
Mảnh đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật
Quảng Ninh với những trầm tích lịch sử, giá trị văn hóa giàu bản sắc, cốt cách riêng có không chỉ xây dựng tại chỗ mà còn tạo nên sức hút đối với các văn nghệ sĩ tài năng từ mọi miền đất nước. Trước thực tiễn công cuộc đổi mới hết sức sinh động, phong phú và đa dạng, Quảng Ninh đang trở thành mảnh đất "màu mỡ", môi trường thuận lợi để phát triển văn học nghệ thuật với nhiều văn nghệ sĩ được công chúng mến mộ.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 18 Nghệ sĩ Ưu tú, 187 Nghệ sĩ Vùng mỏ, 2 Nghệ nhân Nhân dân, 36 Nghệ nhân Ưu tú và 59 Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Quảng Ninh cũng là tỉnh xây dựng được 12 Hội Văn học nghệ thuật cấp huyện với tổng cộng hơn 2.000 hội viên các cấp, được các tỉnh bạn đến học tập mô hình. Ngoài ra, nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, 8 Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cùng nhiều Bằng khen, giải thưởng của Trung ương, của tỉnh...
Tham luận tại hội thảo "50 năm nền văn học nghệ thuật Quảng Ninh sau ngày thống nhất đất nước" do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long vào cuối tháng 4 vừa qua, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, văn học nghệ thuật Quảng Ninh như một dòng chảy lớn hoà vào dòng chảy mạnh mẽ của văn học nghệ thuật cả nước với nhiều tác phẩm mang cảm hứng thời đại, là tiếng nói tâm hồn bật lên từ hiện thực cuộc sống Vùng mỏ. Các văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã bám rễ vào hiện thực ấy để sáng tác nên những tác phẩm phản ánh chân thực con người Vùng mỏ trong lao động xây dựng đất nước, khơi dậy niềm tự hào và ý chí vươn lên của nhân dân.

Ông Đào Huy Toàn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, cho rằng cần tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về khuyến khích phát triển văn học nghệ thuật bằng các cơ chế đặc thù. Trong đó, khen thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật khu vực, toàn cầu và quốc tế, xây dựng định mức giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh, định mức đặt hàng hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật chất lượng cao, khuyến khích và ươm mầm tài năng về văn học nghệ thuật, hỗ trợ học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ có triển vọng đi đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước đối với một số chuyên ngành văn học nghệ thuật, phát triển các câu lạc bộ văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư, đưa các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian và sinh hoạt ngoại khóa trong các nhà trường. Đồng thời, thành lập Hội Văn học nghệ thuật cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện, trong đó ưu tiên chủ tịch hội là cán bộ lãnh đạo xã đương chức, ít nhất 1 phó chủ tịch là văn nghệ sĩ.
Đồng thuận với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, cho rằng, mỗi xã nên thành lập Hội văn học nghệ thuật theo Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội là giải pháp quan trọng khi bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã, thường xuyên có sự giao lưu học tập kinh nghiệm sáng tác, công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật. Việc tổ chức các trại sáng tác cấp xã là một cách làm hay có nhiều đổi mới hướng về cơ sở. Đây cũng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn khi xác định văn học nghệ thuật khởi nguồn từ nhân dân, phục vụ nhân dân. Nó không chỉ giúp các văn nghệ sĩ có cơ hội thâm nhập thực tế khám phá ra nhiều điều mới lạ về vùng đất và văn hóa địa phương mà còn khơi gợi những cảm xúc trân quý khi được tiếp xúc và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cho những thế hệ sau.
Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong kỷ nguyên mới, nâng cao hiệu quả hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, tỉnh đã định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật trong phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa nghệ thuật với quảng bá xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư nhằm xây dựng hệ sinh thái phát triển nghệ thuật gắn với hệ sinh thái du lịch và hệ sinh thái dân sinh; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; phát triển văn học nghệ thuật gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Ngọc, Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khi xây dựng các tổ hợp các khu công nghiệp văn hoá sáng tạo cần xây dựng các trung tâm đào tạo để các nghệ sĩ, các nhà tổ chức ở Quảng Ninh có thể tiếp cận và làm chủ được các công nghệ mới. Đồng thời chúng ta sẽ kêu gọi nghệ sĩ, diễn viên, người thành danh là người Quảng Ninh về xây dựng bồi đắp thêm cho Quảng Ninh.
Ý kiến ()