
Âm nhạc dân gian của người Dao
Âm nhạc dân gian của người Dao Quảng Ninh thể hiện sự phong phú, đa dạng và gắn kết chặt chẽ với những loại hình nghệ thuật khác.
Tại Quảng Ninh, dân tộc Dao có dân số đông thứ hai sau người Kinh với tổng số 73.951 người. Dân tộc Dao ở Quảng Ninh có 3 nhóm là Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang. Âm nhạc dân gian của người Dao gắn với tín ngưỡng và nghi thức vòng đời. Đó là những bài dân ca trong nghi lễ, trong sinh hoạt sản xuất và trong hát giao duyên gọi bạn tình.
Dân tộc Dao gọi chung dân ca là "áy chủng", riêng người Dao Thanh Phán thì gọi là pả dung. Đó là những sáng tác dân gian có lời hát gắn liền với ngôn ngữ âm nhạc. Dân ca được dùng nhiều trong các nghi lễ cấp sắc, cưới hỏi, ma chay, dựng nhà cửa, về nhà mới… hay khi lao động trên rừng núi, dưới nương, lúc nghỉ ngơi vui chơi hội hè, trao đổi tình cảm, lúc ru con...
Trong lễ cấp sắc, âm nhạc dân gian thể hiện truyền thống văn hoá của dân tộc Dao Quảng Ninh. Các thầy cúng sẽ thay phiên nhau nhảy múa quanh người được cấp sắc. Tiếng trống, chiêng khua vang cùng những lời khấn nguyện. Bởi vậy, cấp sắc là loại hình nghệ thuật trình diễn tổng hợp gồm âm nhạc đi liền với văn, thơ, vũ điệu, nghệ thuật tạo hình... Lời ca trong mỗi nghi lễ sử dụng hình ảnh ví von trong sáng kể về những vị thần linh sẵn lòng giúp đỡ con người, những vùng đất trù phú làm ăn thuận lợi. Vũ đạo là các điệu múa rồng, múa rùa, múa gà, các điệu nhảy.

Ở hát ru, âm nhạc tạo nên nhịp điệu êm ái để đưa đứa trẻ vào giấc ngủ, đồng thời thể hiện tình cảm của người ru với đứa trẻ. Trong hát giao duyên, người Dao Quảng Ninh có thể hát đơn lẻ tự phát hoặc là hát có lề lối tổ chức, còn gọi là hát đối đáp. Bên cạnh hát đối đáp còn có hát kể và hát than là những lối hát nặng tính tự sự. Hát kể thực chất là lối kể chuyện bằng lời hát với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết thần thoại xa xưa. Hát than là lời hát của những người mồ côi, bất hạnh, đôi khi có nội dung than vãn đến nao lòng.
Trong lễ cúng Bàn Vương của người Dao, âm nhạc dân gian đi liền với vũ đạo thể hiện ở các nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa hành triều, múa rồng… nhập đồng nhảy lửa, vật chày mang tính huyền bí đặc trưng văn hóa Dao thể hiện sự cầu mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc.
Nhạc cụ của người Dao Quảng Ninh khá phong phú với trống, chuông con, sập xoã, chiêng, kèn, tù và. Mỗi nhạc cụ lại có khả năng diễn tấu khác nhau, khá đặc sắc và phong phú. Riêng kèn, tù và cùng với chuông con là những nhạc cụ không thể thiếu trong lễ cấp sắc. Tất cả tạo ra nhịp điệu rất riêng, lúc thì trang nghiêm, tĩnh lặng, trầm lắng, khi thì vui nhộn, sôi động. Âm nhạc tạo ra nhịp điệu cho các thầy cúng nhảy múa trong lễ cấp sắc.

Về nhạc lễ, dân tộc Dao ở Quảng Ninh còn có âm nhạc trong đám tang. Đó là thứ âm nhạc thể hiện các bước để đưa người quá cố về đoàn tụ với tổ tiên, kết nối giữa người sống và người chết, giữa con người và thần linh. Người Dao còn sử dụng âm nhạc trong hát khóc để thể hiện nỗi đau mất mát người thân trong giờ phút âm dương ly biệt.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, người Dao Quảng Ninh còn bảo tồn được nhiều di sản âm nhạc dân gian, bao gồm cả những bài hát dân ca và các nhạc cụ truyền thống. Âm nhạc dân gian là một trong những hạt nhân tạo nên bản sắc văn hoá của người Dao, cũng là một trong những yếu tố tạo bản sắc đặc trưng của Quảng Ninh nói chung, cần được tiếp tục bảo tồn và thực hành trong đời sống đương đại. Vì thế, người Dao được coi là một trong những dân tộc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch Quảng Ninh trong bối cảnh hiện nay. Để bảo tồn âm nhạc dân gian người Dao cần có chiến lược chuyên nghiệp hoá âm nhạc dân gian, lấy hạt nhân là các CLB dân ca và các nghệ nhân dân gian làm nòng cốt để thực hành, truyền dạy và biểu diễn âm nhạc dân gian.
Để khai thác âm nhạc dân gian của người Dao phát triển du lịch, cần xây dựng các tour du lịch âm nhạc trực tiếp đưa du khách về các bản làng, các CLB cùng trải nghiệm văn hoá. Ở đây, du khách không chỉ được thưởng thức dân ca mà còn được học hát, tìm hiểu nghệ thuật dân tộc cùng với các nghệ nhân dân gian. Từ các mô hình du lịch cộng đồng tại bản làng của người Dao có thể nhân rộng ra đối với các dân tộc khác.
Ý kiến ()