20
18
/
1101096
Khát vọng làm nên kỳ tích
longform
Khát vọng làm nên kỳ tích

Cover

Ở một địa phương với đặc thù vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo như tỉnh Quảng Ninh, việc hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung cả nước… thực sự là một kỳ tích. Điều này đã và đang khẳng định sự phát triển bền vững của địa phương – nơi mà các cấp ủy, chính quyền luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển tỉnh phồn vinh và nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Ảnh trong văn bản

Vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh gồm có 67/177 xã, phường, thị trấn, rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Tình hình kinh tế- xã hội các vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chủ yếu rơi vào khu vực này, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, toàn tỉnh có 26.587 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,62% tổng số hộ dân. Trong đó, riêng khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS chiếm đến 32,99%, điển hình như huyện Ba Chẽ chiếm 52,13%, huyện Bình Liêu chiếm 49,46%. Đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn; cơ sở hạ tầng yếu kém; sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún; việc tiếp cận thông tin của người dân nhiều hạn chế…

Ảnh với chú thích

Với những nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền, chênh lệch giàu nghèo, Quảng Ninh có bước tiến ngoạn mục với tốc độ giảm nghèo được Trung ương đánh giá là nhanh và hiệu quả. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS chiếm đến 32,99% thì đến đến hết năm 2020, số hộ nghèo ở vùng này giảm còn 0,042%. Đến năm 2022, con số này giảm còn 0,01% và đến hết năm 2023, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của Trung ương, trong khi cả nước vẫn còn tới 17,82% số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Quảng Ninh là 1 trong 3 địa phương trong cả nước cùng với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Giảm nghèo không chỉ thể hiện trên tỷ lệ % số hộ nghèo giảm đi mà điều nhìn thấy rõ rệt nhất trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh chính là sự đổi thay trong đời sống nhân dân, ở những tiêu chí, dịch vụ mà nhân dân được thụ hưởng. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS đã có sự tăng lên đáng kể. 

Ảnh với chú thích
Chị Hà Thị Trang (bên phải), xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ. Ảnh Lan Anh

Năm 2023, thu nhập bình quân 1 người/năm của đồng bào đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã đạt ở mức cao trên 73,3 triệu đồng, tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2021; tăng 40,7 triệu đồng so với năm 2019 và tăng 60,5 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó, ở một số địa phương có mức thu nhập rất cao như huyện Cô Tô (có 3 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo) là gần 115 triệu đồng/người/năm; huyện Vân Đồn (có 9 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo) có mức thu nhập trung bình 89 triệu đồng; Huyện Đầm Hà (có 6 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi) đạt mức thu nhập là 76,6 triệu đồng/người/năm; huyện Tiên Yên (có 9 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi) cũng đạt mức thu nhập trên 76,6 triệu đồng. 

Nhiều địa phương vốn được gọi là vùng “lõi nghèo” nay người dân đã có cuộc sống mới, tiến bộ hơn rất nhiều. Điển hình: Huyện Ba Chẽ có 7 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo, thì có đến 4 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, mức thu nhập 69,6 triệu đồng/người/năm. Huyện Bình Liêu có 3/7 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, với mức thu nhập là 64,3 triệu đồng/người/năm. 

Ảnh với chú thích
Người dân trên địa bàn huyện Tiên Yên phát triển mô hình nuôi gà theo hướng VietGap. Ảnh: Vân Anh.

Những con số “biết nói” đã minh chứng khoa học trong hơn 1 thập kỷ qua, giảm nghèo bền vững chính là lĩnh vực đạt được nhiều thành công, ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí từ nhà nước, huy động từ cộng đồng, các tổ chức và nhân dân đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong trong toàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo. Quyết tâm vươn lên thoát khỏi cái nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ, tâm thức của mỗi người dân, mỗi hộ nghèo.

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong trong cuộc họp về giảm nghèo tại Quảng Ninh, ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, điều thực sự đáng khích lệ là trong những năm qua, giảm nghèo luôn là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh thực hiện trong việc theo đuổi cuộc sống hạnh phúc cho người dân. Yếu tố quan trọng nhất để Quảng Ninh cán mốc sớm 3 năm chính là nhờ sự quyết tâm chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, sự đồng thuận, nỗ lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân Quảng Ninh. Bên cạnh đó Quảng Ninh cũng đã chủ động bố trí nguồn lực thỏa đáng và lồng ghép gắn với chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bảo dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện.

Ảnh với chú thích
Những ngôi nhà trang của ở vùng dân tộc thiểu số xã biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái.

“Kết quả ấn tượng của Quảng Ninh đã trở thành điển hình để các địa phương khác trong cả nước nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện để sớm đạt được kết quả theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ giao” - ông Phí Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Ảnh trong văn bản

Quảng Ninh là một trong 10 tỉnh có số thu ngân sách cao nhất, có tốc độ tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người trong top dẫn đầu cả nước, vậy nên nếu chất lượng đời sống nhân dân không phát triển tương xứng thì kết quả tăng trưởng, dẫn đầu đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Đó cũng là lý do nhiều năm qua mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh đây luôn trăn trở, đau đáu về nhiệm vụ, cùng với mỗi thành tựu tăng trưởng là phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng sống bao trùm cho nhân dân, dần thu hẹp khoảng cách vùng miền, chênh lệch giàu nghèo.

Ảnh căn trái

Nhìn lại 10 năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh đã vượt lên khó khăn, thách thức phát triển địa phương bền vững, chăm lo bảo đảm sức khỏe cho người dân một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, vừa ổn định kinh tế- xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông và các hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; ban hành rất nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ… 

Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Quảng Ninh từng bước hiện thực hóa mục tiêu “không để ai lại phía sau”, kéo gần khoảng cách giữa vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh.

 

 

Ảnh căn phải

Về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn tuy nhiên kết quả đó chưa thể thoả mãn được bởi thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, khi mâu thuẫn, thách thức này được giải quyết thì mâu thuẫn, thách thức khác lại xuất hiện với tính phức tạp hơn, khó giải quyết hơn.

Nhìn từ thực tế cho thấy nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, người dân vẫn còn có cuộc sống khó khăn, các tiêu chí phục vụ cuộc sống chưa được đảm bảo so với vùng đô thị. Hạ tầng kinh tế - xã hội có mặt chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công nghiệp, dịch vụ, đô thị ở Quảng Ninh phát triển nhanh, tốc độ cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế nhưng khả năng kết nối kinh tế nông thôn - đô thị, công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp còn hạn chế. Hơn nữa Quảng Ninh là tỉnh đi đầu triển khai thành công Chương trình OCOP, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành rõ nét những vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung cho xuất khẩu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao; đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm và chưa tận dụng hết các cơ hội mới để tạo đột phá. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch, tính bền vững trong một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM, giảm nghèo bền vững còn ở mức độ; thu hút đầu tư vào khu vực này còn gặp nhiều khó khăn...

Để giải quyết những thách thức trên, việc nâng chất lượng đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS vẫn là mục tiêu mũi nhọn của tỉnh. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 là đạt khoảng 8.000-10.000 USD, tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn; tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng. 

Ảnh với chú thích
Ngôi trường mới ở xã Quảng La được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Hiện toàn tỉnh đã chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo chuẩn nghèo mới của tỉnh, số hộ nghèo cả tỉnh còn 246 hộ, chiếm tỷ lệ 0,064%; trong đó số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 216 hộ, chiếm tỷ lệ 0,180% tổng số hộ dân khu vực này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu: Bước sang giai đoạn mới của chương trình giảm nghèo với các yêu cầu cao hơn, cũng chính là đòi hỏi trách nhiệm mới, quyết tâm mới của mỗi địa phương, mỗi đơn vị không chỉ trong giai đoạn 2023-2025 mà phải tầm nhìn xa hơn. Với quan điểm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta phải giải quyết tốt hơn nữa vấn đề “Tam nông”, giảm nghèo bền vững và phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm công bằng xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết định. 

Thu Chung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu