20
18
/
998313
"Kỷ luật và Đồng tâm" mãi là giá trị tinh thần vô giá
longform
"Kỷ luật và Đồng tâm" mãi là giá trị tinh thần vô giá

 

 


Văn hóa công nhân mỏ, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được các nhà nghiên cứu xác định là một trong hai thành tố hợp thành của văn hóa Quảng Ninh. Ngược dòng lịch sử, đó là một hành trình kéo dài với khởi đầu chính là cuộc Tổng bãi công vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ, đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm, không đánh đập người lao động…

Cuộc bãi công bắt đầu từ Cẩm Phả rồi lan rộng ra phạm vi toàn khu mỏ với khẩu hiệu đấu tranh cách mạch “Kỷ luật và đồng tâm, ta nhất định thắng”. Báo Le Travail ngày 27/11/1936 đã ca ngợi: “Họ đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết vô sản một cách vô cùng tốt đẹp. Họ đã nấu chung bữa cháo cuối cùng với những nắm gạo cuối cùng và thề sẽ đấu tranh quyết liệt…".

Cuộc sống nô lệ, lầm than, khổ cực thời kỳ tiền khởi nghĩa của những người phu mỏ là một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Thời kỳ đó, ở các vùng nông thôn Việt Nam, sự nghèo đói gần như đồng nghĩa với cái chết. Cuộc ra đi của những người phu mỏ như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm: Hoặc là đi, hoặc ở nhà chết đói. Sự lựa chọn mạo hiểm đó đã thể hiện họ là những con người đầy mạnh mẽ, quyết đoán, dám bứt phá, dám thoát khỏi nếp suy nghĩ thường ngày. Trong vụ đánh cược với số phận này, những người phu mỏ để sinh tồn không còn cách nào khác là phải sát cánh bên nhau. Từ đó mà hình thành sự gắn bó, liên hệ, chia sẻ, đây cũng là tiền đề cho sự hình thành truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, là nét văn hóa đặc trưng nhất của giai cấp công nhân Vùng mỏ.

Như vậy, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” ra đời từ rất sớm, từ trước cách mạng, trước khi có Đảng Cộng sản, từ những ngày đất nước còn chìm trong nô lệ, thực dân. Những năm chưa có Đảng soi đường, mặc dù các cuộc đấu tranh đó đa phần còn chìm trong biển máu, thất bại, nhưng nó đã tôi luyện cho những người thợ mỏ một ý chí sắt đá, tinh thần đấu tranh kiên cường, dám hy sinh.

Đây chính là giai đoạn mà truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được hình thành. Những người thợ đã luôn sát cánh bên nhau, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi từ miếng cơm, manh áo để vừa làm việc, tồn tại, vừa đấu tranh chống lại sự hà khắc của bọn cai mỏ, của chế độ thực dân.


Sau khi Đảng ra đời, giai cấp công nhân Vùng mỏ như được tiếp sức, bùng lên ngọn lửa đấu tranh như vũ bão. Giai đoạn này, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của thợ mỏ được phát triển mạnh mẽ nhất. Các cuộc đình công của hàng vạn thợ mỏ rộng khắp trên Vùng mỏ được tổ chức bài bản hơn, mà đỉnh cao là cuộc Tổng bãi công năm 36 đã kể trên.

Trong Cách mạng Tháng Tám, cùng với khí thế cách mạng của cả nước, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Vùng mỏ sục sôi khí thế, vùng lên giành chính quyền, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, sáng tạo, cuộc đấu tranh của quân dân Vùng mỏ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu tháng Tám năm 1945.

Rồi tiếp đó là cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955. Pháp cút, Mỹ vào, Vùng mỏ Quảng Ninh với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” lại cùng với quân dân cả nước ghi nhiều chiến công, góp phần làm thất bại cả hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, công nhân, nông dân cùng các tầng lớp lao động trong tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, rèn luyện thân thể. Sản xuất than ở Vùng mỏ là trọng điểm của cả nước. Người thợ mỏ làm việc gấp đôi, gấp ba để vừa sản xuất vừa chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1964, Quảng Ninh hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.

Đất nước thống nhất, quân dân Quảng Ninh bước vào giai đoạn kiến thiết Vùng mỏ ngày càng giàu đẹp hơn. Nhưng xây dựng quê hương trong thời bình không phải không còn những khó khăn, trở ngại.

Với ngành Than, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép” giúp ngành vượt khó thành công. Với ngành Than, với người thợ mỏ, giai đoạn 2010-2017 là vô cùng cam go khi sản xuất liên tục rơi vào tình trạng bị đình trệ, sản lượng than tồn kho cao. Có thời điểm lượng than tồn kho của TKV đến trên 10 triệu tấn. Việc làm, thu nhập và đời sống thợ mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi ấy, sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm” lại được các thế hệ thợ mỏ phát huy. Hàng vạn công nhân cùng lãnh đạo ngành Than đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tìm ra được giải pháp hợp lý trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, ngành Than đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân.

Nỗ lực không ngừng đổi mới và phát triển, ngành Than hiện là một trong 3 trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy vậy, ngành Than vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức mới khi mà trữ lượng khai thác than lộ thiên ngày càng cạn kiệt, các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, kéo theo chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều tăng lên.

Đó cũng là thách thức tất yếu trong chặng đường phát triển. Để vượt qua thách thức này, ngành Than đã có những giải pháp rõ nét như ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, từng chia sẻ: Giải pháp chiến lược của TKV sẽ tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ than nhằm nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu sắp xếp lực lượng lao động hợp lý; chăm lo toàn diện đến đời sống, điều kiện làm việc, ổn định việc làm thu nhập cho thợ lò; thăm dò, đầu tư các dự án mỏ hầm lò đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng cung cấp than phục vụ cho an ninh năng lượng quốc gia. Ngành cũng sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh thực hiện chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Ông khẳng định, tất cả đều trên tinh thần tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của ngành Than, của người thợ mỏ hôm nay.

Quảng Ninh không chỉ có than mà còn có rừng, có biển, có các tài nguyên văn hóa, du lịch… Từ ngành sản xuất công nghiệp chủ lực là ngành than, Quảng Ninh đã mở rộng phát triển đa dạng các ngành nghề.

Sau 30 năm đổi mới, Quảng Ninh hôm nay đã vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp than, nhiệt điện và vật liệu xây dựng của cả nước; là khu vực trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập đầu người duy trì ở mức cao.

Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh tự cân đối ngân sách và chủ động đổi mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá trong cải cách hành chính, phương thức đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng đô thị; giữ vững quốc phòng - an ninh.

Nhưng ở đâu và lúc nào, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn luôn được phát huy với sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên những chặng đường phát triển của tỉnh, nhất là ở vào các giai đoạn quan trọng, ở những sáng tạo đột phá hay những thời điểm nguy nan…

Đó là những “trái ngọt” từ thành quả xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong gần 10 năm qua. Người nông dân đã thực sự là chủ thể trong thực hiện và hưởng thụ thành quả do chính mình tạo ra.

Bức tranh nông thôn mới của Quảng Ninh đã khoác lên mình một sức sống mới, một gam màu mới tươi sáng khi những con đường được bê tông hóa, xanh hóa trên khắp các vùng quê. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, những vùng sản xuất tập trung, những trang trại, gia trại cho thu nhập tiền tỷ. Nụ cười bừng sáng trên gương mặt người nông dân trên mảnh đất quê hương…

Với cách nhìn táo bạo, Quảng Ninh cũng đã hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của bao người dân các xã đảo. Cho đến nay, điện lưới quốc gia đã thắp sáng các huyện đảo Cô Tô, các xã đảo của huyện Vân Đồn, xã đảo Cái Chiên của huyện Hải Hà, và cuối năm nay sẽ là xã đảo Trần của huyện Cô Tô. Đặc biệt, với dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô hoàn thành trong 350 ngày đã minh chứng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh cũng như sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân cả nước hướng về vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Thời gian qua, Quảng Ninh tạo đột phá lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với nhiều dự án trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia, đường cao tốc, sân bay, các công trình văn hóa, thể thao, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp… được triển khai.

Các công trình quy mô lớn, diện giải phóng mặt bằng lớn, ảnh hưởng tới đời sống của cả nghìn hộ dân. Vậy nhưng, công tác giải phóng mặt bằng đa phần đảm bảo để các dự án triển khai đúng tiến độ. Đây là kết quả sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, có sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn của người dân…

Những tháng đầu năm nay, Quảng Ninh cùng với cả nước phải đối phó với đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu. Quảng Ninh là tỉnh biên giới, vô cùng sôi động với các hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu, thông thương trên cả đường biển, đường bộ và đường hàng không, số lượng người lưu thông vào/ra rất nhiều.

Vậy nhưng, toàn dân đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” chung sức, đồng lòng tạo thành một pháo đài chống dịch ở Quảng Ninh. Cuộc chiến chống Covid-19 đã không chỉ huy động sự vào cuộc tổng lực của hệ thống chính trị, mọi lực lượng mà còn có sự chung tay, góp sức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực, từ hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, cho đến dành cơ sở vật chất phục vụ làm nơi cách ly, tình nguyện làm công tác hậu cần phục vụ chống dịch… Các lực lượng không quản ngại ngày, đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Nhiều cặp đôi đã đồng tình hoãn đám cưới, ngày vui trọng đại của đời người; các đám tang tổ chức gọn nhẹ nhất có thể, tất cả vì mục tiêu chung…

Vì vậy, dù là địa bàn có nguy cơ cao, nhưng Quảng Ninh đã thực hiện rất tốt việc kiểm soát, ngăn chặn tối đa dịch bệnh lây lan bùng phát. Sau 3 tuần cách ly xã hội cùng cả nước, Quảng Ninh được đánh giá nằm trong nhóm địa phương có nguy cơ thấp lây nhiễm dịch bệnh.

Khó khăn về nhiều mặt khi phòng, chống dịch, nhưng tỉnh đã chủ động chuyển trạng thái điều hành phát triển kinh tế trong tình hình mới, để đảm bảo các mục tiêu phát triển. Quý I/2020, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Quảng Ninh tăng 8,65% so với cùng kỳ năm 2019; sản xuất nông, lâm, thủy sản ổn định, tăng trưởng vượt 0,3% so với kịch bản đề ra; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.200 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm 2020, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt phải ghi nhận sự duy trì phát triển ổn định, bền vững của ngành Than theo đúng kế hoạch, lộ trình. Quý I/2020, sản xuất 10,5 triệu tấn than nguyên khai, đạt 25,6% kế hoạch năm; than tiêu thụ 11,9 triệu tấn, đạt 22,4% kế hoạch; giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 98.000 lao động…

Dù khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều, nhưng có thể thấy rằng, sức sống của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” ở Vùng mỏ đã được hun đúc, được khẳng định qua thời gian. Các thế hệ thợ mỏ, thế hệ người Quảng Ninh hôm nay vẫn miệt mài lao động sáng tạo để đi tới, viết tiếp những trang sử tự hào cho mai sau.

Bài: Phan Hằng

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu