
Tuổi trẻ Quảng Ninh sáng tạo, tiên phong trong chuyển đổi số
Với sự nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần tiên phong, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sự nhạy bén trong tư duy, sáng tạo trong cách tiếp cận để thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào cuộc sống.
Đưa công nghệ số đến gần với người dân
Với sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên xã, anh Đinh Quốc Tuấn (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) đã rất thành thạo trong việc sử dụng mạng xã hội để kết nối với khách hàng nhằm tiêu thụ sản phẩm ngan sao - một sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương. Anh Tuấn chia sẻ: “Nhờ sự trợ giúp của tổ chức Đoàn, tôi đã đưa được sản phẩm ngan sao lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn và voso.vn, lập trang fanpage để dần tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng. Từ đó, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn”.

Còn tại TP Móng Cái, ĐVTN đã chủ động đảm nhận nội dung “đào tạo công dân điện tử”, phát huy trí tuệ, sáng tạo của thanh niên trong việc xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử, trọng tâm là hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4. Theo đó, để đào tạo công dân điện tử, Thành Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp. Trên 200 ĐVTN tham gia 100 tổ công nghệ số cộng đồng các xã, phường đã hướng dẫn, tuyên truyền, cách tạo địa chỉ điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.
Thành Đoàn cũng thành lập CLB Streamer Móng Cái gồm 73 thành viên nòng cốt, hoạt động phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ thanh niên và tiểu thương bán hàng trực tuyến trên nền tảng điện tử Shopee, Ladada, Tiktok, Facebook, Instargram; có phiên livestream bán hàng thu về lợi nhuận cho chủ cơ sở 30 triệu đồng.
Đồng thời, cũng tổ chức 24 buổi ra quân tuyên truyền, hướng dẫn và cài đặt cho nhân dân các ứng dụng như Etax Mobile (nộp thuế điện tử), VNeID, chỉ đạo Đoàn Thanh niên phường Trần Phú ra quân triển khai “Tuyến phố không dùng tiền mặt” tại phố đi bộ phường Trần Phú...

Với mục tiêu lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, chủ thể trong hoạt động chuyển đổi số, các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến gần với người dân hơn. Với 2.600 ĐVTN tham gia 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng lực lượng ĐVTN đều đặn ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số như sổ sức khoẻ điện tử, bảo hiểm xã hội số, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt... Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn cũng tăng cường công tác phối hợp hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt định danh điện tử VNeID, góp phần thực hiện các nhiệm vụ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Sáng tạo trong chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tuổi trẻ toàn tỉnh đang nỗ lực đi đầu, xây dựng các phong trào hành động của đoàn gắn với chuyển đổi số.

Theo đó, Tỉnh Đoàn đã xây dựng chương trình hành động về chuyển đổi số gắn với các chương trình hành động cách mạng và những chương trình đồng hành với thanh niên. Trên cơ sở đó, các cấp bộ đoàn đã tập trung vào phong trào tuổi trẻ sáng tạo dựa trên nền tảng số, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động của đoàn, tạo ra sự lan tỏa, kết nối và chia sẻ, như: Tổ chức tọa đàm về chuyển đổi số, các cuộc thi công nghệ, số hóa địa chỉ giáo dục truyền thống của đoàn thông qua các phong trào, công trình mà đoàn thanh niên tham gia…
Để hoạt động chuyển đổi số ngày càng phát triển mạnh mẽ, các chương trình đồng hành với thanh niên dựa trên nền tảng số đã tạo ra nhiều sân chơi năng động, kết nối doanh nghiệp, doanh nhân trẻ để thanh niên mạnh dạn đề xuất ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp, triển khai và hiện thực hóa ý tưởng dựa trên nền tảng tri thức, ứng dụng CNTT và tiến bộ KHKT. Điển hình như việc Tỉnh Đoàn tổ chức các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; các diễn đàn kết nối doanh nghiệp, doanh nhân, đã thực sự tạo động lực, lan tỏa, kết nối tinh thần khởi nghiệp cho các ĐVTN, học sinh, sinh viên toàn tỉnh.

Đặc biệt, Tỉnh Đoàn đã triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thể hiện rõ vai trò ĐVTN trong đồng hành với nhân dân trong thời đại số.
Triển khai phong trào, Tỉnh Đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo “Bình dân học vụ số” cấp tỉnh với 9 thành viên. Các lớp học sẽ được triển khai trong cộng đồng dân cư tùy điều kiện thực tế và nhu cầu dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đối với hình thức trực tiếp, lớp sẽ tổ chức tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học… Các lớp trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng số nhằm bao phủ khắp các địa bàn và kết nối với đông đảo người dân, thanh niên có nhu cầu với các nhiệm vụ chủ yếu như: Tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT; hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội; hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số và đáng chú ý là việc hướng dẫn người dân, hộ gia đình tham gia, nâng cao kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín; hướng dẫn bảo mật thông tin, tránh bị lừa đảo trực tuyến, nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…
Ý kiến ()