Quảng Ninh 40 năm đổi mới và phát triển: Bứt phá ấn tượng
Gần 40 năm trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển cùng đất nước, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện; vai trò và vị thế của vùng địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc ngày càng được nâng cao. Quảng Ninh hiện vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Mỗi dịp tháng 9 về, Quảng Ninh như được làm mới khi khoác lên mình cảnh sắc tươi vui của cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh. Từng con đường, từng góc phố bừng sáng, những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ như khẳng định Quảng Ninh đang phát triển đi lên, đi đúng hướng trong tiến trình đổi mới cùng đất nước.
Nhìn lại 60 năm qua kể từ ngày thành lập tỉnh (30/10/1963), đặc biệt là trong 40 năm đổi mới cùng đất nước, là quá trình thực tiễn hết sức phong phú và sinh động, mang lại nhiều bài học quý báu, đồng thời khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh. Từ một tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo với muôn vàn khó khăn, thách thức, đến nay Quảng Ninh đã trở thành một trong những vùng động lực, phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác quốc tế.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Cơ cấu kinh tế ngày càng chuyển dịch theo hướng bền vững hơn. Ngành Than vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tuy nhiên tỷ trọng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống 18,3% năm 2022, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng mới với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 đạt 22,83%. Du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch năm 2023 đạt 15,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 2 triệu lượt, doanh thu từ du lịch gần 30.000 tỷ đồng; 7 tháng năm 2024 thu hút gần 13 triệu lượt du khách, doanh thu trên 29.300 tỷ đồng.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, gấp 58,2 lần so năm 2000 và 334,2 lần so với năm 1991, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng). Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao). Kết quả thu hút đầu tư liên tiếp đạt những con số kỷ lục, năm 2023 đạt 5 tỷ USD, trong đó thu hút FDI cao nhất từ trước đến nay với hơn 3,1 tỷ USD; 7 tháng năm 2024 thu hút 1,56 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước.
Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Quảng Ninh đến nay là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 đạt 69,46%.
Chất lượng cuộc sống của người dân ở tất cả các vùng miền đã có sự cải thiện căn bản. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000 và 40,5 lần so với năm 1995, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (7 năm liền), các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Quốc phòng, ANTT được bảo đảm; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế.
Những kết quả, thành tựu đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới, Quảng Ninh thực sự mang trong mình tầm vóc của một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: Những thành tựu bứt phá của tỉnh Quảng Ninh trong chặng đường 40 năm đổi mới thực sự ấn tượng. Quảng Ninh giờ đây đã trở thành hình mẫu trong thực hiện công cuộc đổi mới ở địa phương; hình mẫu của việc vận dụng sáng tạo quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn; hình mẫu của việc thực hiện nội dung đi trước thể hiện sự bứt phá về tư duy, nhất là trong quy hoạch phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kiên trì đẩy mạnh chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"... Đây là những bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với nhiều địa phương và cả nước trong quá trình đổi mới.
Trên hành trình hướng tới tương lai, Quảng Ninh xác định xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát triển kinh tế bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tỉnh cũng xác định rõ yêu cầu văn hóa, con người là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Đứng trước các nhiệm vụ được đặt ra từ Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023), tỉnh đang nêu cao quyết tâm chính trị đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Ý kiến ()