
Phát triển trung tâm dữ liệu - Nền tảng cho chuyển đổi số tại Quảng Ninh
Tạo đột phá trong chuyển đổi số để đưa đất nước phát triển là một trong những mục tiêu chiến lược được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, qua đó phục vụ hiệu quả tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tại Quảng Ninh, việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng số, nhất là trung tâm dữ liệu đang được triển khai tích cực, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc bắt kịp xu thế và yêu cầu của thời đại số.
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2014. Đây là nơi tập trung các máy chủ, tích hợp kho dữ liệu, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và các dịch vụ công nghệ thông tin truyền thông của toàn tỉnh. Trung tâm trở thành nền tảng quan trọng hỗ trợ vận hành hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung như Cổng thông tin điện tử tỉnh, các cổng thành phần, hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản điều hành và dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu khai thác, kết nối, chia sẻ và đảm bảo an toàn dữ liệu ngày càng cao, việc chỉ dừng lại ở mô hình trung tâm dữ liệu hiện tại là chưa đủ. Để tạo ra bước đột phá trong chuyển đổi số, Quảng Ninh đang xây dựng phương án nâng cấp hạ tầng số, tiến tới hình thành một trung tâm dữ liệu mới với quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phát triển lâu dài. Anh Phạm Quốc Tiến, cán bộ Trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Trung tâm tích hợp dữ liệu cần được tích hợp các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain… để phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, điều hành. Đồng thời, cũng cần có phương án thay thế hạ tầng hiện tại tại trung tâm dữ liệu tỉnh bằng các nền tảng điện toán đám mây hoặc giải pháp lưu trữ tiên tiến hơn...
Hiện Quảng Ninh đang nghiên cứu triển khai hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin và ứng dụng điện toán đám mây trong lưu trữ dữ liệu. Điều này vừa giúp tối ưu chi phí đầu tư ban đầu, vừa tăng tính linh hoạt, an toàn và khả năng mở rộng hệ thống. Trong năm 2025, hệ thống dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cũng sẽ nâng cấp toàn diện cả về phần cứng lẫn phần mềm, nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành mô hình trung tâm phục vụ hành chính công một cấp - một mô hình đang được tỉnh thực hiện để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi đang rất chờ đợi nâng cấp hệ thống một cửa của tỉnh, hiện chúng tôi đã lên phương án triển khai các giải pháp hỗ trợ như thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới, bóc tách dữ liệu tự động, sử dụng kiosk phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu thiết lập các điểm đại lý để giải quyết thủ tục hành chính lưu động tại các địa bàn xa trung tâm.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là việc Quảng Ninh sẽ triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh trong giai đoạn 2025-2026. Kho dữ liệu này sẽ đảm bảo khả năng thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa, làm sạch và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh. Đây là “chìa khóa” để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số - những trụ cột quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc phát triển trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ với nâng cấp hạ tầng số và cải tiến dịch vụ hành chính công đang cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự quyết liệt của Quảng Ninh trong hành trình số hóa. Với nền tảng vững chắc đó, tỉnh sẽ tiếp tục là điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền hành chính và kinh tế số của Việt Nam.
Ý kiến ()