
Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Quảng Ninh có nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là than đá (chiếm trên 90% trữ lượng cả nước), tiếp đến là đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, pyrophylit, cát thủy tinh, đá granit… Thực hiện phương châm “Không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo trước khi đi vào vận hành các dự án phải thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải… Tỉnh cũng đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 57 Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Năm 2024, UBND tỉnh ban hành 4 Quyết định đóng cửa mỏ; cấp 55 Giấy phép lĩnh vực tài nguyên nước (trong đó 12 giấy phép khai thác nước dưới đất và 43 giấy phép khai thác nước mặt) và 22 Quyết định phê duyệt/điều chỉnh tiền cấp quyền.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Các địa phương có các mỏ khoáng sản cũng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, không để khai thác đối với các mỏ hết giấy phép khai thác, đang trong thời gian xin chủ trương gia hạn khai thác hoặc đóng cửa mỏ; không cho khai thác đối với các đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, quản lý việc khai thác đảm bảo khai thác theo đúng thiết kế và ranh giới mỏ được giao.
Quan điểm nhất quán của tỉnh Quảng Ninh là kiên quyết không gia hạn đối với các mỏ còn trữ lượng nhưng hoạt động khai thác có tác động xấu đến môi trường, khu vực dân cư, không phù hợp với định hướng quy hoạch. Đối với các mỏ hết giấy phép khai thác mà vẫn còn trữ lượng, nhưng có phạm vi hoạt động, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đời sống dân cư quanh khu vực mỏ thì sẽ xem xét việc gia hạn.
Các đơn vị khai thác khoáng sản cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, BVMT; thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình BVMT nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tác động đến môi trường. Hầu hết các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Quỹ BVMT Việt Nam và Quỹ BVMT tỉnh Quảng Ninh. Năm 2024, có 62 đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với 88 dự án, tổng số tiền ký quỹ là 66,219 tỷ đồng. Thực hiện hoàn trả tiền ký quỹ đối với 5 đơn vị với tổng số tiền là 12,639 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác khoáng sản cũng nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan để phù hợp với định hướng phát triển “xanh” của tỉnh. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc đã tập trung triển khai thực hiện hoàn thành nhiều công trình, giải pháp BVMT sử dụng trong sản xuất, nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu, đầu tư các thiết bị vận chuyển tân tiến, hiện đại giảm thiểu phát thải bụi ra môi trường, thực hiện công tác giám sát môi trường thường xuyên, đầy đủ theo đúng yêu cầu BVMT của từng dự án. Quản lý, sử dụng và vận hành tốt các công trình BVMT đã đầu tư như: Hệ thống băng tải than ra cảng, cầu vượt qua quốc lộ 18, hệ thống trạm rửa xe tự động từ mỏ lưu thông qua khu vực dân cư, các hệ thống phun sương dập bụi, hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Công tác quản lý chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất được thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý đúng quy định; đất đá thải được quản lý, đổ thải theo đúng quy hoạch, đúng thiết kế, công tác trồng cây phủ xanh tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải, dọc các tuyến đường vận tải được triển khai có hiệu quả cho việc chắn bụi và hoàn nguyên môi trường,...
Riêng TKV đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động BVMT như: Nạo vét các công trình thu gom thoát nước; tưới nước dập bụi, vệ sinh môi trường, cảnh quan trụ sở, mặt bằng sản xuất; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bao gồm cả duy trì hoạt động của các trạm xử lý nước thải mỏ tập trung, vận hành nhà máy xử lý chất thải nguy hại, trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường.
Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo, là tài sản quan trọng phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, hoạt động này có thể gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội như: Làm mất đi thảm thực vật; thay đổi cảnh quan sinh thái; xói mòn đất canh tác, phát thải làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí; bên cạnh đó, còn có nguy cơ gây ra các sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Chính vì thế, Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát đối với hoạt động khai thác khoáng sản, có lộ trình đóng dần các mỏ khai thác than lộ thiên, các nhà máy sản xuất gạch ngói, xi măng gần khu đô thị của tỉnh. Đặc biệt là xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong BVMT, nhất là đối với những trường hợp cố tình gây ô nhiễm và vi phạm nhiều lần nhưng không có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Ý kiến ()