20
18
/
994482
Những 'thiên thần' luôn luôn là F1
longform
Những 'thiên thần' luôn luôn là F1

 

“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ bà con, chỉ mong sao bà con mạnh khỏe, kiên cường để chiến thắng dịch bệnh”. Đó chính là những chia sẻ chân tình, giản dị của y, bác sĩ làm việc tại các khu cách ly chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi có dịp được trò chuyện.

Tại đó, họ chính là những “thiên thần áo trắng”, là những “chiến sĩ” chống lại dịch bệnh. Nhưng họ không coi công việc của mình là sự hy sinh, không cần những phần thưởng. Với họ, mong ước lớn nhất và duy nhất chính là người bệnh được chữa khỏi, dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt.

 

Những ngày này, không khí làm việc tại Bệnh viện số 2 diễn ra hết sức khẩn trương và nghiêm túc.

Bắt đầu một ngày mới với việc thăm khám sức khỏe các bệnh nhân, thời gian của bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, 59 tuổi, Giám đốc Bệnh viện số 2, dường như trôi chậm hơn những ngày bình thường. Không còn những ca mổ cấp cứu, cuộc họp đột xuất hay trực thâu đêm trong vai trò của Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bác sĩ Hùng cùng các y, bác sĩ tại Bệnh viện số 2 mang trong mình trọng trách mới.

Từ ngày 1/2/2020, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Bệnh viện số 2, đặt tại tòa nhà B của Bệnh viện Phổi (TP Hạ Long) do bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng làm Giám đốc. Gần 60 y, bác sĩ được tăng cường làm nhiệm vụ là những nhân lực y tế tinh nhuệ nhất của tỉnh. Họ đã ngày đêm chuẩn bị, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị y tế và đưa Bệnh viện số 2 vào hoạt động chỉ trong vòng 3 ngày.

Vừa hoàn tất việc tập huấn, cập nhật quy trình theo dõi, điều trị, phòng bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ, ngày 7/3/2020, trực tiếp bác sĩ Hùng cùng một số nhân viên y tế tại Bệnh viện số 2 đã khám sàng lọc sức khỏe và đưa 4 người nước ngoài mắc Covid-19 khi đến Quảng Ninh chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Tất cả nhân viên y tế có tiếp xúc gần với 4 người nước ngoài này đều trở thành F1.

Sau khi được cách ly và có kết quả âm tính, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp lại tất bật hơn bao giờ hết khi trực tiếp cách ly, điều trị cho ca mắc Covid-19 số 50 tại Bệnh viện số 2; đồng thời, tiếp nhận theo dõi sức khỏe, cách ly cho hàng chục trường hợp có yếu tố dịch tễ thuộc diện cách ly tại cơ sở y tế.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, kể lại: Cháu N.T.T.T - bệnh nhân số 50 là ca đầu tiên của tỉnh mắc Covid-19 khi đi du học từ Anh trở về. Do chưa hiểu hết bệnh tình cùng với việc lo lắng cho người thân nên tâm lý bệnh nhân cũng có chút buồn bã. Thời điểm đó, từ lãnh đạo Bệnh viện cho đến các bác sĩ, điều dưỡng vừa phải làm công tác điều trị vừa làm công tác tư tưởng rất nhiều cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Chỉ đến ngày thứ 2, khi tâm lý bệnh nhân ổn định, yên tâm cách ly, điều trị, các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm, bớt được phần nào sự căng thẳng trong lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên này.

Hơn một tháng trên cương vị mới là Giám đốc Bệnh viện số 2 cũng là khoảng thời gian bác sĩ Hùng không được về nhà bên người thân, để đề phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Gần đây, đi cùng đội thiện nguyện của TP Hạ Long đến Bệnh viện số 2 tặng quà động viên y, bác sĩ, vợ bác sĩ Hùng đã có giây phút gặp mặt chồng từ khoảng cách hàng chục mét ở ngoài cổng Bệnh viện số 2. Trước khi phải chào tạm biệt, vợ bác sĩ Hùng cũng chỉ kịp động viên ông yên tâm điều trị cho bệnh nhân bởi “ngoài này đã có em và các con lo”.

Đó là những lời nhắn gửi hết sức cảm động của bác sĩ Nguyễn Đức Đợi gửi tới con gái mới sinh của mình.

Cũng để đề phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Đức Đợi, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi, đã quyết định ở lại thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện số 2, bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng khi con thứ 2 chào đời vào ngày 19/3. Thời gian tới, anh cũng chưa thể về thăm vợ và con.

Là bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu đồng thời là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện, ngay từ những ngày đầu tiên phòng chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Đức Đợi đã đi đầu nhận nhiệm vụ trực tiếp khám sàng lọc, điều trị, theo dõi cho những bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc Covid-19 tại Bệnh viện số 2.

Khi được hỏi thêm về hoàn cảnh của mình, bác sĩ Đợi nói: “Khi nhận nhiệm vụ, tôi hay bất cứ y, bác sĩ nào trong Bệnh viện không ai đưa ra bất cứ hoàn cảnh, lý do nào cả! Bởi ai cũng hiểu, mình là bác sĩ, nếu mình không tham gia chống dịch, mình đưa ra hoàn cảnh gia đình thì ai là người chống dịch? Hơn lúc nào hết, những y, bác sĩ chúng tôi phải chăm lo, tư vấn, động viên và điều trị cho người bệnh cẩn thận, kỹ lưỡng nhất để mọi người có thể an tâm trong thời điểm này”.

Bác sĩ Đợi cũng cho rằng, việc anh chưa thể về thăm vợ con chẳng đáng gì so với việc cả nước cùng nỗ lực chung tay chống dịch Covid-19 và còn biết bao người vì việc chung mà biền biệt xa gia đình.

“Tôi không về hôm nay thì ngày mai hoặc ngày kia. Không được gặp con ngày tròn tháng thì có thể lúc con chập chững biết đi. Tôi sẽ đợi vì tôi tên là… Đợi mà” - anh tếu táo.

Phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ khẩn cấp, đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Họ đều chia sẻ niềm tự hào tham gia tuyến đầu cuộc chiến chống Covid-19, không quản ngại khó khăn, thậm chí có nguy cơ lây nhiễm cao để cứu bệnh nhân, cùng xã hội chung tay dập tắt dịch bệnh.

Tại thời điểm này, Bệnh viện số 2 đang cách ly, điều trị 2 ca mắc Covid-19 và cách ly cho khoảng 20 người có yếu tố dịch tễ và triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sốt, chảy mũi, đau họng...). Tất cả các trường hợp này đều có sức khỏe ổn định.

Nhằm phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, Bệnh viện số 2 được bố trí từng tầng riêng biệt, như khu cách ly đặc biệt, khu cách ly, khu cách ly chờ xuất viện, phòng đệm...

Trong đó, khu cách ly đặc biệt là nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. 8 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý được phân công làm việc tại đây. Mặc dù tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nhưng "mệnh lệnh của trái tim" không cho phép các y, bác sĩ sợ hãi. Thay vào đó là tâm thế sẵn sàng thực hiện phác đồ điều trị cho bệnh nhân, chủ động trong mọi tình huống.

Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo, 30 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi, đã tự nguyện nhận nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt.

Bác sĩ Thảo bộc bạch: Vì đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng như các đồng nghiệp nhanh chóng vào vị trí, bình tĩnh điều trị cho người bệnh.

Cũng có những người bạn, người quen, khi biết Thảo làm việc tại đây đã nhắn tin hỏi rằng, có sợ hãi khi làm việc ở đây không?

“Là một cán bộ trong ngành Y tế, nếu mình không đi đầu trong công tác chống dịch, cứu chữa cho những người bị mắc bệnh thì còn ai có thể thay thế để làm nhiệm vụ cao cả này”, đó chính là câu trả lời của Thảo cũng như các y, bác sĩ làm việc tại khu cách ly đặc biệt.

Cùng làm việc tại khu cách ly đặc biệt, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy, 32 tuổi, Khoa Lao Phổi-Lao kháng thuốc, Bệnh viện Phổi, cùng các đồng nghiệp vài lần vấp ngã đau do chưa quen với mặc trang phục bảo hộ. Bởi mặc đồ bảo hộ rất nóng, mồ hôi túa ra, hơi nước đọng lại ở kính nên không thể thấy đường đi. Hay khi trực tiếp lấy bệnh phẩm ở họng, mũi, những phản xạ như ho, hắt hơi của người bệnh cũng là mối nguy hiểm đối với nhân viên y tế.

“Càng trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi càng gắn bó, đoàn kết chặt chẽ, tích cực hỗ trợ nhau. Với tinh thần ấy, các y, bác sĩ càng cảm thấy trách nhiệm và ý nghĩa lớn lao mình đang thực hiện. Từ đó, thêm vững tin, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao” - Điều dưỡng Thủy chia sẻ.

Chị Thủy có 2 con trai, cháu lớn học lớp 2 và con nhỏ 4 tuổi. Chồng chị là công nhân hầm lò ở Công ty Than Hòn Gai thường xuyên đi làm theo ca nên anh chị đã nhờ bà nội trông con giúp. Chị Thủy cho biết: Xác định công tác chống dịch lâu dài nên tôi đã thông báo đến gia đình và cố gắng sắp xếp mọi việc chu toàn. May mắn lớn nhất với những y, bác sĩ như chúng tôi chính là nhận được sự ủng hộ, động viên của gia đình để mình tự tin, mạnh mẽ dành toàn tâm cho công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch.

Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Văn Kiên, chồng chị Nguyễn Thị Thu Thủy, kể: Ngay giữa tháng 2, không kể ngày cuối tuần, ngày lễ, vợ tôi phải 8-9 giờ tối mới đi làm về, để chuẩn bị cho Bệnh viện số 2 đi vào hoạt động. Đúng ngày 8/3, cô ấy bắt đầu vào làm việc tại khu cách ly đặc biệt.

 

Tròn 1 tháng, bố con anh Kiên kìm nén nỗi nhớ thương và lo lắng khi lần đầu tiên chị Thủy xa gia đình lâu đến thế. Mỗi lần gọi điện thoại về cho gia đình, chị và các con lại rưng rưng vì cả mẹ và con đều rất nhớ nhau. Nhưng anh Kiên quả quyết: “Khi vợ tôi nói rằng, cô ấy tình nguyện tiếp tục làm việc ở khu cách ly đặc biệt, tôi và gia đình đều đồng tình ủng hộ”.

Theo bác sĩ Hoàng Trọng Giang, Giám đốc Bệnh viện Phổi, hiện Bệnh viện bố trí khoảng 100 nhân viên y tế làm việc ở vòng trong và vòng ngoài của Bệnh viện số 2. Tất cả các y, bác sĩ đã và đang làm việc không kể ngày đêm, ngày lễ và ngay cả ngày kỷ niệm của ngành cũng đành gác lại, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ và chấp nhận xa gia đình để chống dịch.

Với tâm lý không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng, mỗi ngày làm việc đều học và hiểu hơn về Covid-19, các y bác sĩ ở Bệnh viện số 2 đang cố gắng hết sức để chăm sóc, động viên, điều trị cho người bệnh, để mọi người dân cùng an tâm và “đứng yên” với thông điệp: "Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng tôi"...

Nguyễn Hoa - Hoàng Quỳnh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu