
Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Hành trình đến Di sản thế giới
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới trong phiên họp ngày 12/7, kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới. Đây là một vinh dự lớn cho Việt Nam, đặc biệt cho 3 địa phương sở hữu di sản và mở ra cơ hội nâng tầm phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa. Nhìn lại hành trình hơn 13 năm xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, đó là hành trình thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ của các địa phương liên quan trong việc tôn vinh di sản, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh với vai trò chủ trì xây dựng hồ sơ.
Lộ trình xây dựng hồ sơ
Hồ sơ đề cử di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được đánh giá là hồ sơ khoa học đồ sộ, kết quả của một thời gian dài nghiên cứu công phu với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chỉ tính từ tháng 7/2020 đến nay, Quảng Ninh đã ban hành gần 650 văn bản báo cáo, xin ý kiến Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 2 địa phương liên quan đến di sản, tổ chức 8 cuộc hội thảo quốc tế và 11 cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một số vụ, viện cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức hơn 100 cuộc họp giữa Ban Điều hành xây dựng Hồ sơ Yên Tử với Sở VH,TT&DL 3 địa phương; giữa Sở VH,TT&DL 3 địa phương với các sở, ngành, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn xây dựng Hồ sơ đề cử. Đặc biệt là mời 5 chuyên gia quốc tế và hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trong nước tham gia vào quá trình hoàn thiện hồ sơ di sản.
Không những thế, để chạm tới danh hiệu di sản là cả một hành trình nỗ lực không ngừng với những sự điều chỉnh, thay đổi trong quá trình tiếp cận xây dựng hồ sơ, làm thế nào để kể câu chuyện về di sản được đầy đủ, rành mạch và có tính xác thực, thuyết phục cao nhất.
Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai các bước lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới và gửi bản đăng ký lên UNESCO vào năm 2014. Website của Trung tâm Di sản thế giới đã chính thức đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Hồ sơ ban đầu dự kiến làm rõ 5 tiêu chí số 2-3-5-6-7 theo bộ tiêu chí đánh giá Di sản thế giới của UNESCO; đồng thời phạm vi di tích ở 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (cũ). Sau đó bổ sung thêm các di tích thuộc tỉnh Hải Dương (cũ) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do đó cần bổ sung, viết lại hồ sơ.

Từ đó đến nay, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị chủ trì lập hồ sơ, tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo quốc gia, quốc tế nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong việc xây dựng hồ sơ di sản.
Năm 2015, ông Pall Dingwall - chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN, và Giáo sư Hea Un Ri – chuyên gia của Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) đã có những chuyến khảo sát các địa điểm thuộc khu di sản trên địa bàn 3 địa phương. Ngay sau chuyến thực địa của các chuyên gia, ngày 18/8/2015, một cuộc hội thảo nhận diện các giá trị toàn cầu của Yên Tử đã được tổ chức tại Quảng Ninh để tranh thủ sớm ý kiến của các chuyên gia ICOMOS về việc tiến hành lập hồ sơ di sản thế giới đối với Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử. Các chuyên gia đều khẳng định thời gian để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh ít nhất phải cần từ 5-10 năm, thậm chí có quốc gia tới gần 20 năm. Điều này cho thấy việc lập hồ sơ đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả 3 địa phương trong vùng di sản.
Để đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, dịp cuối tháng 8/2020, một cuộc toạ đàm cấp quốc gia do tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với tỉnh Hải Dương (cũ) và Bắc Giang (cũ) tổ chức tại Quảng Ninh, có sự hiện diện của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di sản, văn hóa nhằm xác định những giá trị tiêu biểu, nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. 39 bài tham luận và 16 ý kiến phát biểu của các chuyên gia đã đóng góp nhiều góc nhìn sâu sắc để xác định tên gọi của hồ sơ; loại hình di sản; lựa chọn các tiêu chí và phạm vi xây dựng hồ sơ.

Các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng Phật giáo Trúc Lâm với tinh thần nhập thế mà vị Tổ sáng lập chính là Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ có tầm ảnh hưởng ở trong nước mà cả với quốc tế. Các chuyên gia cũng đánh giá hồ sơ chỉ nên tập trung chứng minh từ 2-3 tiêu chí, nên tập trung vào tầm ảnh hưởng toàn cầu của tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm, vào vùng không gian văn hóa được tạo dựng ở đây, sự thích ứng của con người với điều kiện thiên nhiên, tôn trọng, bảo vệ và tận dụng hệ sinh thái đó để cùng chung sống, tạo dựng nên hệ thống chùa, am, tháp qua hơn 7 thế kỷ.
Từ cuộc hội thảo này đã thống nhất tên gọi hồ sơ là “Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử”, lựa chọn các tiêu chí số 3-5-6 trong bộ tiêu chí của UNESCO để xây dựng hồ sơ, tức là đã rút bớt 2 tiêu chí (số 2 và số 7) so với bộ hồ sơ cũ năm 2014. Tháng 2/2021, Báo cáo tóm tắt Hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đã chính thức được website của Trung tâm Di sản Thế giới đăng tải vào danh mục đề cử Di sản thế giới.
Trong 2 năm 2021 – 2022, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện 3 chuyên đề nghiên cứu các giá trị về văn hóa, lịch sử, hệ thống kiến trúc cảnh quan, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để bổ sung những cứ liệu khoa học cho bộ hồ sơ di sản, đặc biệt là các kết quả khảo cổ học, các bản đồ, bản vẽ, sơ đồ về địa chất địa mạo, viễn thám, bản đồ phân bố di tích...

Từ ngày 20/6/2022 đến 03/7/2022 các chuyên gia quốc tế gồm GS. Paul Dingwall, Bà Radhika Dhumal và GS. Ueno Kunikazu đã cùng với các chuyên gia Việt Nam làm việc với Sở VHTT, Sở VH,TT&DL của 3 địa phương có di sản, các Ban quản lý di tích và đi thực địa tại các địa điểm thuộc quần thể di tích trải dài trên 3 tỉnh lúc bấy giờ. Dịp này, một cuộc Hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức ngày 29/6/2022 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 70 đại biểu trong nước và quốc tế để đánh giá mức độ đầy đủ các tài liệu hiện có, các kết quả nghiên cứu mới bổ sung, thống nhất các tiêu chí dự kiến hồ sơ sẽ đáp ứng được; thống nhất “câu chuyện” cốt lõi về khu di sản đề cử, phạm vi, ranh giới dự kiến, kiểu loại di sản đề cử, kế hoạch và lộ trình tiếp theo.
Ngày 19/7/2022, Bộ VH,TT&DL thống nhất đổi tên Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử thành “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”; lựa chọn 03 tiêu chí xây dựng hồ sơ là tiêu chí 3,5,6.

Hồ sơ chính thức Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được hoàn thiện và trình UNESCO vào tháng 1/2024 để công nhận di sản thế giới, bao gồm: phần Chính văn với 9 chương và phần Phụ lục Hồ sơ (với hệ thống các bản ảnh, sơ đồ, bản vẽ kiến trúc, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích và 10 chương kế hoạch quản lý di tích). Từ 20 điểm di tích ban đầu đưa vào hồ sơ, các chuyên gia quốc tế đã khuyến nghị điều chỉnh hồ sơ, chọn 12 điểm di tích và 2 tiêu chí đề cử số 3 và số 6. Việc kịp thời ghi danh di sản độc đáo này vào danh sách di sản thế giới của UNESCO sẽ đảm bảo di sản nhận được mức độ bảo vệ cao nhất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này cho các thế hệ tương lai, đồng thời tôn vinh và hướng tới những giá trị nhân văn của một thế giới hòa bình và giàu lòng nhân ái.
Từ chốn Tổ linh thiêng đến Di sản nhân loại
Di sản thế giới Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống gồm 12 di tích/cụm di tích, được chắt lọc từ hàng trăm di tích và danh thắng của 6 khu di tích quốc gia đặc biệt ở 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng. Các di tích và danh thắng của Quần thể đều nằm trên vùng cảnh quan của Cánh cung Đông Triều, cụ thể là Dãy núi Yên Tử cùng hệ thống đồng bằng, sông nước, biển bắt nguồn từ đó và bao quanh nó. Nơi đây từng là một trong bốn “phúc địa” của Giao Châu, đồng thời cũng là quê gốc của họ Trần - dòng họ đã lập nên một triều đại quân chủ rực rỡ của quốc gia Đại Việt trong các thế kỷ XIII - XIV.

Cũng trên vùng đất này, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm bằng cách kế thừa, phát huy tinh hoa và thống nhất các dòng thiền, các tông phái Phật giáo có trước và đương thời, kết hợp với Nho giáo, Đạo giáo và phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, gắn đạo với đời, cùng các đệ tử phát triển thành Phật giáo Trúc Lâm - Quốc đạo của Đại Việt. Non nước Yên Tử cùng hệ thống rất đa dạng, phong phú các công trình nhân sinh trên đó thể hiện một cách rõ nét nhiều khía cạnh của cuộc sống như tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương... của nền văn hiến Đại Việt xưa.
Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay, Yên Tử vẫn bảo tồn được nhiều di sản của các bậc tiền nhân để lại, đó là hệ thống những ngôi chùa, am, tháp, hàng ngàn di vật cổ, hệ thống văn bia, kinh văn chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời nhà Trần. Tinh hoa văn hoá Trúc Lâm Yên Tử cũng ngày càng lan toả sâu rộng ở trong và ngoài nước.

Non thiêng Yên Tử chính là bảo tàng văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh, văn hóa cảnh quan - sinh thái, thể hiện tư tưởng, tâm hồn, dấu ấn văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Thiên nhiên Yên Tử là một bảo tàng tự nhiên với hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, hệ thống động thực vật đa dạng của Rừng quốc gia Yên Tử, nổi bật là các cây di sản hàng trăm năm tuổi như Xích Tùng, cây Đại và cây Mai vàng cổ thụ.
Núi rừng Yên Tử còn được biết đến là kho thuốc nam quý giá với nguồn dược liệu đa dạng, từng được các thiền sư phát triển thành các am Dược, am Thung trên núi, góp phần chăm sóc sức khỏe cho các nhà tu hành và người dân trong vùng.

Bên cạnh đó là giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc được thể hiện qua hệ thống các chùa, am, tháp, văn bia, câu đối dọc theo dãy Yên Tử - nơi kết hợp hài hòa của cảnh đẹp kỳ thú thiên nhiên và chiều sâu lịch sử, văn hóa dân tộc. Tất cả đã làm nên một điểm đến là sự hội tụ, kế thừa của những giá trị mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, lan tỏa vẻ đẹp trường tồn của một di sản văn hóa được truyền thừa, tiếp nối cho nhiều thế hệ người Việt.
Từ một điểm đến nổi tiếng của miền Bắc, một Di tích Quốc gia đặc biệt, Yên Tử - Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới, đưa văn hóa Phật giáo Việt Nam vươn ra quốc tế.


Nơi này không chỉ là một di sản trong quá khứ, mà là một "di sản sống", tiếp tục lan tỏa ánh sáng Phật pháp, văn hóa và triết lý sống của dân tộc Việt Nam vào từng bước chân hành hương hôm nay, thông qua các sự kiện điểm nhấn như các lễ hội cùng nhiều sự kiện Phật giáo của quốc gia và quốc tế được tổ chức trong không gian di sản, thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương mỗi năm. Các buổi giảng pháp, khóa tu được tổ chức định kỳ, các hoạt động thực hành thiền, yoga… tại đây là minh chứng sống động cho sự tiếp nối mạch nguồn thiền học, lan tỏa ánh sáng từ bi – trí tuệ của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống hiện đại.
Giữ gìn và phát huy giá trị của Yên Tử chính là gìn giữ một phần hồn thiêng của dân tộc. Đó cũng là hành trình trở về với cội nguồn mang đậm giá trị nhân văn và triết lý sống bền vững.
Ý kiến ()