
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV: Nâng cao dân chủ, khơi dậy trách nhiệm
Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 – 2030, tỉnh Quảng Ninh đã công bố rộng rãi dự thảo Báo cáo chính trị để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Đây không chỉ là hành động thể hiện tinh thần dân chủ cao mà còn là cơ hội quý báu để mỗi người dân thêm hiểu rõ về định hướng phát triển của tỉnh, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình với chặng đường phát triển mới của quê hương Quảng Ninh.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ nhân dân các địa phương trong tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh trong nhiệm kỳ tới.
![]() Ông Nguyễn Văn Tẩm (phường Hạ Long): “Dự thảo cho thấy rõ tinh thần đổi mới, tầm nhìn chiến lược” Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân là một chủ trương rất đúng đắn, động viên nhân dân phát huy trí tuệ, trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Người dân chúng tôi thấy rõ trong Dự thảo lần này là tinh thần đổi mới, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm phát triển tỉnh nhanh hơn, bền vững hơn. Những mục tiêu như: xây dựng Quảng Ninh duy trì “vị trí dẫn đầu” trong đổi mới sáng tạo, quản trị phát triển, thúc đẩy kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế; là tỉnh kiểu mẫu về chuyển đổi số, hiện đại về quốc phòng - an ninh, tiêu biểu về cải cách hành chính… được nêu rất rõ ràng với những giải pháp cụ thể, khiến chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào những quyết sách mới của tỉnh. Từ thành công của nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi tin rằng, Quảng Ninh sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, tự tin, vững vàng, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới. |
![]() Bà Lương Thị Hạnh (phường Hồng Gai): “Hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung” Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và đô thị văn minh. Dự thảo Báo cáo chính trị lần này thể hiện rõ định hướng xây dựng các đô thị hiện đại, thông minh, gắn với bảo tồn văn hóa – lịch sử, điều đó khiến người dân như chúng tôi rất phấn khởi. Phường Hồng Gai sau sáp nhập với phường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng đang có nhiều dư địa phát triển. Trước mắt, chúng tôi mong tỉnh và chính quyền địa phương quan tâm cải tạo các khu dân cư cũ, nâng cấp hạ tầng đồng bộ, hoàn thành các dự án trọng điểm... để nâng tầm phường Hồng Gai xứng đáng là hạt nhân trung tâm của tỉnh. Việc được góp ý vào văn kiện Đại hội cũng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với sự phát triển chung. |
![]() Anh Vi Văn Thắng (xã Quảng Hà): "Cảm nhận rõ hơn sự gần gũi của Đảng thông qua việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân" Là người dân sống ở vùng miền núi biên giới, tôi rất vui khi trong dự thảo báo cáo, tỉnh xác định rõ nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Chúng tôi kỳ vọng tỉnh tiếp tục quan tâm đến đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế ở khu vực miền núi; có thêm cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, các mô hình sản xuất lâm nghiệp kết hợp với phát triển du lịch tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc mọi người dân đều được tham gia góp ý cũng khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự gần gũi của Đảng, sự lắng nghe của chính quyền và niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho người dân vùng cao.
|
![]() Bà Nguyễn Thị Yên, phường Phong Cốc: “Xây dựng thành công một nền hành chính thực sự hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp” Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một nền hành chính công tiên tiến, hiệu quả là yếu tố then chốt để tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Tôi hoàn toàn nhất trí với định hướng "gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính công, quản trị công theo mục tiêu dựa trên công nghệ và nền tảng số" được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Để cụ thể hóa điều này, tôi đề nghị cần rà soát tổng thể, loại bỏ ngay các quy trình rườm rà, chồng chéo, không cần thiết; đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng các quy trình chuẩn hóa, liên thông trên nền tảng số, đảm bảo tính minh bạch và rút ngắn thời gian giải quyết. Cùng với đó, phải cắt giảm các điều kiện và thủ tục về đầu tư, sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, cần chú trọng đến việc số hóa toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, để người dân có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ. Tôi cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc địa giới hành chính, phải đảm bảo các dịch vụ công trực tuyến thực sự mang lại tiện ích vượt trội, giải quyết được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác. Với sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và sự đồng lòng của nhân dân, tôi tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ xây dựng thành công một nền hành chính thực sự hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. |
![]() Lý Thị Hoàng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn bản Cáu, xã Lục Hồn: “ Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc tạo hướng đi bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số” Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao chủ trương tiếp tục phát triển văn hóa gắn với bản sắc truyền thống, đồng thời thu hẹp chênh lệch giữa các vùng miền. Đây là một định hướng đúng đắn đã được nêu rõ trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Từ thực tiễn cơ sở, chúng tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các địa bàn vùng cao, biên giới, nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng. Một trong những hướng đi thiết thực là đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. Cụ thể như: Có chính sách bảo tồn và phục dựng có chọn lọc các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như ngôi nhà cổ, lễ hội truyền thống, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh quan tâm quy hoạch và hỗ trợ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các thôn bản tiêu biểu, điển hình như thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) – nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa nguyên bản để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn giá trị truyền thống một cách bền vững. Chúng tôi tin rằng, nếu triển khai đồng bộ và bài bản, định hướng này không chỉ góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn trực tiếp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân vùng cao. |
Ý kiến ()