
Siết chặt kiểm soát thị trường thuốc, thực phẩm chức năng
Thời gian vừa qua, cơ quan Công an đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô toàn quốc, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Tại Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc, rà soát phát hiện để thu hồi các sản phẩm thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả nói trên. Song để giải quyết tận gốc, vấn đề đặt ra là cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng này, đặc biệt là khâu hậu kiểm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 4 loại giả mạo thuốc trong vụ việc thuốc giả bao gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Tên hoặc thông tin ghi trên nhãn các loại thuốc giả này hoàn toàn trùng khớp với thuốc thật đã được Bộ Y tế cấp phép. Ngoài ra, còn 16 sản phẩm không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân, ngay sau khi có thông tin về các loại thuốc giả và thuốc không được cấp phép lưu hành nói trên, ngày 21/4, Sở Y tế Quảng Ninh đã thành lập ngay đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong vòng liên tục một tháng, đoàn kiểm tra này thực hiện việc giám sát tại 100% các công ty dược phẩm cũng như các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh, bao gồm các địa bàn thành phố lớn cũng như các huyện vùng sâu, vùng xa.
Ông Phạm Xuân Phúc, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất, không thông tin trước. Nếu phát hiện thuốc giả, thuốc không được cấp phép lưu hành, sẽ thu hồi xử lý theo quy định. Đối với các cơ sở cố tình không chấp hành quy định kinh doanh các loại thuốc giả, thuốc không được cấp phép, sẽ xử phạt nghiêm theo quy định.

Còn liên quan đến 12 loại sữa giả vừa bị cơ quan Công an phát hiện của 2 Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hacofood, các ngành, lực lượng chức năng của Quảng Ninh cũng đang tích cực rà soát trong phạm vi toàn tỉnh, không để các mặt hàng này lưu hành trên thị trường. Trong đó, ngành Công thương Quảng Ninh đã nhanh chóng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tại tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ có kinh doanh các loại sữa trên địa bàn, nhằm phát hiện và thu hồi các loại sữa giả nói trên nếu có. Trong tháng hành động về ATTP, tỉnh Quảng Ninh cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, sữa, các sản phẩm thực phẩm dạng sữa, cũng là một nội dung quan trọng trong quá trình kiểm tra.
Ông Cam Đức Quân, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, khẳng định: Ngành Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra tới từng cơ sở kinh doanh có sản phẩm sữa, thu hồi đối với 12 sản phẩm đã xác định sữa giả nói trên, đồng thời khuyến cáo các chủ cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng không buôn bán, sử dụng đối với 72 loại sữa, thực phẩm chức năng dạng sữa bột trong danh sách điều tra của cơ quan Công an trước khi có kết luận cuối cùng.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Công an lại tiếp tục phát hiện thêm 2 vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả khác. Cụ thể, ngày 25/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra một đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tại Công ty TNHH Công nghệ Herbitech, địa chỉ xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được xác định là làm giả do công ty này sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế, giá thành và chất lượng không đúng như công bố. Ngày 29/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết đã nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát, phát hiện thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen chứa Sibutramine - thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Những vụ việc này cũng chỉ ra một thực trạng: Việc quản lý đối với những loại thực phẩm chức năng này đang có vấn đề. Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đăng ký sản phẩm để đưa ra thị trường. Như vậy, theo quy định hiện hành, chỉ cần doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố sản phẩm cùng một số giấy tờ hợp thức là đã có thể đưa thực phẩm ra thị trường. Việc kiểm nghiệm thành phần, hiệu quả hay mức độ an toàn hoàn toàn dựa trên sự tự khai báo của doanh nghiệp, thay vì đánh giá khoa học khách quan. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, chỉ cần công tác hậu kiểm không được thực hiện nghiêm thì sẽ là kẽ hở quan trọng cho hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 15 đăng ký bản công bố chứ không cho tự công bố. Đồng thời xem xét siết chặt hơn nữa công tác đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các nhóm thực phẩm nguy cơ cao (tiền kiểm). Còn ở góc độ địa phương, bác sĩ Lưu Đức Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ngành liên quan, thực hiện thường xuyên hơn việc kiểm tra, giám sát thị trường, thực hiện kiểm nghiệm trong phạm vi phân cấp, để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Chi cục ATTP tỉnh cũng khuyến khích người dân nếu phát hiện các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cũng có thể báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, làm rõ.
Ý kiến ()