
Quyết liệt chuyển đổi số, tạo đột phá trong giáo dục Quảng Ninh
Chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang được ngành GD&ĐT Quảng Ninh triển khai quyết liệt, bài bản, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách số, thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức.
Bám sát định hướng của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thiết thực, trong đó trọng tâm là Kế hoạch số 28/KH-UBND và Kế hoạch số 519/KH-SGDĐT. Ngành xác định rõ: Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là đòn bẩy chiến lược, nền tảng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 219 trường mầm non, 152 trường tiểu học, 186 trường THCS, 60 trường THPT và 14 trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng số hơn 360.000 học sinh. Trên quy mô rộng lớn đó, 100% cơ sở giáo dục đã triển khai phần mềm quản lý trực tuyến; hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được cập nhật số hóa đầy đủ. Các hình thức thanh toán dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt cũng được áp dụng đồng bộ.
Công tác số hóa dữ liệu ngành có những bước tiến vượt bậc: 100% cán bộ cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục sử dụng chữ ký số; gần 100% giáo viên, học sinh, trẻ mầm non được cập nhật thông tin điện tử; 98,81% cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông có hồ sơ định danh cá nhân xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong lĩnh vực giảng dạy, toàn ngành đẩy mạnh xây dựng học liệu số, phát triển ngân hàng câu hỏi trực tuyến, ứng dụng các nền tảng dạy và học LMS/LCMS. Nhiều đơn vị đã vận hành hiệu quả các mô hình học tập số như Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Nguyễn Bá Ngọc; Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, Trường THPT Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long)...
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn kỹ năng số, trong đó 50% được đào tạo kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu.

Hướng tới mục tiêu tiếp theo, ngành Giáo dục Quảng Ninh đặt ra yêu cầu cao: Dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên, với tỷ lệ triển khai trực tuyến đạt tối thiểu 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học. Đồng thời, mô hình trường học số sẽ từng bước được hình thành, thúc đẩy phát triển công dân số từ học sinh phổ thông.
Đặc biệt, ngành GD&ĐT xác định thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ xuyên suốt, là kim chỉ nam cho toàn bộ quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngay từ đầu năm, ngành đã tổ chức quán triệt sâu rộng nghị quyết trong toàn hệ thống; yêu cầu mỗi đơn vị xây dựng kế hoạch hành động cụ thể gắn với thực tiễn địa phương. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục STEM, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học sinh, sinh viên đều được gắn chặt với yêu cầu của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, ngành đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng lan tỏa tinh thần đổi mới, chuyển đổi số từ mỗi nhà trường.
Để đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh: “Sự thành công của quá trình chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ, mà ở chính con người - ở tư duy đổi mới, tinh thần học hỏi không ngừng, khả năng thích ứng và dám đột phá. Việc quán triệt và phổ biến Nghị quyết số 57 trong toàn ngành là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là bước đầu để nâng cao nhận thức mà còn là cơ sở vững chắc để các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được triển khai hiệu quả tại các cơ sở giáo dục".
Ý kiến ()