Tái cơ cấu sản phẩm OCOP Quảng Ninh
Hiện nay, chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế. Sản phẩm OCOP là hàng hoá cạnh tranh trên thị trường. Những chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP xác định rất rõ việc sản phẩm phải có sự đầu tư, đổi mới, có chất lượng tốt, giá cả phù hợp mới là những sản phẩm được thị trường chấp nhận và có cơ hội phát triển.
Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa là nông sản đầu tiên của Quảng Ninh đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đặt mục tiêu khẳng định thương hiệu đối với thị trường trong nước và tiếp cận, thâm nhập thị trường nước ngoài, trà hoa vàng Quy Hoa được đầu tư đổi mới về mẫu mã bao bì đồng thời đa dạng hoá chủng loại sản phẩm. Hiện Quy Hoa có trà hoa vàng dạng bông, dạng bột, dạng sợi, trà triết xuất từ lá trà hoa vàng. Mới đây, Quy Hoa cho ra mắt sản phẩm trà hoa vàng dạng búp (bộ phận ngọn của cành cây sắp nảy hoa) với tên gọi Móng rồng Kim Hoa. Sản phẩm này đang là sản phẩm cao cấp, được nhà sản xuất Quy Hoa chào hàng ở những thị trường nước ngoài và hiện đơn vị đã có đơn đặt hàng vào nội địa Trung Quốc.
Cùng với đa dạng sản phẩm, Quy Hoa liên tục đổi mới mẫu mã, bao bì. Đơn vị đã có những hộp trà được thiết kế bao bì sản phẩm dành riêng cho cá nhân khách hàng đặt hàng; có những thiết kế bao bì dành riêng cho tính chất, đối tượng sử dụng quà. Sự đầu tư, đổi mới của Quy Hoa được cho là hướng đi phát triển sản phẩm OCOP hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện nay, mở ra những cơ hội, dư địa phát triển mới cho loại nông sản giá trị rất cao này.
Trong số những nông sản OCOP nổi bật của Quảng Ninh, gà Tiên Yên hiện đang chiếm ưu thế. Gà Tiên Yên gắn với câu chuyện giống gà bản địa và phương thức nuôi thả trên đồi hoặc trong ruộng vườn, chất lượng giống gà này có ưu thế nổi bật hơn so với các giống gà khác. Nhận thức rất rõ về đối tượng vật nuôi giàu tiềm năng, người dân Tiên Yên từng bước đầu tư trọng tâm cho con gà Tiên Yên. Sau thời kỳ chạy theo số lượng, việc thắt chặt về quy trình chăn nuôi cho đàn gà đã được huyện Tiên Yên đặt ra và được các cơ sở chăn nuôi tuân thủ.
Hiện nay, những chủ cơ sở chăn nuôi gà Tiên Yên tập hợp nhau lại, sinh hoạt trong các CLB đàn gà 5.000 con, 1 vạn con, 10 vạn con… để cùng liên kết sản xuất và cùng giám sát nhau để đảm bảo thương hiệu chung. Gần đây, huyện Tiên Yên còn xây dựng khẩu phần thức ăn tận dụng những nông sản địa phương, rất phù hợp với tập tính ăn mồi của con gà. Từ những nỗ lực nói trên, chất lượng sản phẩm OCOP gà Tiên Yên được giữ vững và ngày càng lấy được lòng tin của người tiêu dùng, trở thành sản phẩm hàng hoá mang lại nguồn thu cao và bền vững cho người dân.
Ở TP Hạ Long, quả ổi Đài Loan nổi tiếng nhiều năm qua. Chủ các vườn ổi Sơn Dương, Tân Dân - vùng chuyên canh cây ổi của Hạ Long đã có những điều chỉnh đáng kể trong các khâu canh tác của mình nhằm đảm bảo thương hiệu đã có. Do đa số các vườn ổi đều đã được khai thác trên dưới 10 năm, cây có dấu hiệu già cỗi, cộng với đó là đất bị chai, bị nghèo dinh dưỡng do nuôi cây lâu ngày, chính bởi vậy người dân rất chú trọng khâu chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây và đất trồng cây.
Mới đây nhất, các HTX trồng ổi ở Sơn Dương đã ký kết kết hợp với HTX nông nghiệp hữu cơ Hạ Long Xanh để cung ứng và sử dụng loại phân trùn quế bón cho cây ổi. Đây là loại phân hữu cơ, có tác dụng làm tơi xốp đất, tạo điều kiện cho những sinh vật có lợi cho đất và cho cây phát triển. Từ giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng tới quy trình canh tác bền vững, hài hoà với môi trường và bảo vệ đất đai này, người trồng ổi Sơn Dương, Tân Dân của TP Hạ Long kỳ vọng bảo vệ được chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP ổi lê Hạ Long, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong xu thế nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đầu năm 2024, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị chuyên môn quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP đã chính thức loại 70 sản phẩm OCOP đã được cấp sao nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ra khỏi danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là một trong những động thái quyết liệt của Quảng Ninh nhằm củng cố, nâng cao sản phẩm OCOP, tăng cường chất lượng và thương hiệu cho loại sản phẩm đặc thù này. Tính đến thời điểm cuối tháng 8, toàn tỉnh còn trên 390 sản phẩm OCOP được xếp sao; trên 280 chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.
Đặt mục tiêu tái cơ cấu sản phẩm OCOP, tới đây, Quảng Ninh sẽ còn tiếp tục rà soát theo hướng loại bỏ những sản phẩm không đạt chuẩn, bù lại sẽ đầu tư tập trung cho những sản phẩm OCOP chủ lực, có tiềm năng phát triển, nâng cao mức làm chủ thị trường và sản lượng tiêu thụ.
Ý kiến ()