
Phát huy giá trị du lịch tâm linh vùng Đông Bắc
Là điểm đến tâm linh tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, quần thể di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên không chỉ lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa lâu đời mà còn trở thành điểm nhấn trong hành trình kết nối du lịch tâm linh vùng Đông Bắc.
Chia sẻ về việc phát huy giá trị di tích, ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, nhấn mạnh: Chúng tôi xác định bảo tồn phải đi đôi với phát huy giá trị, nâng cao chất lượng phục vụ để đền Cửa Ông - Cặp Tiên thực sự trở thành điểm đến thu hút du khách bốn phương.

Theo đó, từ năm 2019, việc thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên và triển khai mô hình đồng quản lý đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Mô hình phối hợp hiệu quả ở các khâu: tiếp nhận công đức, tổ chức lễ hội, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự...
Những năm gần đây, không gian văn hóa linh thiêng tại hai di tích ngày càng thu hút du khách nhờ tổ chức lễ hội bài bản, trải nghiệm đặc sắc. Lễ hội đền Cặp Tiên (tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng) được làm mới với tích diễn dân gian, hát chèo, đua thuyền và trò chơi truyền thống.
Lễ hội đền Cửa Ông (mùng 3 - 4 tháng 2 và tháng 8 Âm lịch) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng không ngừng được nâng tầm quy mô. Phần lễ trang nghiêm kết hợp phần hội luôn được làm mới với các trò chơi dân gian như cờ người, thi thổi cơm niêu, tổ tôm điếm, cho chữ... Đặc biệt, hội đua thuyền hồ Ba-za với sự góp mặt của nhiều đội bơi đến từ Tràng Vĩ và các vùng biển khác mang đậm bản sắc địa phương, tạo không khí sôi động. Nghi lễ rước kiệu trên bộ kết hợp trên biển tổ chức quy mô lớn, số lượng đoàn rước, tế từ Vân Đồn và các địa phương khác ngày càng đông đảo, góp phần nâng tầm sự kiện, thu hút đông đảo du khách.
Cùng với tổ chức lễ hội, công tác quản lý di tích được thực hiện nền nếp, hướng đến xây dựng môi trường du lịch văn minh với phương châm "bốn không": không ăn xin, không rác thải tồn đọng, không chèo kéo, không mê tín dị đoan. Các đoàn vào làm lễ được sắp xếp khoa học, tôn nghiêm, trật tự.

Việc kết nối tuyến điểm du lịch tâm linh cũng được đẩy mạnh. Đền Cửa Ông - Cặp Tiên ngày càng gắn kết hiệu quả với các di tích trên địa bàn, cụm di tích nhà Trần như: Bạch Đằng, Yên Tử, đền An Sinh..., góp phần hình thành chuỗi trải nghiệm văn hóa tâm linh đặc sắc. Các đơn vị quản lý phối hợp quảng bá, xây dựng tour liên vùng, bố trí hướng dẫn viên chuyên sâu tại các điểm chính.
Để phục vụ du khách, hạ tầng tại hai di tích được quan tâm đầu tư. Tại đền Cửa Ông, hệ thống bãi xe có sức chứa khoảng 500 ô tô, 400 - 500 xe máy. Đặc biệt, hơn 100 camera giám sát khu di tích cùng vé xe điện tử được đưa vào sử dụng, tăng cường an ninh và tiện ích cho du khách. Đền Cặp Tiên bố trí bãi xe cho hơn 100 phương tiện, đồng thời miễn phí gửi xe dịp lễ từ năm 2024. Chuyển đổi số trong công tác quản lý và phục vụ góp phần hiện đại hóa hoạt động di tích, nâng cao chất lượng trải nghiệm.
Cảnh quan tại di tích được cải thiện với hệ thống cây xanh, hoa tạo không gian xanh sạch đẹp, linh thiêng. Đáng chú ý, đền Cửa Ông được đầu tư 600 tỷ đồng để tu bổ, mở rộng. Theo quy hoạch mới, bổ sung các công trình phụ trợ, bến xe, bến du thuyền và phát triển loại hình du lịch xanh với xe điện... phục vụ khách tham quan.

Theo thống kê, lượng du khách về tham quan, chiêm bái tại khu di tích ngày càng tăng, đạt khoảng 600.000 lượt trong năm 2024 (đền Cửa Ông: 500.000 lượt, Cặp Tiên: 100.000 lượt), cho thấy sức hút ngày càng lớn của hai điểm đến tâm linh này.
Theo lãnh đạo phường Cửa Ông thì phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ là một trong bốn trọng tâm phát triển KT-XH của địa phương sau sáp nhập. Du lịch tâm linh sẽ tiếp tục được chú trọng, kết hợp khai thác hiệu quả các danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn, góp phần xây dựng phường Cửa Ông trở thành điểm đến du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn của Quảng Ninh.
Ý kiến ()