
Ma túy và những hệ lụy
Ma túy không chỉ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, mà còn để lại nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Hiện nay, tình trạng sử dụng ma túy ngày càng lan rộng với hình thức tinh vi, từ học sinh cho đến người trưởng thành. Dù các cơ sở y tế và lực lượng chức năng đã nỗ lực kiểm soát, đây vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ toàn xã hội.
Tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, các bác sĩ khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân với biểu hiện hoang tưởng, trầm cảm, ngáo đá… do sử dụng ma túy. Đáng chú ý, nhiều người trong số đó là thanh niên có học vấn, từng du học hoặc làm việc tại các công ty lớn. Tuy nhiên, chỉ vì tò mò thử cho biết rồi trở thành con nghiện lúc nào không hay. Họ đã đánh mất tương lai, rơi vào vòng xoáy nghiện ngập và suy sụp tinh thần.
Điển hình là trường hợp của một bệnh nhân nam N.V.H sinh năm 1973 ở TP Uông Bí. Do bạn bè rủ rê, người này đã nghiện heroin, từ hút rồi chuyển sang chích và đã bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Sau thời gian dài lệ thuộc vào ma túy, hiện bệnh nhân này đã rơi vào trạng thái loạn thần, hoang tưởng và sức khỏe suy kiệt. Bệnh nhân hối hận cho biết: Đến khi phát hiện mình nhiễm HIV, thì mọi thứ đã quá muộn. Giờ đây, thân xác tàn tạ, trí óc lúc tỉnh lúc mê, tôi mới thấm thía cái giá phải trả. Ma túy không chỉ làm hại tôi mà cả gia đình, người thân cũng rơi vào nỗi bất hạnh.
Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện thuộc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh với 52 giường bệnh, mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân - trong đó hơn 20% là thanh thiếu niên. Con số này là một hồi chuông cảnh tỉnh trong bối cảnh ma túy ngày càng ngụy trang tinh vi, len lỏi vào học đường qua hình thức thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống chứa cần sa tổng hợp.
Trường hợp của bệnh nhân khác là L.H.T, sinh năm 1994 ở TP Hạ Long. Khi bạn bè ổn định sự nghiệp, thì anh lại phải điều trị tại Khoa Rối loạn tâm thần do nghiện cần sa và ma túy đá kéo dài từ thời còn là sinh viên. Ban đầu chỉ dùng do ham vui với bạn bè tại mỗi lần tụ tập, sau đó anh nhanh chóng lệ thuộc vào chất gây nghiện này, hậu quả là mất việc làm và suy kiệt sức khỏe. Gần đây bệnh nhân có biểu hiện kích động và hoang tưởng.
Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện, Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, tình hình sử dụng chất gây nghiện đang trở nên ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, bệnh nhân chủ yếu sử dụng các loại ma túy dạng kích thần như ma túy đá, thuốc lắc, ketamin hay heroin thì khoảng 3-4 năm trở lại đây, tỷ lệ người nghiện cần sa tổng hợp ngày càng gia tăng, với hình thức sử dụng cũng trở nên đa dạng và tinh vi hơn. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Nhiều trường hợp trẻ bị rủ rê sử dụng cần sa qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống… mà không hề hay biết.
Bên cạnh hậu quả về sức khỏe, ma túy còn là mầm mống của nhiều loại tội phạm. Gần đây nhất là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi nhóm tội phạm buôn bán ma túy sử dụng súng quân dụng chống trả lực lượng chức năng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ sau chưa đầy 24 giờ, toàn bộ nhóm đối tượng bị bắt, thu giữ tổng cộng 25 bánh heroin, 3 ô tô, 2 khẩu súng và 1 quả lựu đạn. Vụ án khép lại nhưng để lại sự mất mát không gì bù đắp - đó là sự hy sinh của một cán bộ công an dũng cảm trên tuyến đầu chống tội phạm ma túy.
Không chỉ tăng cường tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong học đường và cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nghiệp vụ, huy động sức mạnh từ các lực lượng chuyên trách như công an, biên phòng, hải quan, y tế… phối hợp chặt chẽ trong công tác phát hiện, ngăn chặn và triệt phá các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Các địa bàn trọng điểm như Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả... thường xuyên được kiểm soát nghiêm ngặt, với nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm. Song song đó, công tác cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cũng được chú trọng, thông qua các mô hình cai nghiện tự nguyện, hỗ trợ tâm lý, tạo việc làm sau cai.
Ma túy không chỉ hủy hoại cuộc sống của từng cá nhân, mà còn đe dọa sự ổn định và phát triển của toàn xã hội. Cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành chức năng mà cần sự chung tay của mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Ý kiến ()