
Thú chơi âm thanh cổ – Hành trình sống cùng ký ức
Một chiều cuối tuần, khi cơn mưa nhè nhẹ đổ xuống thành phố biển Hạ Long, tôi được một người bạn mời đến thưởng thức thứ âm nhạc xưa cũ theo cách rất đặc biệt. Anh bảo: “Nếu anh thích nhạc xưa và cái gì đó hoài niệm, nhất định phải gặp những người chơi giàu đam mê. Họ không chỉ nghe nhạc mà họ còn sống cùng âm thanh”...
Hành trình của đam mê
Người bạn ấy dẫn tôi vào thế giới của “audio vintage”. Anh bảo: “Chơi đồ âm thanh cổ”, cụm từ nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng khi bước vào thế giới ấy, tôi mới hiểu đây không chỉ là chuyện sưu tầm loa thùng, ampli đèn, đầu băng cassette hay đĩa than… mà là cả một hành trình đi tìm lại chất âm xưa - mộc mạc, ấm áp và đầy cảm xúc, điều mà nhiều người cho rằng các thiết bị hiện đại dù đắt tiền cũng không thể tái tạo được.

Điểm hấp dẫn nhất trong thú chơi này không chỉ nằm ở việc sưu tầm những thiết bị cũ kỹ như ampli đèn, loa thùng, đầu đĩa than, băng cassette… mà còn là cả một hành trình đi tìm chất âm mộc mạc, ấm áp, chân thật - điều mà nhiều người cho là ngày càng hiếm trong các thiết bị hiện đại.
Với người chơi, cảm xúc nghe nhạc không nằm ở sự sắc nét hay hoàn hảo kỹ thuật, mà nằm ở độ rung cảm, độ thật của âm thanh - thứ có thể đánh thức ký ức, cảm xúc, và chiều sâu tinh thần. Giới đam mê thường gọi đây là “audio vintage”, “hi-fi cổ”, hoặc nôm na là “chơi đồ cổ có dây điện”. Với người sành sỏi, nó giống như việc phục chế một tác phẩm nghệ thuật - nơi mỗi linh kiện, mỗi chiếc đèn điện tử, mỗi vết trầy xước trên vỏ máy đều có một câu chuyện riêng.
Người đầu tiên tôi gặp là anh Vũ Văn Quảng, nhà ở Đồi Ông Giáp, khu 3, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), người sở hữu nhiều thiết bị lạ và giá trị. Căn nhà nhỏ nhìn ra biển, tầng một được anh dành riêng làm phòng nghe nhạc. Không gian đậm chất xưa với bàn ghế gỗ, ánh đèn vàng, không ti vi màn hình lớn hay loa Bluetooth hiện đại. Thay vào đó là dàn âm thanh cổ, gồm đôi loa JBL 4343B cao gần ngang người, ampli đèn bóng, đầu CD Marc Bili, mâm đĩa than Micro Seiki, đầu băng cối Revox và hàng chục cuộn băng cassette, đĩa CD, đĩa vinyl từ thập niên 60-70. Mỗi thiết bị là một mảnh ghép ký ức.
Anh Quảng cho tôi nghe bản băng cối thu tiếng hát Thái Thanh từ thập niên 70. Âm nhạc thấm dần như mưa nhỏ, không sắc cạnh mà mềm mại, lan tỏa. Anh nói: “Mỗi món trong dàn đều phải chọn đúng đời, đúng series. Lệch chút là chất âm đã khác. Chơi kiểu này không chỉ là tai nghe, mà là tai nhớ”.

Anh chia sẻ: “Nhạc thời chúng tôi được các nhạc sĩ thiên tài sáng tác thành tuyệt phẩm, sống mãi cùng năm tháng. Để phát huy hết độ hay, tinh tế, phải được chơi trên thiết bị thời kỳ đó. Chơi đúng thì tiếng đàn guitar của Lê Hựu Hà sẽ luyến láy khác, giọng ca Khánh Ly sẽ có độ rung, độ ngân mà thiết bị số ngày nay làm phẳng mất”.
Từng bản nhạc, với anh, là một bầu trời ký ức sống lại. Từ trước năm 2000, anh đã bỏ gần 200 triệu đồng để mua bộ loa Mỹ - số tiền lớn hơn cả mảnh đất gia đình đang ở. Khi ấy, giá vàng chỉ 700-800.000 đồng/chỉ. Anh chỉ cười: “Đồ cổ - đâu phải chỉ để nghe. Là để sống cùng nó”.
Tiếp đó, tôi tìm đến ông Phạm Tiến, người được giới chơi gọi là “ông già cối”. Nhà ông trong con ngõ nhỏ đường Cao Thắng như một viện bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ hơn 100 thiết bị âm thanh cổ gồm đầu đĩa than Dual, đầu cối Akai GX, cassette Sony Walkman, loa toàn dải, radio Pháp, máy hát đĩa đá từ thập niên 50… Có thiết bị ông mua từ một buổi chợ trời Sài Gòn, có thiết bị đổi ngang bằng cả chiếc ampli đèn đời mới. Ông Tiến từng là nhạc công guitar phòng trà trước 1975. Có lẽ vì thế, ông có đôi tai nhạy như người thợ âm thanh chuyên nghiệp. “Ngày xưa tụi tôi tập bằng băng cassette. Bây giờ nghe lại, nhớ anh em, nhớ cái sân khấu bụi, nhớ tiếng vỗ tay…” - ông Tiến kể, mắt sáng rực, tay vẫn miết nhẹ lên mặt đĩa than như đang vuốt ve một kỷ vật.
Ông Tiến bật máy, đặt đĩa than Thái Bảo lên mâm. Tiếng nhạc vang lên ấm, mộc, như thể người hát đang đứng trước mặt. Tôi - người chưa từng chơi audio, cũng lặng người. Điều khiến tôi khâm phục là hơn 100 thiết bị ông đều tự tay phục chế. Trong ngăn kéo nhỏ, ông cho tôi xem các dụng cụ gồm đồng hồ đo mạch, tụ điện Nhật, dây loa đồng cổ, cả vài cuộn dây bạc nguyên chất. Có món ông mất 6 tháng chỉ để tìm trục quay thay thế. Có món, ông đổi cả đầu CD mới chỉ vì món cũ đúng đời, đúng chất.

Ngoài băng đĩa, ông còn sưu tập nhiều thiết bị cổ như radio với âm thanh trong, mộc. Dễ thấy trong bộ sưu tập là các thương hiệu loa Denon, Pioneer, Yamaha, Sonic, đầu đọc, ampli Nickman, Kenwood, Sherwood, Victor cùng nhiều đầu băng cối tự hành Akai, Pioneer có tuổi đời từ trước 1975. Mỗi món, ông đều có thể kể lại xuất xứ, năm sản xuất, thậm chí là lịch sử hãng.
Theo các hội viên kỳ cựu của Hạ Long Audio, chơi và sưu tầm âm thanh cổ là thú chơi kén người. Phần lớn là người lớn tuổi hoặc yêu nhạc vàng, nhạc đỏ. Số người trẻ theo đuổi rất ít vì cần kiến thức sâu, sự đam mê với dòng nhạc xưa cũ trước đây.
Vì sao thú chơi này vẫn hấp dẫn? Theo những người đam mê chơi nhạc xưa, chính chất âm analog mộc mạc, ấm áp, đầy cảm xúc là điều lôi cuốn. Nó khác biệt với sự sắc lạnh, công nghiệp của thiết bị hiện đại. Không chỉ là trải nghiệm âm thanh, người chơi tìm thấy chiều sâu văn hóa, dấu ấn cá nhân và niềm vui phục dựng công phu từng món đồ. Mỗi thiết bị không chỉ để nghe mà còn để ngắm, để thưởng lãm, để sống cùng.
Tái tạo ký ức bằng âm thanh
Không hẳn đắt đỏ, nhưng công phu chơi thì rất nhiều. Người chơi phải kiên trì, tỉ mỉ đến mức gần như ám ảnh. Những thiết bị tưởng đã ngủ yên theo thời gian như đầu đĩa than Dual, cassette Sony, băng cối Akai, ampli đèn... đều được săn tìm, hồi sinh bằng đôi tay đam mê.

Anh Quảng từng chạy gần trăm cây số giữa đêm để kịp nghe thử một cặp loa cổ “đúng đời” ở Hải Phòng và quyết định mua ngay. Ông Tiến cũng rong ruổi từ Hà Nội, miền Trung, vào tận Sài Gòn để săn thiết bị. Có lần, ông chờ nửa năm chỉ để mua đầu đĩa than Dual vì có chiếc kim nguyên bản. Có khi, ông về tận Nam Định mang về bộ phát đĩa đá trăm tuổi, chi phí đi lại còn đắt hơn cả thiết bị.
Phía sau mỗi món đồ là cả một nghệ thuật phục dựng phức tạp. “Chơi đồ cổ có dây điện” - như cách nói dí dỏm trong giới, đòi hỏi hiểu biết về âm học, điện tử, thẩm mỹ hoài cổ. Hầu hết thiết bị khi về tay đã xuống cấp như điện trở sai trị số, tụ khô, dây dẫn han gỉ. Người chơi phải tự học, tự làm, từ thay tụ, hàn mạch, chỉnh ampli, cân mâm đĩa, thử loa. “Không đúng trị số, âm sẽ khác. Nghe sẽ biết ngay” - ông Tiến nói.

Anh Quảng, ông Tiến - hai người chơi âm thanh cổ với hai cá tính khác nhau, nhưng cùng đam mê và sự tôn trọng quá khứ. Với họ, thiết bị chỉ là cái cớ. Điều họ tìm kiếm là cảm xúc. Một bản nhạc cũ vang lên trong đêm mưa, tiếng hát Khánh Ly hay Duy Khánh thoảng qua những rì rào nhiễu sóng, ấy là lúc họ chạm vào ký ức, vào một phần đời sống tinh thần đã qua và muốn giữ lại.
Để thiết bị đạt chuẩn, nhiều người còn đầu tư cả hệ thống chống rung, nguồn điện sạch, lọc nhiễu EMI/RFI, thậm chí bố trí lại cả phòng nghe theo tỷ lệ âm học. Ông Tiến còn đầu tư thiết bị điện trị giá hàng trăm triệu đồng để đảm bảo nguồn điện sạch, ổn định – điều tối quan trọng để thiết bị cổ phát huy hết công dụng.
Một điều đặc biệt, ông Tiến còn sưu tầm cả đĩa đá thu âm trước 1954 - những bản hát xẩm, vọng cổ, cải lương quý hiếm. “Nghe cũng phải cẩn thận. Cái kim sai, tốc độ lệch là xước đĩa. Mà đĩa đá thì không thay được đâu…” - ông Tiến vừa nói, vừa đặt đĩa lên mâm. Tiếng hát vang lên, không sắc sảo, không “sạch”, nhưng đầy bụi thời gian, khiến tôi lặng đi. Như thể thứ tôi đang nghe không phải nhạc, mà một lát cắt quá khứ đang sống lại.

“Chơi âm thanh cổ là hành trình đi ngược thời gian - vừa là thú chơi, vừa là cách sống,” ông Tiến nói. Và tôi hiểu vì sao căn phòng chỉ rộng 20m² của ông lại mang sức hút như một viện bảo tàng – không chỉ vì thiết bị, mà vì cả một tâm hồn đang sống cùng âm thanh.
Ý kiến ()