20
18
/
1101482
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh: Đồng hành xây dựng, bảo vệ Hồ sơ di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
longform
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh: Đồng hành xây dựng, bảo vệ Hồ sơ di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Cover

Ngày 12/7/2025, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm vui lớn cũng là sự ghi nhận một hành trình xây dựng hồ sơ đề cử gian nan đã thành công của Việt Nam và các địa phương trong vùng di sản. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Ảnh căn phải

- Xin chúc mừng các địa phương trong vùng di sản, chúc mừng đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò chỉ đạo, điều hành trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc! Đồng chí có thể chia sẻ đôi chút về cảm nhận lúc này của mình không?

+ Vào thời khắc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh Di sản thế giới, chúng tôi đặc biệt xúc động, sự mừng vui khó có thể diễn tả hết. Đây là niềm tự hào lớn không chỉ đối với 3 địa phương trong vùng di sản mà thiết nghĩ còn là niềm tự hào với người dân cả nước khi di sản của Việt Nam được cả thế giới biết đến, chiêm ngưỡng, tôn vinh. Sau 11 năm kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014, cho đến nay Việt Nam có thêm Di sản thế giới thứ 9 là Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Quần thể di sản được ghi danh trước hết là kết quả của việc các địa phương đã bám sát, triển khai tốt theo các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cụ thể như: Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ... Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, trong đó tỉnh Quảng Ninh được giao giữ vai trò chủ trì, trong suốt quá trình nghiên cứu, đăng ký với UNESCO đưa vào Danh mục Dự kiến lập hồ sơ đề cử với các cụm, điểm di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) cho đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng) để bảo đảm tính toàn vẹn của di sản; cùng quyết tâm tăng cường công tác nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Ảnh với chú thích
Phái đoàn Quảng Ninh tham dự kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) để bảo vệ Hồ sơ Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản của nhân loại. Ảnh do đoàn công tác cung cấp.

Thành quả hôm nay cũng đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa, thực hiện trách nhiệm, cam kết của quốc gia thành viên tham gia các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa; của Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia và các chuyên gia tham gia Ủy ban Di sản Thế giới của Việt Nam.

Ảnh với chú thích
Vườn tháp Huệ Quang nằm trong Quần thể di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Thành công của hồ sơ di sản có vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp trong việc điều phối thông tin, kịp thời kết nối, làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, ICOMOS, Ủy ban Di sản Thế giới, các chuyên gia để tiến hành hàng chục cuộc làm việc, tiếp xúc với các Trưởng đoàn, Đại sứ, chuyên gia của 20 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, ICOMOS.

Qua đó giúp chúng ta cập nhật, giải thích thông tin, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu, cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS về bảo tồn di sản. Thành công này góp phần không nhỏ bởi sự trợ giúp đặc biệt của Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế, ICOMOS đã hỗ trợ tích cực về chuyên môn trong việc hoàn thiện hồ sơ, giải trình và thực hiện tốt các khuyến nghị. Kết quả là, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, toàn bộ thành viên đều ủng hộ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc xứng đáng ghi vào Danh mục Di sản văn hoá thế giới.

Ảnh với chú thích
Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.

- Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có nhiều điểm khác biệt. Vậy quá trình xây dựng hồ sơ chắc chắn không dễ dàng, đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn không?

+ Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ đề cử đầu tiên ở Việt Nam được triển khai theo hình thức di sản theo chuỗi (gồm nhiều thành phần tách rời), có cách tiếp cận rất mới ở Việt Nam, liên tỉnh (3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, nay là Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) với các điểm di tích nằm trên địa bàn rộng lớn có địa hình đồi núi, sông suối phức tạp. Dù vậy, hồ sơ đã được xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao.

UBND tỉnh Quảng Ninh được giao vai trò chủ trì xây dựng hồ sơ di sản. Quá trình ấy, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo bám sát nhiệm vụ trong từng thời điểm khác nhau đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Hai năm đầu xây dựng hồ sơ cũng là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù vậy, 3 tỉnh vẫn tranh thủ tiến hành khai quật khảo cổ một số điểm di tích trên địa bàn, qua đó bổ sung thêm nhiều thông tin quý cho hồ sơ di sản. Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 3 đề tài nghiên cứu khoa học với phạm vi nghiên cứu tại 3 tỉnh trong vùng di sản, đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử gồm: Chuyên đề nghiên cứu các giá trị về văn hóa, lịch sử; chuyên đề nghiên cứu hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan; chuyên đề nghiên cứu đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học. Các kết quả này có ý nghĩa lâu dài và trước mắt được sử dụng để xây dựng Hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Ảnh với chú thích
Phái đoàn Việt Nam tiếp xúc, làm việc với đại sứ Ấn Độ bên cạnh UNESCO. Ảnh do đoàn công tác cung cấp.

Quá trình thu thập thông tin, tư liệu, nghiên cứu từ năm 2020 cũng tiến hành đồng thời với xây dựng hồ sơ di sản, trải qua rất nhiều bước cho tới khi chính thức hoàn thành. Trong quá trình đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức 8 cuộc hội nghị, hội thảo trong nước và hội thảo có sự tham gia của chuyên gia quốc tế nội bộ; 11 cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một số vụ, viện cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và hơn 100 cuộc họp giữa Ban Điều hành xây dựng Hồ sơ Yên Tử với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh; giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh với các sở, ngành, địa phương liên quan và Đơn vị tư vấn xây dựng Hồ sơ đề cử.

Quá trình xây dựng, Hồ sơ cũng nhận được sự đồng hành tích cực, giữ vai trò cực kỳ quan trọng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng với sự tư vấn, tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong nước và 2 chuyên gia tư vấn quốc tế nội bộ (GS.Shimoda quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia lĩnh vực di sản văn hóa; GS.Paul quốc tịch New Zealand)…

Theo đó, ngày 5/2/2021, UNESCO đã có văn bản CLT/WHC/NOM/21/12 xác nhận việc đưa hồ sơ Quần thể di sản vào danh sách đề cử dự kiến. Báo cáo tóm tắt Hồ sơ di sản đã được Website của Trung tâm Di sản Thế giới đăng tải vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Hồ sơ đề cử chính thức Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã gửi tới Trung tâm Di sản thế giới trong tháng 1/2024, đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật, Hướng dẫn thực hiện công ước Di sản Thế giới năm 1972. Sau đó, Hồ sơ được các chuyên gia ICOMOS tiến hành giai đoạn thẩm định tại thực địa vào tháng 8/2024. Căn cứ vào các ý kiến qua thẩm định, chúng tôi tiếp tục bổ sung thông tin cho Hồ sơ đề cử, gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO và ICOMOS vào ngày 28/2/2025...

Ảnh với chú thích
Chùa Một Mái tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (phường Yên Tử, Quảng Ninh).

- Đó là câu chuyện ở trong nước, còn khi ra với quốc tế việc bảo vệ thành công hồ sơ có thuận lợi không thưa đồng chí? Chúng tôi nghe nói đoàn Việt Nam phải đối mặt với khuyến nghị “trả lại hồ sơ” ngay trước Kỳ họp?

+ Đúng vậy, yêu cầu xét duyệt Hồ sơ của UNESCO ngày càng khó khăn và chặt chẽ, trong đó, việc kiểm tra tại chỗ về tính xác thực của ICOMOS cực kỳ khắt khe. Tính xác thực đã được các chuyên gia UNESCO thẩm tra sơ bộ và kết luận đây là điểm yếu nhất, thậm chí có nhiều chỗ rất yếu cần được khắc phục để phục vụ chứng minh các tiêu chí nổi bật toàn cầu của Quần thể di sản đề cử. Công tác bảo tồn các di tích còn bất cập (có di tích đã bị phá huỷ hoàn toàn như chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngoạ Vân, một số di tích đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng mới). Tính toàn vẹn hiện nay chưa đồng đều, một số chưa rõ về quy mô vùng lõi, vùng đệm…

Có thể nói, chặng đường bảo vệ hồ sơ di sản lại là rất nhiều khó khăn, thách thức mới, tuy nhiên các đoàn công tác của Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ, luôn nỗ lực, quyết tâm rất cao. Đoàn của tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì trong việc tham gia các đoàn công tác đối thoại cấp chuyên gia với ICOMOS, tham dự Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Pháp từ ngày 6 đến ngày 9/4/2025. Bên lề kỳ họp này, Đoàn công tác của 3 tỉnh đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Trợ lý Tổng giám đốc của UNESCO về văn hóa, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, Tổng Giám đốc Hội đồng Di tích và Di chỉ (ICOMOS) và các thành viên Ủy ban Di sản thế giới để trao đổi, cung cấp thông tin và làm rõ thêm những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Ảnh với chú thích
Bia Phật bằng đá núi tự nhiên trên đỉnh thiêng Yên Tử (Quảng Ninh). 

Gần đây nhất là từ ngày 10-17/6/2025, Quảng Ninh đã tổ chức đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, tham dự cùng đoàn của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đi Cộng hòa Pháp, tiến hành cuộc vận động hợp pháp cho Hồ sơ Quần thể di sản đề cử. Qua đó đã tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Quần thể di sản tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp; Gặp Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo, Tổng Giám đốc ICOMOS Marie Laure Lavenir làm rõ các giá trị di sản; đề nghị hỗ trợ, tạo thuận lợi để được ghi danh di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47; Gặp riêng 20 đại sứ, trưởng phái đoàn các nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giới và Đại diện Bun-ga-ri là Chủ tịch Kỳ họp vận động ủng hộ ghi danh di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức từ ngày 6-16/7/2025 tại Paris, Cộng hòa Pháp.

Trước đó, ở trong nước, trong 2 ngày 16-17/5/2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cùng UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương (nay là tỉnh Bắc Ninh, TP Hải Phòng) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2025” tại 3 địa phương. Nhân dịp này, 3 tỉnh đã mời Ngoại giao đoàn các nước có trụ sở tại Việt Nam về tham quan, quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa của mình, trong đó có Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, vận động hợp pháp cho Hồ sơ di sản đề cử.

Ảnh với chú thích
Giảng giải về cuộc đời, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông cho phật tử, du khách tại vườn tháp Huệ Quang Yên Tử (Quảng Ninh). 

- Việc tôn vinh di sản thế giới cũng đi cùng với trách nhiệm rất lớn, vậy Quảng Ninh sẽ làm gì để bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản trong thời gian tới, thưa đồng chí?

+ Sau nhiều năm nỗ lực, Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Việc ghi danh này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và những tư tưởng nhân văn tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, cũng như những nỗ lực của các địa phương trong gìn giữ, bảo vệ di sản. Vai trò, vị thế của di sản được nâng cao trên trường quốc tế cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Sau 11 năm kể từ Quần thể danh thắng Tràng An, đến nay Việt Nam mới có được di sản thế giới thứ 9. Đây là cơ hội đặc biệt để Yên Tử được cả thế giới biết đến, chiêm ngưỡng, tôn vinh và bảo vệ, đồng thời cũng sẽ mang đến rất nhiều các cơ hội bảo tồn, tôn tạo và phát huy; trong đó có phát triển du lịch văn hoá một cách bền vững, có trách nhiệm cao.

Ảnh với chú thích
Bãi cọc Bạch Đằng là một trong 12 điểm di tích nằm trong Quần thể di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, hệ thống các di tích và di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích. Qua đó góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng trong vùng di sản. Ngày 23/11/2024 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có bổ sung nội dung luật hóa các quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, là hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy bền vững giá trị Di sản thế giới.

Chúng tôi nhận thức rõ rằng, niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm. Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị di sản. Cùng với đó, sẽ tăng cường liên kết, phối hợp với Hải Phòng, Bắc Ninh nhằm xây dựng một không gian di sản thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển bền vững, góp phần tích cực trong quảng bá vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới.

- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!

Ảnh với chú thích

Phan Hằng

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu