
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/3/2025, kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN đạt 80.306,8 tỷ đồng, bằng 8,95% kế hoạch, đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2025 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tỉnh đã thúc đẩy và tháo gỡ nhiều khó khăn trong đầu tư công như giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên liệu san lấp… Đặc biệt, khó khăn về nguồn nguyên liệu san lấp mặt bằng vốn tồn đọng từ lâu đã được tháo gỡ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm của các ngành, địa phương.

Mặc dù vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có các vấn đề khách quan như việc ban hành các quy định pháp luật và văn bản dưới luật còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng bởi thời tiết….Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm vẫn là do sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương chưa được đề cao, chưa rõ nét. Công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ; cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức (trong đó có cả lãnh đạo quản lý) trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Do đó, tỷ lệ giải ngân của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến hết ngày 28/4/2025, toàn tỉnh mới giải ngân đạt 12,5%. Nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung toàn tỉnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp (7%); Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh (6,8%); Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (0%); Tòa án nhân dân tỉnh (2,8%); Công an tỉnh (1,4%); Ba Chẽ (12,2%); Bình Liêu (11,7%); Cô Tô (3,1%); Đầm Hà (10,9%).
Để đảm bảo tiến độ đầu tư công, mới đây, HĐND Quảng Ninh đã thống nhất gia hạn thời gian bố trí vốn đối với Dự án đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh. Đồng thời, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 từ vốn ngân sách cấp tỉnh. Theo đó, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn hơn 451,8 tỷ đồng của 5 dự án không còn nhu cầu, không có khả năng giải ngân trong năm 2025. Số vốn này sẽ được phân bổ cho 10 dự án đang triển khai và 8 dự án khởi công mới.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ vốn ngân sách cấp tỉnh. Theo đó, điều chỉnh giảm hơn 577,3 tỷ đồng từ nguồn vốn đã phân bổ cho dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long do dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2025. Đồng thời, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn trong kế hoạch trung hạn cho 9 dự án từ nguồn điều chỉnh giảm.
Kế hoạch vốn năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh đến nay là 13.002 tỷ đồng, cao hơn 1.096 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (11.906 tỷ đồng). Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2025, dự kiến giải ngân được 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, để đảm bảo kế hoạch đề ra đến 30/6/2025 toàn tỉnh phải hoàn thành giá trị giải ngân ít nhất đạt 5.480 tỷ đồng (tương ứng khoảng 50% kế hoạch giao đầu năm). Như vậy, trong tháng 5 và tháng 6/2025 toàn tỉnh phải giải ngân thêm 3.990 tỷ đồng, cao gấp 2,68 lần số giải ngân đã thực hiện 4 tháng đầu năm 2025 (bình quân khoảng 1.990 tỷ đồng/tháng). Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhất là đối với các chủ đầu tư và các địa phương đang triển khai thực hiện chủ trương kết thúc mô hình cấp huyện và sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, về thủ tục hành chính, về xây dựng giá đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân vốn các công trình. Đặc biệt là khẩn trương rà soát, tổng hợp toàn bộ danh mục các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp huyện, các dự án phải tạm dừng triển khai thực hiện theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính để kịp thời xử lý và bàn giao cho các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, đảm bảo tiến độ trước ngày 15/5/2025.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình trên địa bàn trước ngày 31/5/2025. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Ý kiến ()