Với những bước tiến mới của PAPI mà tỉnh đã đạt được, vừa là động lực nhưng cũng đặt cho Quảng Ninh trách nhiệm lớn hơn, cao hơn, để bứt phá mạnh mẽ hơn. Mục tiêu cao nhất Quảng Ninh hướng tới, đó là lấy người dân là hạt nhân và vì nhân dân phục vụ, để Quảng Ninh thực sự là nơi “đáng đến và đáng sống”!
Từng làm việc trong lĩnh vực đất đai nhiều năm, anh Nguyễn Văn Minh, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, chia sẻ: Bây giờ, việc giải quyết thủ tục hành chính nói chung hay giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai ở tỉnh thuận lợi hơn rất nhiều. Tác phong làm việc của cán bộ chuyên nghiệp hơn; người dân được giải thích rất cặn kẽ về quy trình giải quyết TTHC; các thủ tục được giải quyết rất nhanh, có khi chỉ vài giờ đã xong và đều được hẹn thời gian trả kết quả cụ thể chứ không phải mong ngóng như trước. Cá nhân tôi khá tâm đắc khi đi giải quyết TTCH ở Trung tâm Hành chính công tỉnh. Câu “hành là chính” ở đâu tôi không biết, chứ chắc giờ là không đúng với Quảng Ninh đâu.
Câu chuyện của anh Minh cũng đại diện cho rất nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi chia sẻ, đánh giá về những nỗ lực trong công tác CCHC mà Quảng Ninh đã, đang thực hiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – một trong những đơn vị hàng đầu trong nước về phân tích đánh giá các chỉ số phát triển của địa phương, không nhiều địa phương trong cả nước thực hiện đồng thời nhiều bộ chỉ số khác nhau để cùng đi đến một cái đích về CCHC như Quảng Ninh. Cũng rất ít địa phương có thể đồng thời sử dụng nhiều chỉ số đo lường, đánh giá ở khu vực hành chính công, “buộc” các cơ quan công quyền, mỗi CBCC-VC hoạt động ở khu vực này hoạt động phải ngày càng chuẩn mực và hiệu quả hơn như tỉnh. Bởi để làm được điều này, không chỉ cần đầu tư nguồn lực tài chính lớn, mà phải là những tư duy rất đổi mới, rất quyết liệt và xuyên suốt, nhất là ở những người đứng đầu để cả 1 bộ máy vận hành đồng bộ.
Tính đến năm 2020, Quảng Ninh đã có “thâm niên” tới 7 năm thực hiện đánh giá Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, địa phương; và bước sang năm thứ 3 đánh giá Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Qua mỗi năm, trong đánh giá các Bộ chỉ số này đều có những điểm mới, nhằm phản ánh được khách quan hơn, sát thực tế hơn. Gần đây nhất, đầu năm 2019, lần đầu tiên tỉnh công bố kết quả đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh (thực hiện trong năm 2018). Cũng là lần đầu tiên thực hiện tích hợp điểm đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào kết quả đánh giá Chỉ số CCHC.
Theo kết quả tổng hợp của UBND được công bố năm 2019 liên quan đến Chỉ số SIPAS 2018 của tỉnh, tỷ lệ đánh giá hài lòng chung đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong toàn tỉnh là 93,11%. Trong đó: Các sở, ban, ngành có tỷ lệ đánh giá hài lòng chung là 92,18%; UBND các huyện, thị xã, thành phố nhận được tỷ lệ đánh giá hài lòng là 92,50%; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng là 94,66%.
Để bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, đồng bộ ở mọi cấp, tạo điều kiện tối đã cho người dân, doanh nghiệp, năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh triển khai đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở (DGI). Chỉ số này được đánh giá trên 6 nội dung gồm: Mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền; trách nhiệm giải trình với công dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Năm 2019, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số DGI đảm bảo phù hợp với Bộ Chỉ số PAPI cấp tỉnh và phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương. Thông qua kết quả đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tỉnh có thể nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn tại, hạn chế để giải quyết kịp thời các vấn đề khúc mắc của người dân đối với chính quyền các cấp. Đồng thời, thông qua đó biết được những nội dung đã được triển khai thực hiện tốt để tiếp tục phát huy, lan tỏa trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngăn ngừa tham nhũng trong khu vực công – một vấn đề không còn mới, tuy nhiên, để giải quyết triệt để không hề dễ dàng đối với hệ thống công quyền hiện nay. Đây cũng là một trong những điều mong mỏi nhất của người dân khi tiếp cận những dịch vụ công.
Để kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Ninh trong sạch, hiệu quả. Cơ chế trong tổ chức thi tuyển, tiếp nhận, điều động công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã luôn được đổi mới, chú trọng người có năng lực và phẩm chất, để bắt kịp với yêu cầu thực hiễn.
Đến nay, Quảng Ninh đã đưa tổng số 1.317/1.449 thủ tục hành chính vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Trong đó có từ 92-100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và cấp huyện được thực hiện theo 5 bước ‘tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại Trung tâm; cấp xã đạt 100%.
Tỉnh cũng hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính như: Tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ; Các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC như thu phí, lệ phí ngay tại Trung tâm; Tổng đài 1900558826 hỗ trợ giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được kết nối từ Tổng đài Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh với các đầu số hỗ trợ từ 13 Trung tâm Hành chính công địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai và đưa vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đạt 100%, và được kết nối liên thông đến 13 Trung tâm Hành chính công địa phương và Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Việc thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công các cấp đã phần nào hạn chế được sự nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các hồ sơ thủ tục hành chính đều được giải quyết công khai, minh bạch, có sự giám sát trực tiếp của người dân, đại diện tổ chức tại các quầy giải quyết; người dân được đánh giá trực tiếp về sự hài lòng của mình qua hình thức bấm nút trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc bằng cách trả lời phiếu đánh giá…
Những giải pháp trên đã giúp Quảng Ninh ngay khi trở lại với bảng xếp hạng PAPI quốc gia đã đứng đầu tới 5/8 chỉ số, trong đó có chỉ số Kiểm soát tham nhũng ở khu vực công. Một kết quả không dễ để có được.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện về tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, phát triển KT-XH. Trong rất nhiều lĩnh vực, tỉnh đã tiên phong đổi mới, thử nghiệm những giải pháp, cách làm mới để có những bước tiến mang tính đột phá, trên cơ sở của sự phát triển bền vững, lâu dài.
Trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã nằm trong tốp những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển cao nhất cả nước về kinh tế, xã hội, thu nhập, an sinh xã hội, văn hóa,… Liên tiếp năm 2017, 2018, tỉnh đang giữ vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (ParIndex).
Nắm bắt xu thế phát triển, và để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, Quảng Ninh đã tiên phong trong cả nước xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay mục tiêu này vẫn tiếp tục được triển khai, hoàn thiện ở cấp độ cao hơn. Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa mô hình thành phố thông minh vào vận hành. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới xây dựng chính quyền số. Tỉnh ngày càng khuyến khích và “trao quyền” cho mỗi người dân để trở thành những công dân điện tử, là hạt nhân quan trọng trong hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Đánh giá về việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh, ông Stan Singh, Chủ tịch APICTA, cho rằng: Quảng Ninh đã có quãng thời gian dài để triển khai chính quyền điện tử và tôi thực sự ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong triển khai chính quyền điện tử của tỉnh. Tôi cho rằng tương lai chính quyền điện tử của tỉnh rất tiềm năng bởi tôi thấy được sự thay đổi ấn tượng về cơ sở hạ tầng, về cảnh quan, về nhận thức của người dân, những tín hiệu cho thấy sự tiến bộ, sự phát triển. Tôi tin tưởng rằng tỉnh thành công khi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế thương mại, hướng đến thành phố thông minh. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Con người là một trong những khâu then chốt trong sự phát triển và đổi mới, năm 2020 tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ; nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đề cao đạo đức công chức và kỷ luật công vụ; liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Rà soát, bổ sung quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường cơ chế giao, khoán việc, quy trách nhiệm đến cùng, gắn công việc của mỗi người với mục tiêu của cơ quan, lấy kết quả, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan đơn vị để đánh giá lãnh đạo, quản lý... qua đó để nâng cao hiệu quả của khu vực công. Đồng thời, thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từng cấp trên cơ sở đánh giá chặt chẽ, thực chất, coi trọng sản phẩm, kết quả cụ thể. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.
Ngọc Lan – Hồng Nhung
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()