
"Quảng Ninh là trung tâm hội tụ yếu tố văn hóa cư dân từ khắp nơi..."
PGS.TS Dương Văn Huy, Trưởng Phòng Nghiên cứu hải đảo, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa biển đảo, nghiên cứu theo hướng khu vực học. Nhân chuyến công tác của PGS.TS Dương Văn Huy đến Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với ông.
Nói về lịch sử Quảng Ninh, PGS.TS Dương Văn Huy chia sẻ: Quảng Ninh là vùng đất mang trong mình những đặc điểm về mặt tự nhiên, thậm chí là một số giá trị lịch sử - văn hóa cũng như con người. Vùng đất này vừa là cái nôi sản sinh ra một số nền văn hóa cổ của Việt Nam; là nơi hội tụ, giao thoa giữa những yếu tố lục địa và yếu tố biển, yếu tố trong nước và yếu tố quốc tế, giữa yếu tố truyền thống và sự tiếp nhận, thâu hóa liên tục những yếu tố hiện đại qua các thời kỳ.
Hay nói cách khác, Quảng Ninh là vùng đất có sự hội tụ của cả không gian lịch sử và văn hoá không chỉ khu vực tỉnh Quảng Ninh, mà rộng hơn là Vịnh Bắc Bộ, thậm chí là nằm trong không gian lịch sử và văn hoá của các vùng lục địa Nam Trung Hoa, Đông Bắc Lào, Bắc Bộ của Việt Nam và ra tới Biển Đông, ra khu vực và thế giới.
- Vậy Quảng Ninh có ý nghĩa kết nối như thế nào với khu vực và thế giới thưa ông?
+ Từ sớm, trong lịch sử vùng biển phía Bắc của Việt Nam (cụ thể là Vịnh Bắc Bộ) đã nổi lên một trung tâm hàng hải quốc tế kết nối lục địa và biển. Quảng Ninh là vùng đất biên viễn, là cửa ngõ chiến lược, giao thương từ sớm trong lịch sử và nó đã trở thành các “trung tâm” như trung tâm giao thương quốc tế (thương cảng Vân Đồn), trung tâm chiến lược quân sự (tuyến sông Bạch Đằng, Vân Đồn, Móng Cái…), trung tâm tôn giáo (Yên Tử), tính chất trung tâm đã thể hiện yếu tố hội tụ và lan tỏa này.
- Nghĩa là chúng ta nên nhìn Quảng Ninh đặt trong không gian văn hóa rộng lớn của cả khu vực…
+ Khi nghiên cứu về phát triển du lịch qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc khu vực tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu về một vùng đất, về con người ở vùng đất ấy với tất cả các mối quan hệ với thiên nhiên, với lịch sử và xã hội về mọi mặt, làm nổi rõ những đặc điểm, đặc thù của khu vực tỉnh Quảng Ninh trong mối quan hệ tương tác về lĩnh vực giao lưu văn hóa, phát triển du lịch giữa Móng Cái (Việt Nam) với Đông Hưng (Trung Quốc).
Như vậy, có thể nói, với cách tiếp cận khu vực học nhằm xác định rõ địa bàn nghiên cứu thuộc khu vực cụ thể không chỉ mang tính lý luận mà còn mang tính thực tiễn. Cách tiếp cận nói trên cho phép chúng ta tiếp cận nhận diện các giá trị đặc trưng của Quảng Ninh. Theo đó, Quảng Ninh là một khu vực học, do đó những đặc trưng của Quảng Ninh phải là sự tổng hòa của các thành tố tạo ra một khu vực Quảng Ninh khác với các khu vực khác. Đánh giá các giá trị đặc trưng của Quảng Ninh cần phải dựa trên cách tiếp cận liên ngành và tiếp cận hệ thống.
- Cách tiếp cận đó đã giúp ông nhìn nhận thế nào về con người Quảng Ninh?
+ Cư dân Quảng Ninh là sự dung hợp của các luồng dân cư từ nhiều vùng khác nhau với những cư dân sở tại. Tiến trình này diễn ra liên tục qua các giai đoạn lịch sử, thể hiện ở tính chất địa đầu Tổ quốc và cửa ngõ của Tổ quốc trong lịch sử. Điều này, khiến cho Quảng Ninh ngay từ thời kỳ nhà Ngô (938-965) thì dòng dịch chuyển dân cư đã diễn ra mạnh mẽ.
Trước khi nhà Ngô chính thức thành lập, Ngô Quyền đã xây dựng lực lượng tạo ra chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đánh tan quân Nam Hán. Việc xây dựng lực lượng lớn để đánh giặc khi đó đã tạo ra dòng chảy dân cư từ các nơi tập trung ở nơi này, trước hết là đánh giặc sau đó là trấn giữ vùng hiểm yếu này.
Tiếp đến thời kỳ nhà Lý, sau đó là Trần, khu vực Quảng Ninh trở thành nơi trấn giữ cửa ngõ đất nước then chốt của Việt Nam khi đó, việc trấn giữ này đã có từ trước thời kỳ nhà Lý, nhưng được củng cố mạnh mẽ từ trong thời Lý, Trần, Lê. Sự ra đời của Trang Vân Đồn cũng thể hiện vai trò địa chiến lược quan trọng của khu vực Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng.
Với tầm quan trọng như vậy, việc xây dựng lực lượng, phát triển dân cư là điều được ưu tiên của các chính quyền Việt Nam khi đó. Các dòng dân cư các nơi đổ về trong đó có những tướng tài, những người lính được huấn luyện bài bản, khiến cho vùng này là vùng tập trung của những người tài giỏi có khả năng trấn giữ vùng hiểm yếu của đất nước.
Bên cạnh đó, về mặt địa kinh tế, Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều thời kỳ, nhất là thời kỳ Lý, Trần và đầu Lê. Điều này, khiến cho khu vực này trở thành nơi tập trung thương nhân các nơi đổ về, những người lao động làm ăn các ngành nghề đổ về đây để tìm cơ hội làm ăn buôn bán ở thương cảng. Do đó, dòng chảy dân cư từ các nơi đổ về đây tạo thành những quần thể cư dân hỗn hợp có tính chất cư dân của vùng thương cảng.
- Đến sau này thì sao thưa ông?
+ Đến thời Pháp thuộc, việc khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản ở Quảng Ninh được thúc đẩy, trong đó có khai thác than. Người Pháp đã đưa nhiều lao động phu mỏ khắp nơi về Quảng Ninh để khai thác khoáng sản cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, bến bãi phục vụ cho khai khoáng. Điều này, một lần nữa tạo ra các dòng dịch chuyển cư dân lớn khắp nơi đổ về Quảng Ninh.
Không chỉ vậy, thời hiện đại, với tính chất là cửa ngõ biên giới quan trọng của Việt Nam, cửa khẩu Móng Cái cho đến nay trở thành cửa khẩu có sự di chuyển về người qua biên giới lớn nhất cả nước. Điều này cũng thúc đẩy mạnh mẽ các tiến trình di trú dân cư từ khắp nơi đổ về Quảng Ninh.

- Ông cho biết các dòng chuyển cư ấy có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành văn hóa?
+ Có thể thấy, tính chất địa nhân văn của Quảng Ninh như vậy đã khiến cho Quảng Ninh trở thành trung tâm hỗn dung nhiều yếu tố văn hóa cư dân từ khắp nơi hội tụ về đây trên cơ tầng yếu tố văn hóa của cư dân bản địa. Điều này, cũng tạo ra một bản sắc riêng của vùng đất Quảng Ninh về đặc điểm văn hóa cư dân so với các địa phương khác.
Quảng Ninh chính là trung tâm tôn giáo, với trường phái Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái nhân văn và gần gũi với cuộc sống của người dân, do một vị vua Triều Trần khai mở và phát triển. Bên cạnh đó, việc nhà Trần chọn Yên Tử để xây dựng dòng Phật giáo Việt Nam không chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên bởi giá trị địa chiến lược quan trọng của khu vực này. Từ khu vực Yên Tử, có thể từ phía Đông và Đông Bắc nhìn ra hướng Vân Đồn, Móng Cái, phía Đông và Đông Nam nhìn ra hướng dòng Bạch Đằng nơi xung yếu với những trận chiến, thậm chí có tính quyết định số phận dân tộc trong nhiều thời kỳ.
Đồng thời, cũng hướng ra phía Hải Phòng cũng là một khu vực xung yếu của Việt Nam. Phía Tây và Tây Bắc hướng ra phía Bắc Giang, Lạng Sơn nơi có đường bộ then chốt từ phía Bắc tiến xuống kinh đô Thăng Long, phía Tây Nam là kinh đô Thăng Long nơi trung tâm đầu não của Đại Việt. Việc lựa chọn Yên Tử, một quyết định thể hiện người có tầm chiến lược sâu sắc của nhà Trần.

Vùng biển Quảng Ninh, nhất là khu vực Vân Đồn, là khu vực có giá trị lịch sử sâu sắc. Trong phương diện giá trị lịch sử, đáng kể nhất phải kể đến lịch sử - văn hóa của thương cảng Vân Đồn nằm trong không gian văn hoá và lịch sử của khu vực Bắc Bộ, của mối bang giao Việt Nam với bên ngoài, nhất là với Trung Quốc, và hẹp hơn một chút là khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Hơn nữa, những biểu hiện trong giá trị biểu tượng và bản sắc cư dân vùng biển Quảng Ninh còn được thể hiện trong sinh hoạt đời sống môi trường biển đảo của cư dân nơi đây. Trong đời sống sinh hoạt gắn với môi trường biển đảo, những chủ nhân của vùng văn hóa biển đảo khu vực này đã sáng tạo ra nhiều giá trị quý giá. Đó là những thói quen, hành vi, ứng xử, cung cách sinh hoạt thể hiện trong chuyện ăn, mặc, ở, đi lại… thích ứng với môi trường biển đảo, những phong tục, tập quán gắn với môi trường sinh thái vây quanh.
Ngư dân vùng biển đảo có kiến trúc nhà cửa khác nhau tùy theo địa bàn: Nhà ở làng chài ven biển; nhà ở thị tứ, nhà trên đảo và nhà bè hoặc nhà thuyền ở các vạn chài. Đối với các làng ven biển, người ngư dân biết thích ứng để xây dựng nhà không cao, nhưng vững chãi để chống chọi với gió bão. Trong các thị tứ đã hình thành các nhà cao tầng tạo nên dãy phố men theo đường làng, song luôn hòa hợp với thiên nhiên. Tại một số vạn chài, người dân sống chủ yếu trên các nhà bè, nhà thuyền, mọi sinh hoạt kinh tế, thờ cúng, cưới xin, sinh đẻ đều gắn với con thuyền.
Có thể nói, một trong những giá trị đặc trưng của Quảng Ninh là một vùng đất hội tụ (trong đó, thể hiện một vùng đất đa trung tâm như trung tâm kinh tế, trung tâm địa chiến lược, trung tâm văn hóa vùng Đông Bắc, trung tâm tôn giáo… và đa tầng nấc từ giá trị của vùng, quốc gia và quốc tế) và hội nhập quốc tế với tư cách là một trung tâm trong mạng lưới kết nối trong nước, khu vực và thế giới, và vùng đất này vừa mang giá trị của lịch sử phát triển của Việt Nam vừa mang giá trị của lịch sử phát triển của khu vực (với yếu tố kết nối khu vực và thế giới thông qua biên giới bộ và hướng ra biển). Quảng Ninh mang trong mình giá trị của lịch sử và hiện đại, của khu vực và quốc tế, của sự kết nối và lan tỏa.
- Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Ý kiến ()