
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia góp ý vào 3 dự án luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ để cho ý kiến vào các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, tại khoản 1, Điều 84 của Hiến pháp nên giữ lại quy định: Cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên MTTQ có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, dự án Pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng nội hàm thuật ngữ cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên MTTQ sẽ rộng hơn bộ phận thường trực được nằm ở trong cơ quan của MTTQ. Qua đó, đảm bảo quyền của 4 cơ quan lớn của MTTQ.

Tại Điều 110 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn tại khoản 2, Điều 111 lại quy định thêm, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập, nhưng chưa nói đơn vị hành chính này ở cấp nào. Do đó cần làm rõ trong điều khoản này.
Ngoài ra, điều 111, cũng ghi "Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định". Theo đại biểu, có những đơn vị đặc thù, ví dụ như hải đảo là đặc khu hoặc đơn vị hành chính kinh tế thì không nhất thiết phải có cả hai đơn vị này. Đại biểu đề xuất như việc xây dựng cơ chế đặc khu Vân Đồn, chỉ tổ chức đơn vị hành chính. Theo đó, nên quy định "Quốc hội quy định cụ thể việc tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", để sau này Quốc hội sẽ quyết định các vấn đề cụ thể.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng việc khu vực đặc khu có thể ở biên giới, hải đảo, bởi vì tính chất rất đặc biệt. Còn đối với Luật Cán bộ, công chức tại khoản 2 Điều 1 quy định việc áp dụng các quy định đối với cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định, điều này nên quy định chính xác là chỉ quy định những chính sách đặc thù.

Tham gia vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị giữ lại quyền chất vấn của HĐND trong Hiến pháp. Đại biểu cho rằng Quốc hội và HĐND quy định rất rõ chức năng giám sát có chức năng chất vấn. Việc chất vấn cũng là hoạt động nhằm để bảo đảm được quyền giám sát của HĐND, của Quốc hội và của mỗi các đại biểu Quốc hội, HĐND trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức. Chất vấn còn để nhằm yêu cầu các cơ quan phải giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kiến nghị của cử tri.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đối với việc bỏ quyền trình luật của các tổ chức Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh khi trở thành các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Cùng tham gia góp ý vào nội dung này, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng Điều 110 hiện hành của Hiến Pháp quy định rất rõ các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam gồm các cấp, đơn vị tỉnh, huyện, xã và trong đó có cả quận, thị xã, thị trấn. Do vậy nên kế thừa tinh thần này trong Điều 110 sửa đổi cũng nên quy định rõ chính quyền có cấp tỉnh và cấp xã; quy định như vậy sẽ bảo đảm được tính logic của dự thảo Nghị quyết hiện nay đang trình Quốc hội.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 7, Điều 13 về phân cấp hiện nay trong trường hợp cho quyền cho UBND tỉnh được điều chỉnh các quy định liên quan đến ban hành văn bản để điều chỉnh quy trình, thủ tục thực hiện cho linh hoạt nhiệm vụ mình được nhận phân cấp hoặc đơn vị cấp dưới là cấp xã được nhận phân cấp; cần quy định rõ để thực hiện một cách đảm bảo. Đối với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đại biểu đề nghị Luật cần thay đổi chính sách liên thông cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh, sau khi bỏ cấp huyện.

Tham gia góp ý đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với quy định tại khoản 2 về xã - đơn vị hành chính ở nông thôn, phường - đơn vị hành chính ở đô thị và đặc khu - đơn vị hành chính ở hải đảo. Tuy nhiên, hải đảo cần hiểu là toàn bộ vùng biển vùng trời trong khu vực đó. Ví dụ như quần đảo hoặc rất nhiều đảo và còn có cả phần sát với khu vực ven bờ nữa. Do vậy, cần ghi rõ hơn là khu vực đặc khu - đơn vị hành chính ở khu vực hải đảo.
Như hiện nay tại Quảng Ninh có Cô Tô, Vân Đồn, không thể chỉ quản lý mỗi đảo mà phải cả khu vực mặt nước liên quan xung quanh và các khu vực ven bờ. Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã; phân cấp giữa nhiệm vụ và quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp ý kiến bổ sung đối với một số quy định tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Ý kiến ()