
Để đồng bào bứt phá khỏi cái nghèo
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, từ những chính sách thiết thực của Nghị quyết 06-NQ/TU và chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước bứt phá trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách vùng miền. Bức tranh nông thôn miền núi đã có những chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc, cho thấy hiệu quả rõ nét của chủ trương đúng đắn và sự khơi dậy thành công nội lực trong cộng đồng.
Sức sống mới từ những bàn tay nâu đất
Khi ánh mặt trời xuyên qua lớp sương sớm phủ kín những triền đồi phía Bắc TP Móng Cái, cũng là lúc những người DTTS nơi đây bắt đầu một ngày lao động tràn ngập thanh âm tươi vui. Không ồn ào, không ồn ã, nhưng phía sau những niềm vui ấy là cả một hành trình đổi thay bền bỉ - nơi sức mạnh nội sinh đang được đánh thức từ chính mảnh đất từng nhiều năm gắn với khó khăn, thiếu thốn.
Ở thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, ông Nịnh A Dẩu, người dân tộc Dao đã mạnh dạn vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho chính gia đình mình từ cây trà hoa vàng. Sau nhiều năm phát triển kinh tế từ nhiều mô hình nhưng không mang lại hiệu quả cao, ông Dẩu tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ sách vở, rồi lên tận các vùng miền khác để học trồng trà hoa vàng - một giống cây quý có giá trị dược liệu cao.
“Trà hoa vàng là loài cây bản địa quý hiếm, trước đây mọc tự nhiên trong rừng nhưng bị khai thác cạn kiệt. Tôi nhận thấy cây có giá trị lớn nên bắt đầu tìm cách trồng cũng như hướng tới mục tiêu bảo tồn và nhân giống. Những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn vì cây khó trồng, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế. Sau một thời gian học hỏi, tôi dần nắm được cách trồng và nhân giống thành công. Cây trà hoa vàng đã giúp tôi phát triển kinh tế thành công ngoài mong đợi ngay tại trên quê hương của mình” - Ông Dẩu nói.
Từ vài trăm cây trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay ông Dẩu đã sở hữu hơn 3.000 cây trên diện tích hơn 1ha. Bình quân mỗi năm, ông thu được từ 700-800kg hoa tươi, sử dụng công nghệ sấy nhiệt trị giá 25 triệu đồng để chế biến thành phẩm. Với khoảng 120kg hoa khô mỗi năm, sản phẩm trà hoa vàng Thanh Lợi của gia đình ông đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2022 và mang lại thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở con số, mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động thời vụ với mức tiền công 300.000 đồng/ngày - một con số ý nghĩa đối với vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Trên tất cả, ông Dẩu đã mở ra một hướng đi mới cho chính cộng đồng mình, nơi mà trước đây người dân chỉ quanh quẩn với những mô hình nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả.

Cách đó không xa, tại Pẹc Nả, một làn gió khởi nghiệp khác đang thổi bùng tinh thần dám nghĩ dám làm trong thanh niên DTTS. Anh Tằng Quốc Phong, Bí thư Đoàn xã, người dân tộc Dao, đã tiên phong triển khai mô hình trồng sắn theo chuỗi liên kết trên quy mô 10ha với chi phí đầu tư khoảng trên 120 triệu đồng, chủ yếu là thuê nhân công.
Anh Phong cho biết: “Để hỗ trợ người dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con, lãnh đạo xã đã kết nối với doanh nghiệp triển khai mô hình này theo hình thức cho bà con vay giống, phân bón khi triển khai mô hình. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua với giá ổn định từ 1.800-2.000 đồng/kg sắn tươi. Đây là điều kiện rất tốt hỗ trợ bà con triển khai mô hình kinh tế trong khi tài chính còn eo hẹp”.
Mô hình dự kiến cho sản lượng 50-60 tấn/ha sau 10 tháng trồng và chăm sóc. Sau khi trừ chi phí, lãi ròng mỗi ha vào khoảng 10-20 triệu đồng. Có thể con số này chưa phải là “đột phá” về kinh tế, nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt: Đưa cây trồng ngắn ngày vào vùng đất dốc, tăng chu kỳ sản xuất, giảm phụ thuộc vào rừng và khai thác lâm sản.
Anh Phong không chỉ là người đi đầu, mà còn là người “truyền lửa” khi chia sẻ: “Tôi muốn mô hình thành công để nhân rộng cho bà con, nhất là thanh niên. Quan trọng là mình có niềm tin và sự đồng hành, thì sẽ làm được".

Thực tế cho thấy, những mô hình ấy không nằm ngoài xu hướng tất yếu: Tự lực vươn lên là nền tảng, còn liên kết - hỗ trợ - đổi mới tư duy là động lực. Cả ông Dẩu và anh Phong đều không khởi sự với vốn lớn hay kỹ thuật cao siêu. Thứ họ có là ý chí, là đôi tay chai sạn và một niềm tin rằng người dân tộc thiểu số có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ các mô hình nhỏ lẻ như vậy, một diện mạo kinh tế mới đang hình thành nơi vùng cao Móng Cái. Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố cho biết: Đến năm 2024, vùng DTTS của thành phố có hàng chục mô hình kinh tế hộ gia đình do người DTTS làm chủ, nhiều mô hình đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Đồng bào không chỉ biết làm, mà còn biết tổ chức sản xuất, chế biến, đóng gói, đăng ký nhãn hiệu - những kỹ năng trước kia tưởng chừng xa lạ. Hết năm 2024 thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân đạt trên 84,275 triệu đồng/người/năm (tăng 37,774 triệu đồng/người/năm so với năm 2020); vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt 81,025 triệu đồng/người/năm (tăng 39,81 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).
“Trao cần câu thay con cá”
Trong hành trình phát triển toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thể hiện quyết tâm cao độ trong việc nâng tầm đời sống của đồng bào DTTS thông qua chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Không dừng lại ở chính sách giảm nghèo truyền thống, tỉnh đã chuyển hướng sang các mô hình hỗ trợ chủ động, sáng tạo, thúc đẩy sinh kế, đầu tư hạ tầng và tiếp cận thị trường, giúp tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng DTTS - nơi từng là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thay vì chỉ “trao con cá”, các chính sách hỗ trợ của tỉnh hướng mạnh tới mục tiêu “trao cần câu” - giúp người dân tự chủ, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã chủ động trong công tác quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giá trị cao, bền vững. Các địa phương đã tập trung phát triển các loại cây trồng đặc sản có giá trị như trà hoa vàng, cây ăn quả bản địa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc sản phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Đồng thời, tập trung khôi phục và nâng cấp các chợ phiên miền núi, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vùng đồng bào DTTS, qua đó hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương.

Song song đó, tỉnh chú trọng phát triển mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, từng bước hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 768 hợp tác xã nông nghiệp, 232 trang trại và 118 tổ hợp tác; xây dựng được 432 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, qua đó giúp người dân tăng giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng hơn.
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm triển khai công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân vùng DTTS. Hàng nghìn lao động đã được đào tạo các ngành nghề phù hợp với thực tế địa phương như chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, du lịch cộng đồng, chế biến nông sản. Việc gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu thị trường giúp người dân không chỉ sản xuất hiệu quả mà còn chủ động tiếp cận cơ hội kinh doanh mới. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp với lực lượng lao động các địa phương, đặc biệt là trong ngành Than và các khu công nghiệp. Việc này không chỉ giúp tạo việc làm ổn định mà còn mở rộng cơ hội sinh kế cho người dân miền núi.
Một khía cạnh khác mang lại nguồn thu ổn định cho đồng bào là du lịch cộng đồng. Các địa phương như Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên đã tận dụng tốt cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Việc lấy người dân làm trung tâm trong mô hình du lịch cộng đồng không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương vùng biên chủ động phát triển thương mại biên giới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân.
Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, miền núi đạt 83,79 triệu đồng/người/năm; tăng 40,09 lần so với năm 2020. Đây là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của các chính sách can thiệp kinh tế đúng hướng.
Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ninh hôm nay là thành quả từ sự kết hợp giữa chính sách đúng đắn và tinh thần tự lực, sáng tạo của người dân. Từ những bản làng biên giới như Hải Sơn (Móng Cái), Đồng Văn (Bình Liêu), cho đến các xã đặc biệt khó khăn như Đạp Thanh (Ba Chẽ), người dân DTTS đã và đang viết nên câu chuyện thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Việc tiếp tục khơi dậy nội lực, đồng hành cùng chính sách hỗ trợ toàn diện sẽ là chìa khóa để vùng DTTS phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Ý kiến ()