20
18
/
995187
Nỗ lực từng giây, từng phút bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân
longform
Nỗ lực từng giây, từng phút bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân

 

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, với nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là việc thực hiện cách ly toàn xã hội.

Hơn 10 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, số ca mắc mới mỗi ngày giảm, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mới như 237, 243, 251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng.

Tại Quảng Ninh, các y, bác sĩ Bệnh viện số 2 đang điều trị cho 2 ca mắc Covid-19. Trong đó, trường hợp bệnh nhân số 50, kết quả xét nghiệm diễn biến phức tạp, với 7 lần cho kết quả dương tính và 3 lần cho kết quả âm tính.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện về tình hình dịch bệnh hiện nay.

- Ông có thể cho biết những diễn biến mới về tình hình dịch Covid-19?

+ Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có bất cứ dấu hiệu suy giảm.

Tại Việt Nam, sáng 11/4, không ghi nhận ca mắc mới. Trong tổng số 257 trường hợp mắc Covid-19 của nước ta đến nay, có 159 người từ nước ngoài chiếm 61,9%; 98 người lây nhiễm thứ phát. Tổng số ca được chữa khỏi/ra viện tại nước ta là 144/257 ca, chiếm đến 56% tổng số ca bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện có 2 ca bệnh mắc Covid-19 được cách ly điều trị tại Bệnh viện số 2 là bệnh nhân số 50 và bệnh nhân số 149. Ngoài ra, toàn tỉnh có 86 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế; 665 người được cách ly tại các khu cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế. Đến nay, đã có 4.114 trường hợp hết cách ly trên toàn tỉnh.

Trên thế giới, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, đã có 211 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc. Trong đó, Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới với 502.049 người nhiễm. Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại nước này đã lên 18.719 người, gần bằng số ca tử vong của Ý.

Ý là nước có số người chết cao nhất với 18.849 người trong số 147.577 ca nhiễm. Châu Âu vẫn đang là châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất với hơn 70.200 người thiệt mạng.

Đáng báo động khi mới đây, các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhất là các công bố của các nhà khoa học Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy rằng, có những trường hợp bệnh nhân Covid-19 điều trị thành công, xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng khi về cộng đồng một thời gian khi xét nghiệm sàng lọc lại “tái dương tính” với SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam cũng có một số trường hợp có xét nghiệm dương tính sau khi đã có kết quả âm tính.

- Tỉnh Quảng Ninh hiện có 2 bệnh nhân đang điều trị Covid-19, ông có thể cho biết tình trạng cụ thể của các bệnh nhân hiện nay?

+ Quảng Ninh, hiện có 2 ca bệnh mắc Covid-19 được cách ly điều trị tại Bệnh viện số 2 là bệnh nhân số 50 và 149.

Đối với bệnh nhân số 50 mắc Covid-19 có kết quả xét nghiệm phức tạp. Từ ngày 13/3, bệnh nhân bắt đầu điều trị đến nay chúng tôi đã thực hiện 10 lần xét nghiệm, trong đó 7 lần cho kết quả dương tính và 3 lần cho kết quả âm tính.

Cụ thể, kết quả dương tính 3 lần đầu vào các ngày 13/3, 18/3, 23/3; tiếp đó, kết quả âm tính 2 lần vào các ngày 26/3, 28/3; rồi lại dương tính 3 lần vào ngày 30/3, 2/4, 5/4; gần đây, kết quả âm tính vào ngày 8/4, nhưng ngay sau đó lại dương tính vào ngày 10/4/2020.

Tương tự, bệnh nhân 149, sau 13 ngày điều trị, đến chiều 5/4 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, nhưng đến 8/4 lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại, 2 bệnh nhân không đau rát họng, không ho, không sốt, không khó thở, không đau ngực, các chỉ số sinh tồn ổn định; X-quang không thấy hình ảnh tổn thương phổi. Các bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện số 2.

Covid-19 là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chúng tôi hiện đang áp dụng biện pháp điều trị là nâng cao thể trạng của người bệnh, tăng cường hệ miễn dịch để chống lại Covid-19, nếu hệ miễn dịch kém đi, thể trạng kém đi thì virus có thể lại bùng lên.

Chúng tôi công bố tình trạng của các bệnh nhân để người dân hiểu thêm về sự nguy hiểm khó lường của virus SARS-CoV-2, nếu chủ quan sẽ khó khăn trong dập dịch.

 

 

-  Có thể thấy mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, vậy, ngành Y tế đã có những giải pháp như thế nào nhằm chống lây nhiễm để bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện số 2.

+ Từ ngày 1/2/2020, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Bệnh viện số 2, đặt tại tòa nhà B của Bệnh viện Phổi (TP Hạ Long). Ngay lúc này, chúng tôi đã lựa chọn 60 y, bác sĩ, là những nhân lực y tế tinh nhuệ nhất của tỉnh ngày đêm chuẩn bị, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị y tế và đưa Bệnh viện số 2 vào hoạt động chỉ trong vòng 3 ngày.

Xác định đây là loại virus cực kỳ nguy hiểm, dễ lây lan, do đó khi bố trí, cải tạo cơ sở vật chất Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân mắc/nghi mắc Covid-19, chúng tôi đã tỉ mỉ sắp xếp từng vị trí, dây chuyền hoạt động, phân khu vực, phân luồng điều trị, các khu vực phụ trợ theo đúng quy định, tránh lây nhiễm chéo. Chuẩn bị đầy đủ, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ cho phòng, chống dịch, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế.

Có thể nói trong ngành y, ở bất cứ vị trí công tác nào thì công tác phòng, chống nhiễm khuẩn luôn được nhân viên y tế đặt lên hàng đầu. Mặc dù vậy, với tính chất nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ, y, bác sĩ phải nghiêm túc tham gia tập huấn để thực hiện thuần thục các biện pháp phòng hộ cá nhân để kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm. Đồng thời tìm hiểu chi tiết các kỹ thuật xâm lấn có nguy cơ cao gây phát tán mầm bệnh ra môi trường để từ đó phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

Song song với đó, các y, bác sĩ cập nhật kiến thức chuyên môn mới nhất trong điều trị bệnh Covid-19.

- Có những y, bác sĩ không được đón con chào đời, có người mấy tháng nay chưa về nhà, có người 15 tiếng trong phòng xét nghiệm, hay người thân ốm mà không thể về chăm sóc vì đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

+ Hơn 1 tháng thực hiện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, 60 cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện số 2 đã không quản khó khăn, hiểm nguy đến tính mạng, ngày đêm chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Họ ăn, ở, sinh hoạt tại bệnh viện liên tục từ 15-21 ngày/đợt. Có những y, bác sĩ tiếp tục xung phong kéo dài thời gian làm việc, hay trong thời gian thực nhiệm vụ có những bác sĩ không được đón con chào đời, người thân ốm mà không thể về chăm sóc... Họ đã hi sinh tất cả nhu cầu của bản thân để cùng tập trung vào việc điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân.

Không riêng ở Bệnh viện số 2, trong hơn 3 tháng vừa qua, mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y tế đều sẵn sàng lăn xả với công việc.

Toàn ngành y tế đang phải căng mình trên tất cả mọi mặt lĩnh vực, huy động tối đa nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, nhân lực... Mục tiêu cuối cùng là chủ động phòng không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Để chia sẻ, động viên cán bộ, nhân viên y tế, chúng tôi cũng thường xuyên hỏi thăm, động viên tinh thần để các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục "chiến đấu" với Covid-19.

Chúng tôi cũng bố trí nhân lực làm việc luân phiên và làm việc theo ca, kíp nhằm hạn chế tối thiểu số lượng người tiếp xúc với các ca bệnh. Đồng thời quan tâm, bố trí vị trí nghỉ ngơi, khu vực ăn uống, cung cấp suất ăn đủ dinh dưỡng, nhu yếu phẩm cho nhân viên y tế trong đợt làm việc luân phiên (15-21 ngày/đợt); thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ cho các nhân viên y tế thực hiện phòng, chống dịch.

Thấu hiểu với những khó khăn, hy sinh của y, bác sĩ, những ngày qua, biết bao tấm lòng, sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã gửi tới các y, bác sĩ của Quảng Ninh thông qua những món quà ý nghĩa, kịp thời. Qua đó, chúng tôi cảm thấy vui hơn, phấn chấn hơn, được ghi nhận hơn khi có những sự cảm thông, ghi nhận của cộng đồng.

- Với mức độ phức tạp trong công tác điều trị cũng như gần đây một số các mắc như 237, 243, 251 được xác định là phức tạp khi không xác định được nguồn lây, mất dấu F0. Trước thực tế này, việc phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch được ngành Y tế vào cuộc như thế nào, thưa ông?

+ Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi tiếp tục kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu là: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.

Đặc biệt trong giai đoạn này, ngành Y tế chú trọng đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, khi phát hiện coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0), tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2.

Để giải quyết được vấn đề này, chính quyền các cấp đã vào cuộc rất quyết liệt, tuy nhiên cần tinh thần tự giác, sự hỗ trợ và phối hợp từ phía người dân. Tại Quảng Ninh, chúng ta có thể nhận định trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, toàn thể người dân đã vào cuộc rất quyết liệt, nắm bắt địa bàn, quản lý nhân khẩu. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp truy vết trường hợp F0 và các trường hợp có liên quan luôn được đặc biệt quan tâm.

Nhất là trong những ngày qua khi cảnh báo từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai có thể xâm nhiễm vào rất nhiều tỉnh, thành do số lượng người đến khám, điều trị, thăm thân tại Bệnh viện quá lớn, y tế Quảng Ninh đã nhanh chóng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã thực hiện được việc khoanh vùng, sàng lọc y tế 1.089 người có liên quan đến việc khám, chữa bệnh, thăm thân tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó: 1.014 người đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19.

Để phát hiện sớm nguồn lây, kịp thời bao vây, khoanh vùng và dập dịch, ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tật nâng công suất xét nghiệm từ 100 mẫu/ngày lên 600 mẫu/ngày; có thể lên tới 1.200 mẫu/ngày. Đồng thời đang triển khai mở rộng thêm 4 cơ sở xét nghiệm Covid-19 SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real Time-PCR tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi và Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Đồng thời tăng cường công tác giám sát, điều tra dịch tễ, như thông báo số điện thoại thường trực 24/7 tiếp nhận các cuộc gọi khai báo, tư vấn, hỗ trợ phòng, chống Covid-19 của người dân trên địa bàn.

Chủ động rà soát, lập danh sách (họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, và thông tin dịch tễ) những người đến khai báo tại các cơ sở y tế hoặc từ ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 sớm nhất có thể với tất cả các trường hợp có đến/ở/đi về từ các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội, từ các ổ dịch trong nước từ 10/3/2020, kể cả những trường hợp không khai nhận có yếu tố dịch tễ nhưng có các biểu hiện bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm (ưu tiên lấy mẫu trước với đối tượng người cao tuổi, người có biểu hiện nghi mắc Covid-19, người có yếu tố dịch tễ).

- Mặc dù chúng ta đang làm tốt công tác cách ly xã hội, sàng lọc y tế... nhưng cũng phải chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ bên ngoài. Vậy, ngành Y tế Quảng Ninh đã có những định hướng, giải pháp, kịch bản mới gì, thưa ông?

+ Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đã xây dựng 5 cấp độ dịch bệnh.

Hiện, Quảng Ninh đang triển khai cấp độ 2 và cấp độ 3, đó là: Khi có ca bệnh xâm nhập; hoặc có các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với trường hợp dương tính mà chưa được kiểm soát, cách ly; hoặc có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đến dưới 50 trường hợp mắc.

Chúng tôi thực hiện song song cả cấp độ 2 và cấp độ 3, vì thực tế dịch bệnh diễn biến có tính chất phức tạp, đan xen giữa các cấp độ nên nguyên tắc là phải chuẩn bị ở cấp độ cao nhất có thể để đáp ứng ở cấp độ thấp hơn.

Giai đoạn này đã có ca bệnh xác định, do vậy các cơ sở y tế thực hiện công tác giám sát, phân luồng, phân loại tất cả người ra/vào cơ sở, hạn chế bệnh nhân điều trị nội trú; quản lý, theo dõi sức khỏe toàn bộ nhân viên y tế và người làm việc trong cơ sở, thực hiện giãn cách an toàn, trong cung cấp dịch vụ và hoạt động của bệnh viện không để tập trung đông người. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm.

Ở mức độ cao hơn, Bệnh viện số 1 và 2 có thể ngay lập tức mở rộng công suất thu dung lên 1.000 giường bệnh, với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Thực hiện sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp là ca bệnh xác định mức độ nhẹ, trung bình.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Sản Nhi Quảng Ninh đã sẵn sàng với 350 giường bệnh, đầy đủ trang thiết bị y tế.

Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh thành lập Bệnh viện số 3 tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long với quy mô 350 giường bệnh. Thực hiện nhiệm vụ sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp là ca bệnh xác định mức độ nhẹ, trung bình, ca bệnh nghi ngờ, đối tượng F1; các đối tượng đang cách ly ngoài cơ sở y tế (F2, F3) nhưng có bệnh lý khác cần điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi bổ sung nhiệm vụ sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh xác định mức độ nặng cần điều trị chuyên khoa, điều trị tích cực, can thiệp phẫu thuật, thủ thuật trên địa bàn tỉnh.

Còn Bệnh viện Sản Nhi bổ sung nhiệm vụ sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh xác định là trẻ em, phụ nữ mang thai.

Mặc dù dịch bệnh chưa lan rộng, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng nguồn nhân lực từ y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, sinh viên, giáo viên Trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh đã đăng ký tình nguyện tham gia công tác khám chữa bệnh cho các đơn vị.

 

- Hiện chúng ta đã đi được hơn một nửa thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên hiện có tư tưởng chủ quan trong nhân dân, vậy ông có những khuyến cáo gì?

+ Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1 đến 15/4/2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc mới mỗi ngày tại Việt Nam giảm dần, có thời điểm, số ca được công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca mắc mới. Tại Quảng Ninh chưa ghi nhận ca mắc mới và lây lan thứ phát trong cộng đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là Việt Nam đã có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, một số bệnh nhân mới như BN237, BN243, BN251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng. Một số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện sau 1-2 lần xét nghiệm âm tính, lại có kết quả dương tính, điều đó cho thấy diễn biến dịch còn đang rất phức tạp, khó lường. Nhưng một số người dân đã có tư tưởng chủ quan, thực hiện không nghiêm chỉ đạo giãn cách xã hội của Chính phủ.

Trước các diễn biến rất khó lường của dịch bệnh và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu, để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng, bảo vệ thành quả phòng, chống dịch bệnh mà toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực chung tay tạo dựng được trong suốt thời gian vừa qua, ngành Y tế Quảng Ninh khuyến cáo mọi người dân phải tiếp tục thực hiện tốt, nghiêm túc cách ly toàn xã hội, nghiêm chỉnh và quyết liệt.

Đặc biệt là tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện nghiêm túc, tự giác các quy định của Chính phủ, tỉnh và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Trình bày:
Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu