
Bài 3: Nối dài sự sống cho đời
Ghép tạng thành công không chỉ ghi dấu những nỗ lực về chuyên môn của các bác sĩ mà còn là đến từ tâm hồn cao đẹp, trái tim nhân hậu, dũng cảm đã vượt qua nỗi đau cá nhân để hiến tạng người thân, làm hồi sinh sự sống cho người bệnh đang ở bên bờ vực của sinh tử.
Quyết định khó giữa ranh giới sinh - tử
Cho đi một phần cơ thể người thân là hành động dũng cảm mà không phải ai cũng làm được. Ông Dương Quang Đông và bà Nguyễn Thị Nhận ở phường Uông Bí là trường hợp đầu tiên hiến tạng con trai mình tại Quảng Ninh. Đã hơn một năm trôi qua nhưng ông Đông vẫn quặn lòng khi nhớ lại cảnh con nằm đó, trái tim còn đập nhưng não bộ không hoạt động. Cứ một vài tiếng, bác sĩ lại thông báo tình trạng ngày càng xấu đi. Giữa cơn đau quặn thắt, người đàn ông đầy nghị lực này đã gọi điện về bàn với vợ. Vợ ông im lặng hồi lâu không trả lời...
Thế rồi, vốn tín tâm sống theo lời Phật dạy "cát bụi rồi cũng về cát bụi", cho đi là còn mãi nên cuối cùng bà Nhận cũng đồng ý. Từ quyết định dũng cảm của ông bà đã có 7 bệnh nhân hiểm nghèo được cứu sống. Trong đó, có 3 bệnh nhân ở Huế: 1 người đã 2 lần ngưng tim, 1 người suy thận mạn và 1 em bé bị suy gan nặng đang giữa lằn ranh sinh tử. Họ đã được cứu sống cũng là niềm an ủi phần nào nỗi đau mất con đang rỉ máu trong trái tim ông bà.
Ở vào hoàn cảnh tương tự, chị Lường Thị Chung, cán bộ y tế Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, sẽ không thể quên được cái đêm người chồng thân yêu của mình là anh Đàm Văn Long ra đi. Bên ngoài khu hồi sức tích cực, chị Chung nghẹn lòng theo dõi từng bước đi của các bác sĩ. Vốn là nhân viên y tế, tiếp xúc với chuyện bệnh tật sinh tử đã nhiều nhưng lần này là cú sốc quá lớn với chị.
Nghĩ đến chồng, nghĩ đến những đứa con thơ dại mất cha chị Chung quặn lòng... Vậy nhưng chị đã nén nỗi đau, quyết định hiến tạng chồng mình. Chị đã thay chồng cứu vớt 7 cuộc đời. Người phụ nữ quỳ xuống, đôi mắt dường như đã khóc đến khô cạn. Tay chị run run như muốn ôm lấy từng hộp bảo quản vô trùng đang chứa tim, gan, thận, phổi và giác mạc của người đàn ông bao năm đầu ấp tay gối với mình. Thế rồi, chị gật đầu cho chuyển đi. Ở nơi nào đó, 7 người chị chưa từng gặp họ vẫn cần được sống.

Khi những phần cơ thể được trao đi
Để lấy tạng và ghép tạng hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) huy động tối đa nhân lực, thiết lập 5 phòng mổ liên hoàn. Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kể: Chúng tôi đã huy động tối đa 46 bác sĩ, nhân viên có chuyên môn hồi sức tích cực, gây mê, phẫu thuật tiết niệu, thận - lọc máu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… Tất cả đều trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, đảm bảo điều kiện tối ưu cho ca lấy đa tạng và 2 ca ghép thận đồng thời.
Sau 3 giờ phẫu thuật liên tục, các kíp đã lấy thành công các tạng. Hai thận được ghép tại chỗ cho 2 bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền Trang (33 tuổi) và Đỗ Thị Lịch (54 tuổi) đều ở Hà Nội. Các tạng còn lại được đưa lên xe cứu thương chuyển cho một số bệnh viện tuyến Trung ương.
Hơn một tháng trôi qua, nhưng trong câu chuyện kể cho chúng tôi, bác sĩ CK2 Phạm Việt Hùng, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vẫn còn rưng rưng xúc động. Tôi biết, anh đã từng nhiều lần mổ tim, đã được tập huấn nhiều ở nước ngoài rồi nên những kỹ thuật này không làm khó được anh. Anh Hùng kể, trước khi tiến hành mổ lấy tạng, tất cả ê kip đứng mặc niệm trước người hiến tạng. Một bác sĩ sẽ đại diện đọc vài lời ngắn gọn dạng như một điếu văn thu nhỏ tri ân cống hiến cao cả của người hiến tạng gửi lại sự sống cho đời.
Kể đến đây, giọng anh như chùng xuống. Căn phòng làm việc của anh nơi tôi đang ngồi đây cũng chợt lặng đi. Tôi nhìn sang, hình như đôi mắt của người bác sĩ đã trải qua hàng trăm ca mổ phức tạp khó khăn kia cũng ươn ướt.

Rồi anh Hùng nối lại câu chuyện với tôi bằng những công đoạn của ca mổ lấy tạng và ghép thận vừa thực hiện. Tất cả đều phải diễn ra khẩn trương và đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, các bác sĩ đều tiến hành hết sức từ tốn, nâng niu từng phần cơ thể của người hiến tạng. Bác sĩ Hùng bảo, người hiến tạng chỉ chết não, còn mạch máu và các cơ quan vẫn đang hoạt động. Hơn nữa, người ấy còn có nghĩa cử cao cả là hiến tạng cứu người. "Chúng tôi làm việc với sự tri ân nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Nó khác rất xa so với việc mổ tử thi. Bác sĩ pháp y sẽ không bao giờ có được cảm xúc đó”- anh Hùng xúc động chia sẻ.
Quá trình ghép tạng cũng phải được làm thận trọng, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, công trạng anh không nhận hết về mình. Bác sĩ Hùng cũng cho biết, cái khó nhất lại là điều trị nội khoa sau mổ, chống thải ghép. Thường thì những ca ghép thận lấy từ người chết não rất bất ngờ. Bệnh nhân chờ ghép không hề được chuẩn bị. Khi ghép một quả thận vào, tất nhiên cơ thể sẽ phản ứng. Vì thế, việc chống thải ghép hết sức quan trọng.
Công việc nặng nề này được giao cho các điều dưỡng. Điều dưỡng Vũ Mai Hương kể: "Để chống thải ghép huỷ hoại thận, người bệnh đã được dùng thuốc làm hệ thống miễn dịch rất yếu, do đó chăm sóc người bệnh phải vô khuẩn tuyệt đối. Người nhà không được vào. Mọi việc chăm sóc bệnh nhân thuộc về điều dưỡng". Điều dưỡng Trần Thị Thu Trang tiếp chuyện: "Việc chăm sóc bệnh nhân sau ghép thận rất phức tạp, ca nào cũng phải có 2 điều dưỡng đi làm cùng để hỗ trợ nhau. Quy trình dùng thuốc cũng phức tạp hơn để sao cho quả thận ghép vào không bị huỷ hoại...".
Bác sĩ Hùng nói với tôi mà khoé mắt như mỉm cười: “Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân được xuất viện. Nhìn bệnh nhân da dẻ đẹp đẽ, khuôn mặt hồng hào, hồi phục từng ngày trông thấy, chúng tôi biết là mình đã thành công. Kết quả này thật hạnh phúc. Và sự hy sinh của người hiến tạng đã không bị bỏ phí”.

Viết tiếp câu chuyện nhân văn
Theo quy định, cán bộ y tế phải bảo mật danh tính người hiến và người ghép. Nhưng bằng cách nào đó họ vẫn tìm gặp nhau. Bệnh nhân Vũ Xuân Cường, 48 tuổi, ở phường Cẩm Phả, mắc suy thận giai đoạn cuối, chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần, có chỉ định ghép thận điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào đầu tháng 4 vừa qua. Sau 3 tháng ghép thận, đến nay, anh Cường đã dần hồi phục, có thể làm được một số việc nhẹ nhàng. Bằng những mối quan hệ cá nhân, anh Cường đã xin được số điện thoại, địa chỉ người hiến tạng. Khi sức khoẻ ổn định, anh sẽ tìm gặp gia đình người hiến tạng để thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến của mình.
Lại nói về ông Đông, không hiểu sao lại nhận được nhiều cuộc điện thoại của các gia đình. Họ rất muốn được đến gặp mặt ông bà để tri ân. Lúc hiến tạng con mình, ông bà không mưu cầu sự biết ơn, chỉ mong muốn người nhận tạng được khoẻ lại. Nhưng những mảnh đời được hồi sinh thì không thể vô tâm. Họ vẫn tìm về. Giờ đây, gia đình ông Đông lại có thêm em, thêm con và thêm cháu là những người đang mang trong mình một phần cơ thể của con trai ông bà. Ông bà đều chung một tâm niệm, nếu mà biết người thân của mình không qua khỏi thì cũng nên hiến tạng cho những người đang giành giật sự sống. Cho đi để còn lại. Thân xác rồi cũng thành cát bụi nhưng hình bóng thì còn lưu lại giữa cuộc đời.

Một trong những người tìm đến gia đình ông Đông là ông Nguyễn Thanh Quỳnh, phường Đông Mai. Gia đình ông Quỳnh luôn ghi lòng tạc dạ nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Đông. Con trai ông là Nguyễn Thanh Tùng như được hồi sinh lần 2 nhờ một quả thận mà con ông Đông hiến tặng. Ông Quỳnh thường xuyên đưa con lên nhà ông Đông thăm nom và coi gia đình ông như người cha, người mẹ thứ hai của con mình. Ông Quỳnh muốn giáo dục cho con lòng biết ơn.
Cũng giống như Thanh Tùng, chị Trang như được hồi sinh lần thứ 2. Chị coi ngày 23/5/2025 là ngày sinh nhật lần thứ 2 của mình. Mỗi ngày qua đi, chị Trang đều nói chuyện với quả thận mới ghép và cảm ơn người hiến.
Khi ghép một vật thể lạ vào cơ thể, tất yếu sẽ diễn ra cuộc đào thải. Và mỗi ngày qua đi với chị Trang như một cuộc chiến sinh tử để giữ lại món quà vô giá mà một vị ân nhân không quen biết đã tặng cho mình. Nhưng chị Trang không đơn độc trong cuộc chiến đấu đó. Chị Trang còn có chị Chung làm bạn. Những cuộc gọi giữa 2 người đều đẫm nước mắt. Hai người phụ nữ, cùng làm mẹ, cùng từng trải qua nỗi đau nên dễ đồng cảm với nhau. Giờ đây, họ đã được kết nối với nhau bởi một sợi dây của yêu thương. Chị Trang mong sớm được khoẻ lại để về Quảng Ninh thăm chị Chung, ôm chị thật chặt như một người chị gái.
Anh Long chồng chị, đôi mắt đã nhắm lại nhưng vẫn nhìn đời qua đôi mắt người nhận. Trái tim anh vẫn đập thổn thức trong lồng ngực người khác. Hai lá phổi thì vẫn hít khí trời. Trái tim nhân hậu và ánh sáng bao dung thì không bao giờ tắt. Đó là thứ ánh sáng vĩnh hằng.
Tôi nghĩ, với chị Chung và các con của chị, anh Long vẫn sống. Bằng một cách nào đó, với một hình hài nào đó ở nơi chị Trang và 6 người khác, anh vẫn dõi theo động viên chị cùng các con. Và những đứa trẻ kia sẽ lớn lên, dù có khó khăn vì thiếu cha nhưng chúng sẽ tự hào về cha mẹ của mình. Câu chuyện nhân văn ấy vẫn sẽ được chị Trang và các nhân vật mà tôi vừa kể viết tiếp ở đời.
Ý kiến ()