
Khai thác “mỏ vàng” di sản đưa du lịch bứt phá
Trong dòng chảy phát triển hiện đại, di sản văn hóa đang chuyển mình từ giá trị tinh thần sang giá trị kinh tế, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong chiến lược phát triển xanh, bền vững của nhiều địa phương trong cả nước. Là vùng đất hội tụ đa dạng, phong phú các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, Quảng Ninh đã và đang từng bước khai thác hiệu quả vốn quý này, không chỉ góp phần làm giàu thêm bản sắc riêng có mà còn thúc đẩy du lịch bứt phá, mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế di sản.
Nền tảng vững từ tài nguyên di sản phong phú
Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa vô giá với trên 640 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, trên 360 di sản văn hóa phi vật thể với 19 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều di sản văn hóa gắn với cộng đồng các tộc người sinh sống tại địa phương như người Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu,... với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc với hàng chục lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền. Chính sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế của Quảng Ninh mà không phải tỉnh nào cũng có, tạo tiền đề cho phát triển du lịch mang thương hiệu Quảng Ninh.

“Đánh thức” giá trị của di sản, những năm qua tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị di sản một cách bài bản, có chiều sâu. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đồng hành, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, vừa khai thác tốt giá trị gốc, vừa đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Nổi bật, tại Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã đầu tư Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm với hàng chục hạng mục công trình, vừa tạo thêm một không gian vui chơi, trải nghiệm độc đáo, khác biệt dưới chân non thiêng vừa có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng từ dòng khách bình dân cho tới dòng khách cao cấp. Các sản phẩm trải nghiệm của đơn vị cũng được thiết kế chú trọng gắn với các giá trị tự nhiên, văn hoá lịch sử của vùng đất Phật này. Sự đầu tư đồng bộ và định hướng đúng đắn đang góp phần nâng tầm giá trị Yên Tử, đưa Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Không chỉ dừng lại ở giá trị cảnh quan kỳ vĩ, Vịnh Hạ Long còn là hình mẫu thành công trong việc khai thác hiệu quả di sản thiên nhiên gắn với phát triển du lịch chất lượng cao. Các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, khám phá, hội nghị, hội thảo được tỉnh và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ, không ngừng nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Giá trị di sản không chỉ được bảo tồn mà còn được “sống hóa” qua hàng loạt sản phẩm du lịch độc đáo như du thuyền nghỉ đêm trên vịnh, tour khám phá hang động, chèo kayak, show ca nhạc trên du thuyền…
Gần đây, Quảng Ninh cũng tích cực mở rộng không gian trải nghiệm từ Vịnh Hạ Long ra các tuyến biển đảo lân cận như vùng Vịnh Bái Tử Long, các đảo của Đặc khu Vân Đồn, Cô Tô… tạo thành mạng lưới di sản liên hoàn, hứa hẹn làm nên sức bật mới cho du lịch di sản và du lịch biển đảo trong thời gian tới.

Đầu tháng 6 vừa qua, show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” vừa được ra mắt tại hang Ngọc Rồng (hay Hang Dơi) thuộc Khu di tích và danh thắng Vũng Đục. Lần đầu tiên tại Việt Nam, trên sân khấu độc đáo trong hang động, show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” tái hiện truyền thuyết rồng hạ tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long; gắn với tôn vinh tinh hoa văn hóa địa phương giàu bản sắc, là nơi hội tụ dòng chảy văn hóa lịch sử của văn hóa biển, văn hóa tâm linh, văn hóa Vùng mỏ… Show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” được phát triển trên tinh thần sáng tạo văn hóa, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, góp thêm trải nghiệm cho du khách.
Động lực phát triển kinh tế di sản
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời xác định rõ lợi thế từ nguồn lực văn hóa, Quảng Ninh đã chủ động nâng cao năng lực quản trị di sản theo hướng bền vững, thúc đẩy hình thành kinh tế di sản. Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo như một khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2018-2024, kinh phí ngân sách tỉnh bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa, thông tin trên 1.668 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng là 1,86% tổng dự toán chi thường xuyên của ngân sách cấp tỉnh. Cùng với đó, hàng nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa đã được huy động để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đưa những địa danh như Yên Tử, Cửa Ông, Cái Bầu, Ba Vàng… trở thành các điểm đến hấp dẫn, đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Các khu di sản lớn như Yên Tử, Nhà Trần, Bạch Đằng nằm trong hồ sơ Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc cũng đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới liên vùng, nhằm mở rộng tầm vóc và sức lan tỏa của các giá trị văn hóa đặc sắc.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nhiều đề án quan trọng như quy hoạch, phục dựng, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng tại các làng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Những chính sách này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn tạo ra sinh kế cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

Nhờ định hướng chiến lược đó, kinh tế du lịch và các ngành kinh tế gắn với di sản của Quảng Ninh đang từng bước phát triển rõ nét qua các năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã đón khoảng 12,1 triệu lượt khách, đạt 116% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 112% so với kịch bản tăng trưởng. Đây là tín hiệu tích cực để hiện thực hóa mục tiêu năm 2025 đón 20 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với tiềm năng, vị thế và tầm vóc của một địa phương giàu di sản như Quảng Ninh, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế di sản vẫn còn khiêm tốn. PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: Để kinh tế di sản thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần chuyển từ cách tiếp cận khai thác đơn thuần sang tư duy sáng tạo trong tổ chức, xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, xu hướng đa dạng của thị trường khách hiện nay. Khi đó, Quảng Ninh sẽ không chỉ là nơi có di sản, mà là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của di sản, để di sản lan tỏa và phát triển trong đời sống KT-XH hiện đại.
Ý kiến ()