
Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số
Trong những tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số với tâm thế chủ động và tầm nhìn chiến lược.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách. Các kế hoạch hành động quan trọng như Kế hoạch số 28/KH-UBND, Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 3/2/2025 của UBND tỉnh với 39 nhiệm vụ và 14 dự án trọng tâm…, cùng Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư giai đoạn 2025-2030 được ban hành kịp thời, tạo nên bước khởi động mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong toàn dân, hạ tầng số được đầu tư mạnh mẽ, đến cuối tháng 3 năm nay, 100% hộ gia đình trong toàn tỉnh đã được phủ sóng Internet băng rộng. Hệ thống kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia, các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin, tương tác, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trên môi trường số. Cơ sở hạ tầng đám mây, trung tâm dữ liệu, an ninh mạng được tăng cường, bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.
Chính quyền số, với cốt lõi là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đã trở nên phổ biến, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện trọn quy trình từ khai, nộp hồ sơ, theo dõi tiến độ đến nhận kết quả trên Cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Toàn bộ hồ sơ công việc được số hóa, cho phép công chức, viên chức nắm bắt, xử lý và trao đổi thông tin mọi lúc, mọi nơi. Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Mô hình “Một cửa, một cửa liên thông” và quy trình “05 bước trên môi trường điện tử” đã được thực hiện đồng thời với quy trình truyền thống, bảo đảm linh hoạt và an toàn thông tin.
Quảng Ninh còn đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân. Các tổ công nghệ số cộng đồng, đội hình thanh niên tình nguyện đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch trực tuyến an toàn. Tại TP Hạ Long, phong trào “Bình dân học vụ số” phát triển mạnh, các lớp học số được tổ chức tại cộng đồng và trên nền tảng trực tuyến, hỗ trợ người cao tuổi, khu vực nông thôn nâng cao kỹ năng sử dụng smartphone, kết nối Internet, góp phần thu hẹp khoảng cách số. Mới đây nhất, ngày 21/4/2025, tỉnh đã phát động phong trào bình dân học vụ số.

Quảng Ninh đã ghi nhận những bước tiến tích cực trong phát triển kinh tế số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 7,1% năm 2024, dù chưa đạt kỳ vọng nhưng thể hiện xu hướng tăng trưởng bền vững. Các doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ về nguồn vốn, pháp lý, kết nối thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 33,13% tổng giá trị xuất khẩu, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2024, đưa Quảng Ninh lên thứ 6/63 tỉnh, thành về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Trong lĩnh vực y tế và giáo dục, chuyển đổi số đang từng ngày được hoàn thiện. Tất cả học sinh đều có học bạ điện tử, giúp phụ huynh và giáo viên thuận tiện theo dõi, đánh giá. Các cơ sở y tế đã kết nối mạng, triển khai khám chữa bệnh từ xa, đặt lịch hẹn và kê đơn điện tử, giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng chăm sóc. Hồ sơ sức khỏe điện tử, mã QR trong cấp phát thuốc… ngày càng phổ biến, trở thành những công cụ không thể thiếu trong hành trình mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người bệnh.
Để đảm bảo an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu trong tiến trình thực hiện chuyến đổi số, tỉnh đã triển khai xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 cho hệ thống quản lý chất lượng, thiết lập quy trình nội bộ, phân quyền truy cập, lưu trữ, sao lưu, bảo vệ dữ liệu.
Có thể thấy Quảng Ninh đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một tương lai số bền vững. Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tinh thần sáng tạo của các doanh nghiệp và ý thức chủ động của người dân chính là nguồn lực để tỉnh tiếp tục bứt phá trong những chặng đường tiếp theo về chuyển đổi số.
Ý kiến ()