20
18
/
997578
Họ đã là sơn ca Đất mỏ...
longform
Họ đã là sơn ca Đất mỏ...

 

Quảng Ninh đã sản sinh ra rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi. Điều cốt yếu làm nên sự thành công rực rỡ của sân khấu ca nhạc Quảng Ninh là sự phát triển rộng khắp, trải dài và có chiều sâu của phong trào văn nghệ quần chúng, đã làm bệ phóng tìm kiếm và bồi dưỡng nhiều tài năng cho sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, đưa họ trở thành những ca sĩ tên tuổi.

Các cấp, các ngành ở Quảng Ninh, đặc biệt là ngành Than đã rất quan tâm tạo dựng những sân chơi bổ ích để phát hiện tài năng. Từ đây, họ đến với những sân chơi lớn hơn và rất nhiều người đã tỏa sáng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 3 trong số đó, là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quang Thọ, NSND Lê Dung và Sao Mai Tuấn Anh.

Với NSND Quang Thọ, dù đã đi nhiều nơi, và đã rất thành danh trên sân khấu ca nhạc, nhưng tình yêu Vùng mỏ của ông vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu khi ông hát cho công nhân mỏ Cọc Sáu nghe.

NSND Quang Thọ tên khai sinh là Nguyễn Văn Thọ, SN 1948, tại TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Năm 1953, ông cùng gia đình chuyển về Cẩm Phả sinh sống. Sau khi rời ghế nhà trường, Quang Thọ đã trở thành công nhân thợ điện Mỏ than Cọc Sáu, tham gia hoạt động tích cực trong phong trào văn nghệ của công nhân Vùng mỏ. Đầu năm 1971, ông có mặt trong đoàn văn công xung kích của Vùng mỏ đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia.

Năm 1972, ông được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, Quang Thọ trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Đến năm 1987, Quang Thọ trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông làm Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. Từ sau năm 2008, ông nghỉ hưu và mở Trung tâm Đào tạo âm nhạc Quang Thọ.

Khi còn ở Vùng mỏ, Quang Thọ và Lê Dung là một đôi song ca ăn ý. Họ cùng hát cho công nhân mỏ nghe, giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất. Họ đã hát giữa công trường, hát ngay cả trong những căn hầm, hát dưới màn đêm không ánh sáng đèn chỉ có ánh chớp và tiếng nổ của bom đạn. Vùng than thời ấy vất vả và gian khó, nhưng với Quang Thọ và Lê Dung luôn là vùng đất ân tình, nơi lưu giữ những ký ức rất đẹp. Và như thể chính vùng than, chính những đêm thức cùng thợ mỏ đã tạo ra tiếng hát Quang Thọ, nhiều năm rồi giọng hát ấy vẫn vẹn nguyên một tình yêu quê hương xứ sở. Tiếng hát Quang Thọ đã làm vơi đi sự vất vả của người thợ lò. Và ở chiều ngược lại, chính sự cổ vũ, động viên của những người thợ đã làm cho tiếng hát Quang Thọ được chắp cánh để bay cao, bay xa hơn.

Có lần, NSND Quang Thọ tâm sự với người viết bài này: “Dù đi đâu, về đâu tôi vẫn luôn nhớ về Cẩm Phả, về Vùng mỏ, bởi nơi đó không chỉ có mái trường tôi đã học, nơi gia đình đã nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành mà còn là nơi đầy ắp những kỷ niệm của một thời để nhớ của tôi”.

Quang Thọ vẫn hát về Vùng mỏ với những cảm xúc hết sức đặc biệt, vẫn bồi hồi xúc động như thuở đầu tiên hát với thợ lò. Mỗi lần về Cẩm Phả, Quang Thọ lại lang thang khắp mọi ngóc ngách phố phường. Dường như, ông muốn để cho gió từ Vịnh Bái Tử Long lùa vào trong tóc, để bụi than và mùi biển cả mặn mòi ngấm vào da thịt. Định cư ở Hà Nội đã lâu, NSND Quang Thọ cũng ít có điều kiện trở về Vùng mỏ thường xuyên, nhưng tâm trí ông thì luôn hướng về Vùng mỏ. Quang Thọ thường mơ về Vùng mỏ, trong giấc mơ ông có tiếng than rơi, tiếng máy reo, có nụ cười người thợ. NSND Quang Thọ chia sẻ, nếu không theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân thì sẽ trở thành một anh thợ điện, ngày đêm ca hát lạc quan cùng đồng nghiệp trong phong trào nghệ thuật quần chúng.

Nửa thế kỷ ca hát, Quang Thọ đã để lại dấu ấn riêng đậm nét trong các ca khúc, trường ca xếp vào loại “khó hát”. Nhưng khán giả, nhất là khán giả yêu ca nhạc ở Vùng mỏ khi nhớ đến ông là gắn ngay với những bài hát ngợi ca vùng than, ngợi ca người thợ mỏ thân yêu. Cũng nhờ những bài hát đó mà Quang Thọ trở thành số không nhiều trong lớp ca sĩ đầu trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng và đã gặt hái được nhiều thành công cả trong ca hát lẫn sự nghiệp dạy thanh nhạc, đào tạo ca sĩ. Tiếng hát của ông đã vang xa hơn khi đi lưu diễn ở mấy chục quốc gia trên thế giới. Ông đã từng đoạt giải nhất tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức, giải thưởng liên hoan ca nhạc tại Mông Cổ. Ông không chỉ đoạt nhiều huy chương, giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế mà còn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2001.

Cố NSND Lê Dung là giọng hát soprano huyền thoại của Việt Nam. Không chỉ là giọng nữ hàng đầu, sinh thời NSND Lê Dung còn kết hợp ăn ý với NSND Quang Thọ, đồng hương Quảng Ninh, đồng hành suốt nhiều thập kỷ.

NSND Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung. Do chiến tranh loạn lạc, mẹ của bà không biết chính xác ngày sinh của con mình, nên Lê Dung chọn ngày 5/6/1951 là sinh nhật. Bà sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực lao động nghèo cầu 1, Cao Xanh, TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Nhớ về những ngày gian khó ấy, bà Nguyễn Thị Hạnh (ngõ 50, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long) là một người bạn thân cùng ở Câu lạc bộ Thiếu nhi Hạ Long (do nhạc sĩ Bùi Đức Huyên phụ trách), kể: “Hồi ấy, chúng tôi đi hát vất vả lắm. Tôi và Lê Dung là những cô bé con nhà nghèo, thiếu thốn đủ bề, cơm ăn chẳng no, áo chẳng đủ mặc. Ấy vậy nhưng chúng tôi mê hát lắm”.

Theo lời kể của bà Hạnh, Lê Dung nửa ngày đi học còn nửa ngày phụ mẹ làm ruộng, gánh rau ra chợ bán. Lúc đó, Lê Dung là một cô bé lớp 8 nhỏ thó, gầy gò xanh xao mà đã gánh được gánh rau rất nặng. Mê ca hát và có năng khiếu, dung mạo lại ưa nhìn, nên Lê Dung sớm được mọi người chú ý. Nhạc sĩ Đức Huyên lúc đó làm công tác Đoàn ở Quảng Ninh đã đến lớp học của Lê Dung và phát hiện ra tài năng này. Ông đưa Lê Dung vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long. Có một lần, cả đội của bà được báo đi hát phục vụ đoàn khách quý; hát xong rồi, thấy 2 người đàn ông lịch thiệp đến xoa đầu khen hát hay, nhưng bảo các cháu gầy và xanh lắm, phụ trách phải quan tâm đến các cháu. Sau đó, mọi người mới biết đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Lê Dung bắt đầu năm 17 tuổi khi học hết lớp 10 phổ thông (hệ 10/10), bà đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học y, nhưng lại không theo học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, hát trên thao trường, dưới hầm mỏ, hát cho chiến sĩ vững tay súng chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc. Mỗi khi được lắng nghe tiếng hát Lê Dung, những người chiến sĩ như uống lấy từng lời, khắc ghi hình ảnh người ca sĩ quân đội xinh đẹp ấy trong trái tim mình trên đường ra trận. Thậm chí có một đơn vị bộ đội vì mê tiếng hát của ca sĩ Lê Dung đã gửi từ chiến trường Nam Bộ ra một chiếc khăn nilon, chiến lợi phẩm của đơn vị, để ca sĩ quàng cổ giữ gìn sức khỏe và giọng hát mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Chiếc khăn gửi kèm bức thư có 11 chữ ký với mong muốn được nghe Lê Dung hát tại miền Nam. Mãi đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lê Dung mới vào được để đi hát cho chiến sĩ nghe, nhưng cả 11 người lính ấy đã lần lượt ngã xuống anh dũng dọc đôi bờ Vàm Cỏ Đông.

Ca sĩ Lê Dung là người luôn cháy hết mình với nghệ thuật, với nhiệm vụ của một người chiến sĩ văn công. Bà Hạnh bùi ngùi kể về chuyện Lê Dung đi diễn theo đoàn đến nỗi cha mất cũng không được về, dù cha mẹ bà chỉ có bà là người con duy nhất. Lê Dung ngậm ngùi nhờ bạn mình ở nhà lo hậu sự cho cha. Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và sau đó 1 năm, bà theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

Đến năm 1982, bà tốt nghiệp thủ khoa và được công chúng yêu nhạc biết đến nhiều hơn. Càng ca hát, Lê Dung càng dần khẳng định là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam. Không chỉ thành công với dòng nhạc opera của Việt Nam, NSND Lê Dung cũng là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ và nhạc tiền chiến. Bà hát rất hay nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ v.v.. Với kỹ thuật điêu luyện, chất giọng cao mà rất ấm áp, truyền cảm, những nốt cao được giữ hơi nhả chữ rất mượt mà và dạt dào tình cảm, những bài hát do bà thể hiện đều thực sự là những kiệt tác còn mãi với thời gian, như "Bài ca hy vọng", "Mẹ yêu con", "Bài ca Hà Nội"... Sự đồng điệu về dòng nhạc, đồng hương lại cùng hoàn cảnh trưởng thành của giọng hát từ hầm lò đến thao trường, giảng đường đã giúp Lê Dung và Quang Thọ luôn là cặp đôi ăn ý và mẫu mực, tạo nên những dấu ấn mãi mãi với thời gian... trong dòng nhạc thính phòng nói riêng và nhạc cổ điển Việt Nam.

NSND Lê Dung đã đoạt một số giải thưởng cao quý như: Giải tư cuộc thi quốc tế những nghệ sĩ hát opera trẻ, tổ chức tại Sofia (Bulgaria); Giải thưởng Toulouse (Pháp); Giải Mùa xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ). Năm 1984, Lê Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Năm 1986 Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô (cũ), nay là Liên bang Nga. Ông Versaillais, Việt kiều Pháp, chia sẻ: Lê Dung là một giọng oanh vàng rất hiếm, tôi có gặp và thưởng thức vài lần cô ấy trình bày ở ngoại quốc. Một kỷ niệm khó quên với cô Lê Dung là lần đầu tiên cô ấy sang Paris hát cho một nhóm người, trong số đó có tôi, vào một buổi tối mùa thu lạnh ngắt. Vì bị kẹt xe nên cô ấy đến trễ gần một tiếng đồng hồ. Nhưng sau đó, mọi người đều hoan hỉ vì được nghe một loạt những bài hát thật hay, cả vài bài chuyên hát cho Opera, vì cô ấy được đào tạo một trường bên Moscow (Nga) về giọng hát Soprano. Lê Dung hát không cần sử dụng micro. Chúng tôi chỉ có một nhóm không đông mấy nên ngồi nghe thật đã quá. Tôi có ấn tượng về Lê Dung, một người thiếu nữ thật xinh xắn, dễ thương vô cùng, nụ cười duyên dáng, dịu dàng, giọng hát trong veo, cử chỉ hồn nhiên, vui tính. Lê Dung hát bản chót là  "Đêm đông" và sửa vài từ ngữ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại mùa thu lạnh lẽo, làm cho hầu hết chúng tôi vô cùng vui vẻ, ấm lòng. Cô ấy hát những câu đó với một giọng thật êm dịu... làm mủi lòng hầu hết mọi người, ai cũng xin Lê Dung hát lại lần nữa.

Năm 1990, ca sĩ Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bà cũng là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Năm 1991, ca sĩ Lê Dung được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Thành công trong sự nghiệp, nhưng người phụ nữ tài sắc Lê Dung lại rất đa đoan trong trường tình. Bà đã trải qua 3 đời chồng, nhưng vì quá đam mê, quá hy sinh cho sự nghiệp, nên đều không yên ấm. Bà phải dừng cuộc rong chơi với âm nhạc đột ngột khi sự nghiệp và tài năng đang ở đỉnh cao. Lê Dung mất ngày 29/1/2001 do tai biến mạch máu não.

Gần 20 năm đã trôi qua kể từ ngày NSND Lê Dung giã từ cõi tạm, nhưng bà Hạnh không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ về người bạn của mình. Bà Hạnh bảo, nhiều đêm bà vẫn mơ thấy bạn. Bà khó mà quên được người như Lê Dung, người phụ nữ hết lòng vì bè bạn, một nghệ sĩ đã sống đến tận cùng đam mê, dám hy sinh tất cả vì nghệ thuật, luôn biết như ngọn nến cháy sáng hết mình.

Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh sinh ngày 31/7/1980 tại Hạ Long. Nối tiếp sự thành công của những ca sĩ tên tuổi như NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSƯT Mai Tuyết, NSƯT Đức Long…, Tuấn Anh được đông đảo khán giả thuộc tên khi liên tiếp đoạt được các giải thưởng như: Giải nhất Tiếng hát sinh viên tỉnh Quảng Ninh, HCB Tiếng hát sinh viên toàn quốc năm 2002, giải nhì Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh năm 2003.

Năm 2005 đã ghi một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Tuấn Anh với giải nhất Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh và giải nhất Sao Mai toàn quốc dòng nhạc thính phòng. Bước ra từ giải Sao Mai 2005, Tuấn Anh đã sớm ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi sự vững vàng về kỹ thuật cùng khả năng sáng tạo trong xử lý ca khúc. Sau đó, dù đã theo học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng cuối mỗi tuần, ca sĩ Tuấn Anh lại về Quảng Ninh dạy thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là Trường Đại học Hạ Long).

Tuấn Anh và Tân Nhàn cùng dự thi Giải Sao Mai năm 2003 nhưng họ vẫn chưa thực sự bén duyên cùng các giải thưởng và chưa có duyên với nhau. Đến Sao Mai năm 2005, tình yêu giữa 2 người mới dần nảy nở. Trong cuộc thi, Tuấn Anh và Tân Nhàn động viên nhau cùng cố gắng. Tình yêu khiến họ như có thêm sức mạnh để giành chiến thắng. Giải Sao Mai năm đó, Tuấn Anh giành giải nhất dòng nhạc thính phòng, còn Tân Nhàn đoạt quán quân dòng nhạc dân gian. Cuối năm 2007, chàng ca sĩ Đất mỏ và cô ca sĩ xinh đẹp quê Hà Nam đã nên duyên chồng vợ. Cặp đôi Tuấn Anh - Tân Nhàn vừa làm học viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vừa tiếp tục tham gia giảng dạy thanh nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Năm 2009, ca sĩ Tuấn Anh tiếp tục giành giải nhất cuộc thi hát nhạc kịch - thính phòng lần thứ tư.

Khác với nhiều ca sĩ trẻ ra sức chạy "show", Tuấn Anh tập trung vào giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương là chính. Ngoài những giờ lên lớp, hai vợ chồng còn nhận lời mời tham gia một số chương trình biểu diễn trong nước. Đối với những chương trình ca nhạc tại quê hương Quảng Ninh, cặp đôi Tuấn Anh - Tân Nhàn đều tham gia rất nhiệt tình. Cặp đôi ca sĩ này còn mua một căn hộ tại phường Hùng Thắng (TP Hạ Long) để làm nơi đào tạo tài năng âm nhạc trẻ cho quê hương Quảng Ninh.

Thường thì phía sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ, nhưng ở trường hợp của gia đình Tân Nhàn - Tuấn Anh thì ngược lại. Ca sĩ Tuấn Anh lại chọn làm hậu phương vững chắc để vợ mình tỏa sáng. Tân Nhàn là người hướng ngoại thì Tuấn Anh hướng nội. Ca sĩ Tuấn Anh lùi lại, vui vẻ làm một giảng viên bình dị, chăm lo cho tổ ấm và cậu con trai nhỏ để hỗ trợ cho vợ mình ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên sân khấu ca nhạc.

Mặc dù vậy, trong hầu hết các sản phẩm âm nhạc của Tân Nhàn luôn có Tuấn Anh. Chàng ca sĩ Vùng mỏ đã có sự phối hợp ăn ý với vợ để tạo ra hai giọng ca đẹp, hòa quyện và tình tứ. Anh cùng vợ hát chung các ca khúc "Thăm quê em", "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời"; ra mắt album chung "Tình ta biển bạc đồng xanh"; biểu diễn cùng vợ trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sao Mai ngày trở về”; đứng chung trong liveshow “Câu chuyện âm nhạc”... Anh luôn hãnh diện vì vợ mình đã gặt hái được nhiều thành công liên tiếp và ngày càng được công chúng yêu nhạc mến mộ.

Năm 2013, tốt nghiệp thạc sĩ biểu diễn thanh nhạc loại xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ca sĩ Tuấn Anh vẫn tiếp tục công việc giảng dạy tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Mặc dù đều đã trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam và rất bận rộn, nhưng mỗi khi có thời gian, ca sĩ Tuấn Anh lại đưa vợ con về Quảng Ninh nghỉ ngơi, họp mặt gia đình, gặp gỡ bạn bè như để nạp thêm năng lượng mới trước khi về Hà Nội tiếp tục cuộc hành trình đầy đam mê với âm nhạc.

Bài: Phạm Học

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu