
Giáo dục lòng yêu nước thời 4.0
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội, việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp với thời đại số. Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt đổi mới nội dung, hình thức giáo dục lòng yêu nước, gắn truyền thống với thực tiễn phát triển địa phương, phát huy hiệu quả các nền tảng số, không gian mạng và hoạt động trải nghiệm thực tế để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới thế hệ trẻ.
Nếu như trước kia, giáo dục lòng yêu nước chủ yếu được truyền tải qua lớp học lý luận, sách giáo khoa hay các buổi sinh hoạt truyền thống, thì ngày nay, cảm xúc và tinh thần ấy đang dần thấm sâu vào đời sống người trẻ thông qua mạng xã hội, các nền tảng số và công nghệ truyền thông hiện đại. Thế hệ trẻ Quảng Ninh với tư duy cởi mở, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy và tinh thần đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành lực lượng tiên phong truyền cảm hứng yêu nước một cách gần gũi, sống động và hiệu quả. Không chỉ tiếp nhận lịch sử, văn hóa dân tộc một cách thụ động, mà những người trẻ còn chủ động sáng tạo nội dung, tạo nên các sản phẩm truyền thông mang màu sắc cá nhân để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước đến cộng đồng.
Một trong những minh chứng sinh động là chiến dịch truyền thông “Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh” do Tỉnh Đoàn phát động từ cuối năm 2024. Chiến dịch bao gồm 2 hoạt động lớn là: Trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” và xây dựng Bản đồ số “Quảng Ninh - những sắc màu văn hóa”. Trong đó, trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” đã thực sự tạo nên sức hút mạnh mẽ trong giới trẻ. Với hình thức mở, không rập khuôn, các bạn thanh thiếu niên được tự do sáng tạo nội dung thể hiện tình cảm với quê hương thông qua video, hình ảnh, bài viết, podcast, đồ họa số… giới thiệu lễ hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trò chơi dân gian, ẩm thực và cả tiếng nói của các dân tộc thiểu số.
Tính đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 4.200 sản phẩm truyền thông văn hóa được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, riêng fanpage “Tuổi trẻ Quảng Ninh” đã có 41 bài đăng chuyên đề; hơn 2.800 lượt sử dụng hashtag, 170 lượt dùng mẫu CapCut thiết kế riêng và sự tham gia của 22 gương mặt có ảnh hưởng trên mạng xã hội, đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Quảng Ninh đến đông đảo người trẻ trong và ngoài tỉnh.

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: Không chỉ dừng lại là một “trào lưu”, chúng tôi mong muốn với “Quảng Ninh trong tôi là…”, những hành trình, những bức ảnh được chụp tại các địa điểm, di tích lịch sử, những cảm nhận bình dị, gần gũi của mỗi bạn trẻ về hệ giá trị của quê hương từ thiên nhiên, văn hóa, con người đến những bước tiến phát triển bứt phá của Quảng Ninh sẽ được chia sẻ nhiều hơn, mới mẻ hơn, sâu sắc hơn.
Qua đó, không ngừng khơi dậy niềm tự hào về quá khứ hào hùng, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước thường trực trong tim mỗi người và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Thông qua trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” cũng là cách để thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên Vùng mỏ thể hiện vai trò của những người tiên phong đưa văn hóa nói riêng và những giá trị riêng có của quê hương nói chung lan tỏa mạnh mẽ và vươn xa trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Song song với các chiến dịch truyền thông số, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống bằng phương pháp mới. Nhiều mô hình độc đáo đã được triển khai, như chương trình truyền thông đồng đẳng với chủ đề “Em yêu giá trị quê mình” ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế bài giảng, video thuyết minh, giúp học sinh tiếp cận lịch sử, văn hóa địa phương một cách trực quan, sinh động.
Cùng với việc duy trì tổ chức các hành trình về nguồn đưa thanh thiếu nhi trực tiếp tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương, toàn Đoàn đã gắn gần 300 mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ du khách và người dân tra cứu thông tin, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Quảng Ninh hiệu quả, hiện đại hơn.

Đặc biệt, một dấu ấn sâu đậm trong hành trình giáo dục lòng yêu nước bằng công nghệ là chương trình “Tô màu ký ức” do Tỉnh Đoàn phối hợp với nhóm Skyline tổ chức từ đầu năm 2025 vừa qua. Chương trình đã phục dựng và trao tặng di ảnh các Anh hùng liệt sĩ của Quảng Ninh được tái hiện bằng công nghệ AI cho thân nhân của họ. Những gương mặt thân quen, sống động như thể người đã khuất hiện về từ quá khứ, khiến bao gia đình nghẹn ngào trong xúc động. Không chỉ là món quà tri ân vô giá, chương trình còn là cách kết nối truyền thống với hiện đại, làm sống dậy lịch sử bằng một hình thức gần gũi, chạm đến trái tim người trẻ. Những bức ảnh, thước phim đi kèm các câu chuyện cảm động cũng được chia sẻ trên mạng xã hội, lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc tới đông đảo cộng đồng.
Trong thời đại 4.0, khi không gian mạng tiềm ẩn nhiều thông tin xấu độc, việc giữ vững “phòng tuyến tư tưởng” trong giới trẻ càng trở nên quan trọng. Các cấp bộ Đoàn đã chủ động xây dựng, duy trì hơn 500 fanpage, tài khoản mạng xã hội để cập nhật thông tin chính thống, chia sẻ các hoạt động tích cực và kịp thời phản bác các luận điệu sai trái. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.600 lượt tin, bài tuyên truyền về các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, địa phương, các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội với nội dung thiết thực, hình thức hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu giới trẻ.
Bên cạnh đó, 5 năm qua, Tỉnh Đoàn đã tổ chức 15 đợt thi trực tuyến tìm hiểu lý luận chính trị trên Bộ công cụ học tập, rèn luyện lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên, thu hút gần 96.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, góp phần củng cố nền tảng tư tưởng vững vàng, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ.

Tình yêu nước không phải là khái niệm bất biến mà là dòng chảy liên tục được nuôi dưỡng, bồi đắp và làm mới qua từng thế hệ. Tuổi trẻ Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, bằng sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của mình, đang thổi luồng sinh khí mới vào tinh thần yêu nước. Từ mạng xã hội đến đời sống thực tiễn, từ các sản phẩm truyền thông số đến những hành động tri ân sâu sắc, họ đang chứng minh rằng yêu nước không phải là điều gì to tát, mà hiện hữu trong mỗi việc làm tử tế, trách nhiệm, sáng tạo vì cộng đồng, vì quê hương, vì Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh nội sinh quý giá, là hành trang vững chắc để thế hệ trẻ bước vào tương lai với khát vọng cống hiến, sẵn sàng dựng xây đất nước ngày càng hùng cường và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()