Chăm lo, xây dựng công việc “gốc” của Đảng
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã đề ra những chủ trương, giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển của địa phương, gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Trung ương.
Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm; rà soát, bổ sung quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường cơ chế giao, khoán việc, quy trách nhiệm đến cùng, gắn công việc của mỗi người với mục tiêu của cơ quan, lấy kết quả, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan đơn vị để đánh giá lãnh đạo, quản lý...
Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từng cấp, trên cơ sở đánh giá chặt chẽ, thực chất, coi trọng sản phẩm, kết quả cụ thể; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo chức danh, theo vị trí việc làm, nhất là cấp cơ sở, cấp phòng và cán bộ, công chức cấp xã. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý; đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức theo nguyên tắc có cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Tỉnh cũng đã nỗ lực đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã chủ động xây dựng quy chế đánh giá cán bộ gắn với tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh, nhằm đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.
Tỉnh đã xây dựng cơ chế nêu gương thông qua việc ban hành Quy định số 04-QĐ/TU về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chât đạo đức, lối sông; không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với cán bộ, đảng viên, gắn với cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; thường xuyên rà soát điều chỉnh tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, về cơ cấu đội ngũ cán bộ đảm bảo phù hợp với yêu cầu về đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; đổi mới cách thức kiểm điểm; nâng cao ý thức, trách nhiệm tự kiểm điểm của cán bộ, tập thê cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân tham gia đánh giá cán bộ.
Để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; chỉ đạo hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện.
Hằng năm, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh đều tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; tăng cường các hình thức rà soát, nắm tình hình, khảo sát, đôn đốc của cơ quan chuyên môn cấp trên, thường trực cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh kiểm tra các cấp, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra đột xuất và khảo sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện; đồng bộ sử dụng và theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, đảm bảo thống nhất trong xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.
Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm khi mới phát sinh, những tồn tại, hạn chế để uốn nắn, chấn chỉnh và khắc phục, tránh nảy sinh vi phạm lớn, kịp thời đánh giá việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp ủy, trên cơ sở đó cấp ủy có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện, Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc đột phá này gắn với công tác luân chuyển, điêu động cán bộ lãnh đạo và quản lý. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12/13 đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, 168/177 (94,92%) bí thư đảng ủy cấp xã không phải là người địa phương.
Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tạo nhiều thuận lợi cho cán bộ trưởng thành và bảo đảm đồng bộ với hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
Song song với đó, các đột phá về cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được Đảng bộ tỉnh thực hiện có hiệu quả.
Đến nay, tỉnh đã từng bước đổi mới quy trình tuyển dụng thông qua thi tuyển đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn tuyển dụng với thu hút nhân tài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; dành tỷ lệ biên chế, nguồn kinh phí phù hợp để tuyển dụng đối với các vị trí việc làm cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là để thực hiện cơ chế mới, mô hình mới. Tỉnh cũng chủ động xây dựng, cụ thể hóa nhằm tạo cơ chế để phát huy vai trò, nâng cao vị thế của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát, đánh giá, phản biện, góp ý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền…
Ý kiến ()