20
18
/
994697
Mùa Phục sinh đặc biệt của giáo dân Quảng Ninh
longform
Mùa Phục sinh đặc biệt của giáo dân Quảng Ninh

 

cover-01-01.jpg
 

Quảng Ninh đang cùng với cả nước trải qua những ngày thực hiện nghiêm ngặt giãn cách toàn xã hội để kiềm chế, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Giai đoạn này lại trùng với thời điểm Lễ Phục sinh - một trong những thánh lễ quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào công giáo.

Tuy nhiên, với tinh thần đồng hành cùng dân tộc, sống “Tốt đời đẹp đạo”, các tôn giáo đều rất sớm quán triệt sâu rộng đến từng cơ sở tôn giáo, từng tín đồ về việc tạm dừng hoặc đơn giản hóa trong tất cả các sinh hoạt; đảm bảo tuân thủ đúng các biện pháp, quy định phòng, chống dịch đã được khuyến nghị thực hiện trong toàn dân.

 

anh 1-01.jpg
 

Bà Nguyễn Thị Chín, giáo dân ở phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, nhiều năm liền là thành viên trong ca đoàn tại nhà thờ Giáo xứ Cẩm Phả. Trong hầu hết các hoạt động của giáo xứ, từ thánh lễ lớn đến việc ma chay, cưới hỏi,... bà Chín đều cố gắng để tham gia đầy đủ. Đối với dịp chuẩn bị cho Lễ Phục sinh hằng năm, bà vẫn quen với không khí sôi nổi tập hát thánh ca, rồi tham gia chuẩn bị tươm tất cho các nghi lễ truyền thống.

Còn năm nay, dù đã sắp qua hết Mùa Chay kéo dài 40 ngày, Lễ Phục sinh cũng đến rất gần, gia đình bà Chín vẫn ở nhà theo đúng quy định về giãn cách toàn xã hội. Tuy vậy, bà vẫn có thể tham dự đầy đủ các buổi thánh lễ được cử hành trực tuyến thông qua ti vi và điện thoại thông minh.

Thói quen này được bà và các tín đồ công giáo khác của Giáo xứ Cẩm Phả hình thành và duy trì từ khi dịch Covid-19 chuyển biến phức tạp. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh chỉ đạo về biện pháp hạn chế tụ tập đông người trong tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao.

Trong hoàn cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 hoành hành, bà Chín hiểu rõ điều cần thiết phải làm lúc này là: Nên ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... Đây là cách để bà bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, giữ an toàn cho chính gia đình mình và cả cộng đồng.

Để bảo vệ sức khỏe của gần 4.000 giáo dân trên địa bàn cũng như toàn cộng đồng, từ nhiều tuần nay, nhà thờ Giáo xứ Cẩm Phả đã đóng cửa, dừng tất cả các thánh lễ, cầu nguyện chung đông người, kể cả những buổi lễ trọng. Cuối tuần ở nhà thờ cũng trở nên vắng lặng, không còn đón hàng trăm tín đồ đến tham quan và dự lễ như trước.

Đặc biệt, các hình thức sinh hoạt tôn giáo, giảng lễ, thuyết pháp... đều được chuyển sang hình thức trực tuyến qua internet để mọi cá nhân trong cộng đoàn thuận tiện theo dõi từ nhà riêng. Trong quá trình buổi lễ diễn ra tại nhà thờ, máy quay được đặt cố định trong hội trường, ghi hình toàn cảnh cha xứ làm lễ và phát online trên website của giáo phận, livestream trên fanpage của giáo xứ.

Các buổi thánh lễ được áp dụng công nghệ trực tuyến nhằm hạn chế người đến thánh đường và tiện ích cho các giáo dân trong sinh hoạt tôn giáo. Nhờ đó đã góp phần giảm thiểu tối đa sự tập trung đông người, phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn về lây lan dịch bệnh. Dù trong thời gian đầu áp dụng, nhiều giáo dân vẫn có chút lúng túng, cảm thấy như không được an tâm khi không được dự lễ trực tiếp, nhưng nhờ có sự tuyên truyền, trấn an, hướng dẫn kịp thời từ cha xứ, bà con đã chóng hưởng ứng, ủng hộ.

 

anh-2-01.jpg
 

Với quyết tâm cao độ trong phòng, chống dịch Covid-19, toàn bộ các giáo xứ, giáo họ khác trong toàn tỉnh như Giáo xứ Yên Trì (TX Quảng Yên), Giáo xứ Hòn Gai (TP Hạ Long)... đều đã thực hiện rất kịp thời, nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế đi lại, tránh tụ tập đông người. Theo đó, toàn bộ các nhà thờ đều tạm dừng đón tiếp giáo dân đến làm lễ, hoãn cuộc tập huấn giáo lý, hành hương; tiến hành tổng vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, bàn ghế, dụng cụ... Các lễ cưới được khuyên nên hoãn lại đến thời điểm an toàn hơn. Tang lễ chỉ được cử hành với sự tham gia của số rất ít người thân trong gia đình.

Ông Đinh Văn Xuân, Chính trương Giáo xứ Yên Trì (TX Quảng Yên) cho biết, các giáo dân được khuyến khích nên thực hiện đọc kinh, cầu nguyện riêng tại gia đình và tham dự thánh lễ được giáo xứ phát trực tuyến trên mạng xã hội. Trong các dịp thật cần thiết phải đi lại, gặp gỡ thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Đến thời điểm hiện tại, toàn giáo xứ không có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 và không có người phải cách ly do có yếu tố dịch tễ.

Toàn bộ những quy định, hướng dẫn này được các linh mục, tu sĩ, tín đồ Công giáo duy trì thực hiện nghiêm, từ khi bắt đầu có thông tin về dịch Covid-19 cho đến nay là mùa Lễ Phục sinh - theo truyền thống có rất nhiều các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được tổ chức trong suốt nhiều tuần. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, tinh thần “Mỗi người dân là "chiến sĩ", mỗi gia đình là "pháo đài" chống dịch” càng được đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, đồng thuận.

Theo ông Đinh Quang Trung, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, hiện nay dù có những khó khăn nhất định do đợt cao điểm chống dịch vào đúng mùa Lễ Phục sinh, đồng bào Công giáo vẫn đang thực hiện rất nghiêm túc theo đúng hướng dẫn từ Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, phục vụ sinh hoạt tôn giáo từ xa.

Không chỉ tự chấp hành tốt các quy định, nhiều giáo dân còn tích cực tham gia hoạt động phòng, chống dịch tại khu dân cư nơi cư trú. Đây không chỉ là tinh thần “thượng tôn pháp luật”, mà còn xuất phát từ tình đoàn kết, chung sức cùng cả xã hội chống lại dịch bệnh của mỗi công dân. Trước bài học nhãn tiền của EU khi toàn bộ các Thánh lễ phải hủy bỏ vì dịch bệnh bùng phát, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã rất chủ động nắm bắt thông tin và tích cực chung tay ứng phó với đại dịch là việc làm hết sức quan trọng được ưu tiên hàng đầu.

Ngày 2/4 vừa qua, Tòa Giám mục Hải Phòng đã gửi thông báo đến tất cả các chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở thờ tự linh trong Giáo phận về việc cử hành Tuần thánh và Đại lễ Phục sinh. Qua đó nhằm kịp thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện quy định chung; vừa giúp cho đồng bào Công giáo thêm yên lòng khi phải trải qua những buổi thánh lễ đặc biệt trong mùa Covid-19.

Hướng dẫn chung được Tòa Giám mục đưa ra: Mỗi giáo dân đều là người công dân trong xã hội, đều có bổn phận cộng tác để giúp cho bản thân và cộng đồng phòng tránh dịch bệnh. Các lễ nghi ở nhà thờ nên ngắn gọn, hoãn hẳn những buổi kiệu rước. Toàn bộ các nghi thức và thánh lễ đều được cử hành với rất ít người tham dự. Các thánh lễ được truyền hình trực tuyến để các giáo dân theo dõi tại nhà riêng.

Cũng ngay sau Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg và UBND tỉnh có Điện khẩn số 05/ĐK-UBND về việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn phức tạp, cao điểm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cũng lập tức có công văn gửi tới toàn bộ các Ban Đoàn kết Công giáo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách trong giai đoạn này được xác định là có sự phối hợp chặt chẽ giữa cha xứ, Ban Hành giáo các giáo xứ, giáo họ, chính quyền và MTTQ các địa phương để vận động giáo dân thực hiện nghiêm giãn cách toàn xã hội cùng các quy định, hướng dẫn khác liên quan. Kiên quyết không để các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo trở thành nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm Covid-19.

Các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn Quảng Ninh đều thông báo rất kịp thời các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới tới giáo dân. Đặc biệt là trong công tác khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe kịp thời, chủ động khai báo khi có người thân từ nước ngoài trở về, chấp hành yêu cầu cách ly 14 ngày nếu cần thiết theo yêu cầu.

Qua các thánh lễ, bài giảng online, vẫn luôn có những lời cầu nguyện cho đất nước, thế giới sớm đẩy lùi được Covid-19. Đặc biệt là những lời chúc gửi tới các y, bác sĩ, những người lính quả cảm nơi tuyến đầu sẽ luôn được bình an, khỏe mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình này, các chức sắc tôn giáo tiếp tục tuyên truyền tới giáo dân cần ý thức tự giác, không tự ý chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh trên mạng internet, tránh gây hoang mang trong cộng đồng. Đồng thời tùy theo điều kiện để tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại nơi cư trú. Như việc quyên góp tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ người yếu thế; trao tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, kịp thời động viên cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch...

Nhiều đảng viên là người công giáo được tín nhiệm giữ những chức vụ trong cấp uỷ, chính quyền, HĐND địa phương, cán bộ ở khu phố, tổ dân... đều rất tích cực nêu gương trong tham gia công tác xã hội.

Thực tế cho thấy, việc tập trung cầu nguyện tiềm ẩn nguy cơ lây lan Covid-19 rất lớn. Điển hình như vụ việc gần 16.000 tín đồ Hồi giáo dự một sự kiện tại nhà thờ tại vùng ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đầu tháng 3/2020, đã khiến nơi đây trở thành một "ổ phát tán" bệnh với hàng trăm ca nhiễm. Hay như tại Hàn Quốc, dù có một kế hoạch chống dịch rất kỹ càng, chu đáo, nhưng hoạt động hành lễ đông người của giáo phái Tân Thiên Địa cũng đã khiến dịch bùng phát rất nhanh...

Do đó, càng thêm khẳng định tinh thần đoàn kết cộng đồng các tín đồ, giáo dân của tỉnh để chung tay, góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Đây cũng chính là phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Người Công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt” đã được phát huy rất tốt trong thời gian qua.

Hoàng Giang

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu