
Khan hiếm nguồn vật liệu san lấp cho các khu công nghiệp
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư chiến lược, với hệ thống khu công nghiệp (KCN) phát triển mạnh mẽ từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ đầu tư hạ tầng, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp cũng tăng cao chưa từng có.
Theo thống kê, để đáp ứng tiến độ cho các KCN đang và sắp triển khai trên toàn tỉnh, Quảng Ninh cần hàng chục triệu mét khối đất san lấp mỗi năm. Trong khi đó, số lượng mỏ đất được cấp phép hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí đầu tư dự án.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại, vật liệu san lấp khan hiếm và giá thành cao sẽ khiến cho tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN tăng cao so với quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thiếu nguồn vốn.
Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong có tổng nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 35 triệu m3. Hiện dự án mới chỉ có khoảng 5,8-6 triệu m3 vật liệu được san lấp. Nguồn vật liệu (đất) này chủ yếu được lấy từ dự án Công viên nghĩa trang Quảng Yên do Công ty Minh Phúc cung cấp và một phần cát lấy từ các mỏ ở Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ. Với con số thống kê như vậy, KCN Bắc Tiền Phong vẫn còn thiếu 29 triệu m3 vật liệu thì mới có thể hoàn thành việc san lấp toàn bộ diện tích được quy hoạch (gần 1.200ha). Trong khi đó, nhu cầu các nhà đầu tư thứ cấp đề nghị được đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong đang có xu hướng tăng cao do sự chuyển dịch đầu tư của các đối tác nước ngoài vào Việt Nam.
KCN Sông Khoai cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự khi nhu cầu nguồn vật liệu san lấp của KCN mới chỉ đáp ứng được từ 4,5-5 triệu m3, còn thiếu khoảng 10 triệu m3 vật liệu san lấp trong thời gian tới.

Trước mục tiêu, kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong của chủ đầu tư Deep C Quảng Ninh, KCN Sông Khoai của chủ đầu tư Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định việc rà soát, cập nhật quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là giải pháp then chốt. Tỉnh đã giao Sở NN&MT tỉnh phối hợp với các địa phương xác định rõ vị trí, trữ lượng các mỏ đất có thể khai thác phục vụ san lấp, ưu tiên cho các khu công nghiệp trọng điểm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT tỉnh, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đang triển khai rà soát, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 10 khu vực mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Khi các khu vực này được xác định giá đất, sẽ triển khai ngay việc đấu giá, từ đó có nguồn vật liệu san lấp cho các dự án có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch các mỏ khai thác đất đã có, cái khó lớn nhất hiện nay đang gặp phải đó là xác định đơn giá đất để thực hiện đấu thầu, đấu giá thu tiền sử dụng đất. Hiện các mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh rất ít vì thủ tục cấp phép phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và cơ chế, chính sách luôn có sự thay đổi. Từ đó, trong thời gian tới, tỉnh cần sớm chỉ đạo rà soát các văn bản mới được ban hành, chỉ đạo rút ngắn thời gian, minh bạch hóa thủ tục cấp phép và xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn vật liệu từ các mỏ đã được quy hoạch; đồng thời siết chặt quản lý khai thác trái phép, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý.
Bên cạnh khai thác từ các mỏ truyền thống, tỉnh cũng đang khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng KCN nghiên cứu tận dụng phế thải công nghiệp sau xử lý như tro bay, xỉ nhiệt điện tại các nhà máy trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực Cẩm Phả, Đông Triều trước đây; sử dụng nguồn cát tận thu tại các dự án nạo vét luồng lạch tại Đặc khu Vân Đồn.
Bài toán vật liệu san lấp không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là nút thắt chiến lược ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bền vững tại Quảng Ninh. Nếu không có giải pháp kịp thời và dài hơi, nguy cơ chậm tiến độ các dự án, tăng chi phí sẽ làm giảm sức mạnh cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Ý kiến ()