
Quan tâm đầu tư phát triển thể chất
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực thể dục thể thao - yếu tố quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần nhân dân và khẳng định vị thế tỉnh nhà trên bản đồ thể thao quốc gia.
Theo đó, nổi bật trong chiến lược phát triển thể thao của Quảng Ninh là đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng. Khu liên hợp thể thao tại phường Đại Yên (TP Hạ Long) quy mô 120ha là một trong những công trình hiện đại bậc nhất miền Bắc, gồm nhà thi đấu 5.000 chỗ, sân vận động, sân tập điền kinh, nhà tập võ, trường bắn, bể bơi… phục vụ tổ chức giải đấu lớn và huấn luyện chuyên sâu. Sân vận động Cẩm Phả sau nhiều lần nâng cấp đã trở thành "thánh địa" bóng đá Quảng Ninh, từng đăng cai nhiều sự kiện quốc tế như vòng loại Olympic Tokyo 2020, SEA Games 31, Giải U23 Đông Nam Á. Việc đầu tư hệ thống chiếu sáng, mặt cỏ, khán đài đạt chuẩn quốc tế không chỉ phục vụ thể thao chuyên nghiệp mà còn lan tỏa cảm hứng trong cộng đồng.
Ở cấp cơ sở, các địa phương chủ động bố trí quỹ đất, ngân sách xây dựng nhà thi đấu, sân thể thao, bể bơi. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 sân chơi, bãi tập; hàng trăm nhà văn hóa xã, phường được trang bị thiết bị luyện tập. Nhiều nơi như Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn tích cực tích hợp thể dục thể thao trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tỉnh cũng đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng thể thao với các mô hình sân bóng đá cỏ nhân tạo, cụm sân cầu lông, phòng gym, bể bơi tư nhân… góp phần đa dạng thiết chế TDTT, giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn. Đến nay, 13/13 địa phương của tỉnh hoàn tất quy hoạch quỹ đất thể dục thể thao, có nơi lên tới gần 20ha như Uông Bí, Bình Liêu. Đặc biệt, 100% khu công nghiệp bố trí đất cho thiết chế văn hóa - thể thao, thể hiện tầm nhìn dài hạn gắn phát triển thể chất với phát triển bền vững.

Đi đôi với đầu tư hạ tầng, Quảng Ninh chú trọng phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Các giải đấu được tổ chức thường xuyên, bài bản theo hệ thống: Đại hội TDTT các cấp, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Hội thao công nhân, viên chức - lao động, Giải thể thao học sinh, người cao tuổi… Từ đó, hình thành mạng lưới phong trào rộng khắp, phù hợp mọi lứa tuổi, ngành nghề và địa bàn. Phong trào “phòng tập ngoài trời” với dụng cụ đa dạng hiện diện tại nhiều công viên, khu dân cư, giúp người dân duy trì thói quen tập luyện, nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, nhiều mô hình tự quản như CLB dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền hơi, khiêu vũ thể thao, xe đạp địa hình… cũng phát triển mạnh mẽ ở cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, trường học.
Việc đầu tư cơ sở vật chất và phát triển phong trào đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở Quảng Ninh phát triển mạnh, với trên 40% dân số luyện tập thường xuyên - cao hơn mức bình quân cả nước. Thể thao học đường, thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo môi trường sống lành mạnh, gắn kết cộng đồng, phòng chống tệ nạn. Đồng thời, hạ tầng thể dục thể thao ngày càng đồng bộ là lợi thế để tổ chức sự kiện thể thao lớn, quảng bá hình ảnh Quảng Ninh năng động, thân thiện.
Từ phong trào quần chúng, nhiều vận động viên tài năng được phát hiện, đào tạo và giành thành tích cao ở đấu trường quốc gia, quốc tế. Tỉnh duy trì và phát triển các môn thế mạnh như: Pencak silat, cờ vua, bóng đá nữ, nhóm thể thao dưới nước… toả sáng trên đấu trường quốc tế. Sau 3 năm ngừng hoạt động, bóng đá Quảng Ninh đã được tái lập, đặt trụ sở tại Hạ Long, với nguồn lực đầu tư nuôi dưỡng, huấn luyện đầy đủ, kỳ vọng trở lại đấu trường chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn như: Giải đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race, Halong Bay Heritage Marathon, VnExpress Marathon Hạ Long… góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Ninh năng động, hiện đại. Với tư duy chiến lược và hành động quyết liệt, Quảng Ninh đã khẳng định vai trò của thể dục thể thao trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng, tạo môi trường sống lành mạnh, gắn kết cộng đồng.
Ý kiến ()