
Lễ hội xuống đồng thắm đượm hồn quê
Nhắc đến vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên cũ) là nói đến một “miền di tích và lễ hội” với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống lớn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn của cư dân từ thuở sơ khai. Trong đó, Lễ hội xuống đồng với những yếu tố văn hóa tinh thần độc đáo đã trở thành di sản văn hóa đậm vị làng quê của vùng đất cửa biển Bạch Đằng nói chung, vùng đảo Hà Nam nói riêng.
Đảo Hà Nam (TX Quảng Yên cũ) là vùng đất phù sa cổ có gần 40km đê biển bao trọn, với trên 6 vạn dân, chia làm 2 phường hành chính (phường Phong Cốc và Liên Hòa, sáp nhập từ 2 phường và 4 xã trước kia).
Được mệnh danh là vùng đất có nhiều lễ hội dân gian, cùng với Lễ hội Tiên công dịp đầu năm mới, Lễ hội xuống đồng vào đầu vụ mùa hằng năm cũng là lễ hội mang tính chất nông lịch với nhiều hoạt động truyền thống, nhằm giáo dục sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, chống lại thiên tai ở vùng cửa sông nhiều mưa bão.

Xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền”, lễ hội xuống đồng đã được người dân nơi đây lưu giữ từ hàng chục năm qua. Sau nhiều năm gián đoạn, từ năm 2007, Lễ hội được khôi phục và tổ chức thường niên trở lại. Đến năm 2024, Lễ hội xuống đồng chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội xuống đồng năm nay được tổ chức vào 2 ngày 28 và 29/6 (mùng 4 và 5/6 âm lịch). Ngày chính hội, từ tờ mờ sáng, người dân đã í ới gọi nhau ra ruộng phía trước đình Cốc để tham gia nghi lễ cấy xuống đồng và cuộc thi cấy. Sau phần thắp hương cầu Thần Nông phù hộ cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, ông chủ tế lội xuống ruộng, cấy những cây lúa đầu tiên trước sự chứng kiến của dân làng. Theo quy ước được truyền lại từ xưa, sau khi ông chủ tế hoàn thành nghi lễ, mọi người mới chính thức bắt đầu vụ mùa mới. Ông chủ tế cũng phải là người không có tang trở, bố mẹ song toàn và con cái phương trưởng thì mới được xuống đồng thực hiện nghi lễ linh thiêng này.

Tại khu vực thi "cấy xuống đồng", các chị phụ nữ mặc áo nâu truyền thống thoăn thoắt cắm những cây mạ ngay hàng thẳng lối trong sự hò reo cổ vũ và tiếng trống rộn ràng, báo hiệu một vụ mùa bội thu phía trước.
Để chuẩn bị cho hội thi năm nay, các đội cấy được tuyển chọn và tổ chức luyện tập, đảm bảo thể hiện đúng kỹ năng, kỹ thuật và tinh thần thi đua sản xuất của cư dân nông nghiệp truyền thống. Giống lúa được sử dụng trong hội thi cũng là loại có năng suất, chất lượng, giá trị cao, kháng bệnh, dễ chăm sóc và chống chọi tốt trước thiên tai.
Cuộc thi cấy kết thúc, mọi người hối hả thu dọn đồ đạc, trở về đình Cốc, chuẩn bị cho khai mạc Lễ hội. Tiếng trống hội đã rộn rã khắp nơi. Khắp các nẻo đường, người dân hối hả đổ về sân đình Cốc. Sau nghi lễ gióng trống, lễ hội chính thức bắt đầu.

Hoạt động được mong chờ nhất của lễ hội là các keo bơi diễn ra trên sông Cửa Đình trước sân đình Cốc. Theo truyền thống có 3 keo bơi: “Bơi yết”, “Bơi giải hà” và “Bơi chung cuộc”.
Làng đảo Hà Nam vốn là vùng thấp trũng hơn mực nước biển. Từ xưa, người dân phải trông chờ vào trời đất, chống chọi với thiên nhiên để sản xuất, xây dựng cuộc sống, mở rộng đất đai. Do đó, môn đua thuyền ra đời, góp phần khẳng định lòng quyết tâm, truyền thống đoàn kết của cư dân vùng đảo. Khác với thi bơi chải bằng bơi dầm (mái chèo) ở các nơi khác, bơi chải ở Làng Cốc có những keo bơi đẩy bằng sào của các đội thi nam và nữ rất ngoạn mục, là nét văn hóa riêng có của vùng quê này.

Hội bơi năm nay có tổng cộng 16 đội bơi (cả nam và nữ), chia theo nội dung bơi sào và bơi dầm. Xuất phát mỗi keo bơi có người chạy chèo đối với nam và chạy cờ đối với nữ. Ngay khi người cầm trịch hô xuất phát và phất cờ hiệu, các vận động viên chạy chèo nhanh chóng chạy từ cửa đình xuống bến sông, trao chèo cho người lái cài vào cọc chèo để bắt đầu lái chải. Toàn bộ vận động viên trên chải là một khối thống nhất trong từng nhịp dầm, nhịp sào đẩy để chải lao về phía trước.
Đến và hòa mình trong không khí lễ hội xuống đồng của những người dân vùng đảo Hà Nam mới thấy hết được tình cảm của người dân nơi đây dành cho lễ hội. Keo bơi giải hà và chung cuộc năm nay diễn ra dưới cơn mưa nặng hạt nhưng không vì thế mà sự nhiệt tình của các VĐV và người dân giảm sút. Ai ai cũng hồ hởi reo hò, cổ vũ, đón những chiếc thuyền đua về đích đầu tiên trong các keo bơi.

Lễ hội xuống đồng kết thúc với nghi lễ tế “giã hội” tại đình Cốc. Thắp những nén nhang tạ ơn các vị thần đã phù hộ, những người dân vùng đảo Hà Nam trở về với nhịp sống thường nhật vất vả mưu sinh. Thế nhưng dư âm về lễ hội truyền thống, một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của những người dân vùng sông nước vẫn mãi in hằn trong tâm trí, để họ lại háo hức chờ đón những mùa lễ hội sau.
Theo thời gian, dù những địa danh làng xã có đổi thay, phường Phong Cốc, Liên Vị hôm nay đã mang gương mặt của đô thị mới nhưng những lễ hội truyền thống với tập tục văn hóa từ xa xưa vẫn mãi thắm đượm hồn quê, là nỗi nhớ, là niềm tự hào của người làng Cốc.
Ý kiến ()