
Phát huy sức trẻ, lan tỏa bản sắc Quảng Ninh
Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, mô hình thiết thực, sáng tạo nhằm tuyên truyền, giáo dục và lan tỏa hệ giá trị đặc trưng của Quảng Ninh với: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc. Qua đó, không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, CLB Lý luận và Truyền thông trẻ TP Hạ Long phối hợp với Trường Tiểu học và THCS Núi Mằn (xã Thống Nhất), tổ chức chương trình truyền thông đồng đẳng về hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Em yêu giá trị quê mình”. Chương trình hướng đến đối tượng học sinh THCS, với mục tiêu giáo dục nhận thức về 6 giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc.
Điểm nổi bật của chương trình là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương pháp truyền thông hiện đại, sáng tạo, giúp học sinh tiếp cận nội dung một cách sinh động, trực quan và dễ tiếp thu. Chương trình mở đầu bằng một video sử dụng công nghệ AI, với nhân vật biểu tượng đồ họa chuyển động kể chuyện về các giá trị quê hương. Tiếp đó là trò chơi tương tác “Mật mã giá trị”, trong đó, học sinh tham gia giải mã tranh số hóa để từng bước khám phá các giá trị Quảng Ninh thông qua câu hỏi và hình ảnh đầy ý nghĩa.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông qua tiết mục nhảy flashmob với chủ đề “Về Quảng Ninh chơi” đã tạo không khí sôi động, lôi cuốn, kết hợp giữa âm nhạc và ngôn ngữ hình thể để thể hiện tình yêu quê hương. Chương trình còn sử dụng các giáo cụ trực quan như bảng thông tin, tờ rơi và bảng thảo luận nhóm sinh động nhằm tăng tính tương tác, hỗ trợ học sinh tiếp cận và ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của học sinh.

Chị Nguyễn Minh Hằng, Phó Chủ nhiệm CLB Lý luận và Truyền thông trẻ TP Hạ Long, chia sẻ: Việc kết hợp giữa truyền thông đồng đẳng và trí tuệ nhân tạo không chỉ đơn thuần là sự đổi mới phương pháp, mà là một bước chuyển tư duy trong giáo dục hệ giá trị địa phương. Truyền thông đồng đẳng giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách gần gũi, dễ tiếp thu từ chính bạn bè đồng trang lứa. Còn AI đóng vai trò là chất xúc tác, trực quan hóa nội dung, tạo ra không gian học tập sinh động, khơi gợi trí tưởng tượng và cảm xúc. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua mô hình này, mỗi học sinh không chỉ là người tiếp nhận tri thức mà còn trở thành cầu nối lan tỏa, để hệ giá trị Quảng Ninh thấm sâu vào suy nghĩ, được cụ thể bằng hành động thông qua việc thi đua học tập, rèn luyện của học sinh, góp phần xây dựng quê hương đẹp giàu.
Đồng quan điểm đó, cô giáo Vũ Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Núi Mằn cũng ghi nhận hiệu quả của chương trình: “Đây là một hình thức giáo dục mới mẻ, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, vừa có tính giải trí song mang lại hiệu quả giáo dục rõ nét. Thay vì chỉ học trên sách vở, các em đã được sống trong từng giá trị, được kể chuyện quê hương theo cách của riêng mình. Đồng thời, được rèn luyện kỹ năng mềm quan trọng như thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và sử dụng công nghệ.

Không riêng Thành Đoàn Hạ Long, các đơn vị Đoàn địa phương cũng tích cực vào cuộc trong tuyên truyền hệ giá trị Quảng Ninh cũng như cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU. Bên cạnh việc chủ động triển khai các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ tiếp thu giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn với các giá trị văn hóa hiện đại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức cuộc thi “Hành trình tuổi trẻ kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh”; hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Vai trò của thanh niên tham gia phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”; thành lập các CLB thanh niên bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống…
Cùng với đó, toàn Đoàn đã triển khai xây dựng và gắn mã QR Code tại gần 300 địa chỉ đỏ, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hành trình giáo dục truyền thống. Năm 2024, toàn Đoàn đã tổ chức gần 300 hành trình về nguồn đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, địa chỉ đỏ trong toàn tỉnh.

Công tác tuyên dương và nhân rộng các điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực thông qua chương trình tuyên dương thanh niên sống đẹp, tuyên dương gương mặt trẻ, tài năng trẻ, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác… đã góp phần lan toả các giá trị hình mẫu thanh niên Vùng mỏ thời đại mới có văn hoá, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ.
Các cấp bộ Đoàn đã tích cực vận động ĐVTN hưởng ứng và tham gia sôi nổi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thông qua các hoạt động, mô hình xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh tại cơ sở; định kỳ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Từ đây góp phần định hướng, tạo môi trường cho ĐVTN rèn luyện, thực hiện lối sống lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú.
Phát huy sự nhạy bén với công nghệ, thanh niên Quảng Ninh đã tích cực sáng tạo nội dung trên mạng xã hội thông qua các video ngắn trên các nền tảng số như Facebook, TikTok. Nhiều trang cá nhân và cộng đồng như Dihalong, Hienreviewcoto, Bình Liêu Travel… đã giới thiệu sinh động về văn hóa, ẩm thực, điểm đến du lịch cũng như vẻ đẹp con người ở từng vùng miền trong tỉnh. Theo đó, chiến dịch truyền thông “Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh” gồm 2 hoạt động lớn là trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” và xây dựng Bản đồ số “Quảng Ninh những sắc màu văn hóa”, do Tỉnh Đoàn - Hội LHTN tỉnh phát động từ cuối năm 2024 đến nay đã và đang thu hút được sự tham gia của thanh thiếu niên và người dân vào hoạt động đổi mới sáng tạo và truyền thông văn hóa về tỉnh Quảng Ninh trên mạng xã hội.

Từ trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” đang tạo ra sân chơi để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ năng thực hành chuyển đổi số vào việc lan tỏa giá trị của tỉnh qua các nền tảng số. Đặc biệt, các tác phẩm xuất sắc sẽ được trưng bày và sử dụng trong các chiến dịch quảng bá du lịch, văn hóa của Quảng Ninh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: Không chỉ dừng lại là một “trào lưu”, chúng tôi mong muốn với “Quảng Ninh trong tôi là…”, những hành trình, những bức ảnh được chụp tại các địa điểm, di tích lịch sử, những cảm nhận bình dị, gần gũi của mỗi bạn trẻ về hệ giá trị của quê hương từ thiên nhiên, văn hóa, con người đến những bước tiến phát triển bứt phá của Quảng Ninh sẽ được chia sẻ nhiều hơn, mới mẻ hơn, sâu sắc hơn. Qua đó, không ngừng khơi dậy niềm tự hào về quá khứ hào hùng, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước thường trực trong tim mỗi người và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Thông qua trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” cũng là cách để thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên Vùng mỏ thể hiện vai trò của những người tiên phong đưa văn hóa nói riêng và những giá trị riêng có của quê hương nói chung lan tỏa mạnh mẽ và vươn xa trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Ý kiến ()