người làm kinh doanh họ đều tính trước được cả. Bằng chứng là những đêm nhạc ở Đồi Mặt trời, ở ngọn hải đăng hay các show diễn trên phố đêm du thuyền vẫn đông khách đó thôi. Chỉ có điều, đầu tư cho văn hoá cần phải có chiến lược dài hơi chứ không thể đòi "ăn xổi", "gặt lúa non" ngay được. Những giá trị văn hoá mang lại thường cũng không nhìn thấy ngay được. Có thể nó sẽ có hiệu quả lâu dài đến hàng trăm năm sau. Và anh đầu tư cho văn hoá thì tất yếu anh cần một chiến lược lâu dài.
- Di sản văn hoá phải do cộng đồng gìn giữ và phát triển. Bởi vậy tất yếu phát triển du lịch văn hoá phải gắn với cộng đồng. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?
+ Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã thành lập CLB Du lịch cộng đồng vừa nhằm kết nối những hạt nhân, những người yêu, mong muốn phát triển du lịch cộng đồng vừa nhằm hỗ trợ, đánh thức nguồn tài nguyên này, vừa hướng dẫn phát triển các sản phẩm cụ thể. CLB có sự tham gia của những người giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết với du lịch cộng đồng, đã làm du lịch cộng đồng ở Yên Đức (nay là phường Hoàng Quế), xã Đại Dực (nay là xã Tiên Yên), hay ở Sơn Dương (nay là phường Hoành Bồ).

- Bên trên ông vừa nhắc đến Khu du lịch làng quê Yên Đức. Có vẻ như sau đại dịch Covid-19 và sau khi có đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, khách đến đây ít dần. Đơn vị đã điều chỉnh chiến lược như thế nào ở khu du lịch này?
+ Đúng là nói đến du lịch thì phải nói đến sự thuận tiện trong đi lại. Việc đường cao tốc không gần khu du lịch của chúng tôi cũng hạn chế dòng khách đến đây. Nhưng xét cho đến cùng, sức hấp dẫn của du lịch còn là yếu tố cốt lõi văn hoá anh xây dựng ở đây là gì. Nếu anh làm du lịch văn hoá đặc sắc thực sự thì người ta vẫn sẽ tìm đến với anh.
Đặc sắc của làng quê Yên Đức là nét điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ, có cảnh sắc yên bình bên dòng sông Kinh Thầy, có di tích bề dày truyền thống lịch sử, người dân hiền hoà. Chúng tôi đã khai thác những giá trị đó chục năm nay.
Trước đây, đến khu du lịch làng quê Yên Đức, khách du lịch có thể tham quan các di tích lịch sử, danh thắng nằm trên địa bàn thôn Yên Khánh và thôn Đồn Sơn, nghe những câu chuyện về Hang 73, chùa Cảnh Huống, núi Đống Thóc, núi Con Chuột, núi Con Mèo, núi Canh, những ngôi nhà cổ, tìm hiểu nghề truyền thống. Hoặc cũng có thể xem múa rối nước, trải nghiệm xay lúa, giã gạo, thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương.

Bây giờ, chúng tôi đã điều chỉnh cách làm cũng là để thích ứng. Ở đâu cũng vậy, không thể ngủ quên trên thành quả mà cần quan tâm tìm tòi, đổi mới, sáng tạo thêm nhiều giá trị đặc sắc. Vẫn là trên địa bàn 2 thôn ấy nhưng những người làm du lịch thì không phải là nhân viên của chúng tôi nữa mà là cộng đồng. Tôi muốn xây dựng ở đây một cộng đồng tầm 30 hộ gia đình yêu thích làm du lịch. Các hộ gia đình vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng mỗi người sẽ có một sản phẩm để cùng tương trợ lẫn nhau và không dẫm chân lên nhau.
Du khách đến đây tham gia du lịch cộng đồng sẽ nhận được nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, môi trường yên bình, trong lành, món ăn dân dã, những show diễn nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, hát chèo mà người biểu diễn chính là những nghệ nhân những nông dân vốn chân lấm tay bùn v.v..
- Phải chăng tại bản làng người Sán Chỉ ở Đại Dực cũng là mô hình tương tự?
+ HTX Du lịch của bà con Sán Chỉ ở bản làng Đại Dực (nay là xã Tiên Yên) cũng giống như xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức... Ở đây, chúng tôi đang phục dựng lại những ngôi nhà cổ, những cổng nhà bằng đá, bằng gỗ. Và cộng đồng mới là chính, là chủ thể. Còn chúng tôi sẽ kết nối các đơn vị, doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng và địa phương, ký kết hỗ trợ việc quản trị, vận hành, khai thác sản phẩm sản vật địa phương cho bà con Sán Chỉ...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()