
Vẻ đẹp hào sảng của người Vùng mỏ
Hội tụ tinh hoa văn hoá nhiều vùng miền, khí chất nổi trội của người Quảng Ninh là hào sảng. Khí chất ấy đã và đang được lan toả, phát huy trong mọi mặt của đời sống xã hội hiện đại.
Hào sảng được hiểu là sự bao dung, sự hào phóng trong cách đối đãi với người khác. Hào sảng cũng chính là sự buông bỏ thâm sâu để mang những thứ gì đó tốt đẹp dành cho con người vì mục đích chung. Đặc biệt, càng trong bão tố nguy nan, trong khó khăn thách thức, người Quảng Ninh càng tỏa sáng nét hào sảng, nhiệt thành và vị tha. Nền văn hoá đa dạng, phong phú và giàu truyền thống được nhiều thế hệ Quảng Ninh tích luỹ, hội tụ và hoàn thiện trên cơ sở sự kết hợp giữa văn hoá biển hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hoá công nhân mỏ mang những giá trị mới, sáng tạo, văn minh và văn hóa các dân tộc đặc sắc.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), có 4 đặc trưng tiêu biểu của con người Quảng Ninh là chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; chất khoan dung, năng động và sáng tạo trong văn hóa Quảng Ninh; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống, phẩm chất của các thế hệ công nhân Vùng mỏ; chất trí tuệ, giàu năng lực, phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên. Truyền thống lao động sản xuất cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, khí chất mạnh mẽ cũng là một phẩm chất ưu trội của người Quảng Ninh được phát huy qua nhiều thế hệ.
Dù trên đồng ruộng, nương rẫy hay chài lưới xa khơi hoặc miệt mài dưới hầm sâu, người Quảng Ninh đều lao động hết mình. Trong chiến tranh, Quảng Ninh bị tàn phá, kiệt quệ, thậm chí trong một thời gian phải trông chờ vào sự trợ giúp từ Trung ương nhưng con người nơi đây đã anh dũng đứng lên vừa sản xuất vừa chiến đấu. Người Quảng Ninh sẵn sàng đối đầu với những thách thức để chuyển đổi và phát triển bền vững. Quảng Ninh không chấp nhận hình ảnh khói bụi của than mà chủ động chuyển từ "nâu" sang "xanh", dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào những tài nguyên không thể tái tạo. Quảng Ninh dứt khoát xoá bỏ lối tư duy quản trị hành chính cũ, chuyển từ quản lý sang phục vụ.

Người Quảng Ninh biết nghĩ đến tương lai mà chấp nhận những khó khăn của hiện tại, biết hy sinh những lợi ích nhỏ mà vì mục tiêu lớn. Người Quảng Ninh sẵn sàng hy sinh những ngày công lao động, từng mét đất để làm đường. Quảng Ninh cũng dẹp bỏ nhiều những so đo tính toán, những bỡ ngỡ ban đầu để mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình thí điểm, những cách làm hay sau này được cả nước áp dụng. Nghe tin sập hầm ở Tây Nguyên, hàng chục thợ mỏ tinh nhuệ ở Quảng Ninh ngay lập tức gác công việc chuyên môn để lao vào ứng cứu. Cán bộ y tế tỉnh nhà vừa gồng mình vượt qua khó khăn mà còn chi viện cho Bắc Giang cho các tỉnh phía Nam dập dịch. Bị cơn bão số 3 tàn phá nặng nề nhưng Quảng Ninh từ chối nhận nguồn cứu trợ của Trung ương để chuyển cho các tỉnh khác khó khăn hơn.
Đặc trưng văn hoá, con người Quảng Ninh là di sản quý, là yếu tố cốt lõi để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đây cũng chính là cơ sở để ngày 9/3/2018, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”. Và sau đó là Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Nhiều địa phương, nhiều sở, ngành trong tỉnh cũng nỗ lực xây dựng văn hoá con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. TP Hạ Long xây dựng thành phố du lịch văn minh, thân thiện. TP Cẩm Phả quyết tâm xây dựng đô thị giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, để Cẩm Phả là nơi hội tụ văn hóa thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than. Huyện Đầm Hà xây dựng văn hoá con người với những phẩm chất đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện. Huyện Tiên Yên phát triển văn hoá gắn với bản sắc của đồng bào các dân tộc ở ngã ba vùng Đông Bắc. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật Quảng Ninh, giai đoạn 2025-2030. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, tham mưu xây dựng Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hoá tỉnh Quảng Ninh.
Biến di sản văn hoá thành tài sản du lịch, Quảng Ninh đã rất tích cực khơi dậy những giá trị văn hóa các dân tộc, thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển. Văn hóa Quảng Ninh đặc sắc, năng động và dễ hội nhập không những được bảo tồn mà còn được hoạch định một tầm nhìn phát triển trong bối cảnh mới. Chiến lược phát triển đó sẽ góp phần xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững. Quảng Ninh hiểu rằng muốn bay cao, vươn xa thì nền móng phải vững chắc. Coi trọng văn hoá con người nghĩa là đang xây móng đắp nền cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, chính trị vùng phên giậu phía Bắc của Tổ quốc, góp phần vào sự phát triển chung trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()