
Đánh thức bản người Dao dưới chân Yên Tử
Giữa vùng non nước yên bình dưới núi Yên Tử, bản người Dao Thanh Y đang dần hình thành một mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa, rất hút khách. Đứng sau ý tưởng này là chị Trương Thị Thanh Hương, người phụ nữ dân tộc Dao đầy nghị lực và tình yêu cháy bỏng với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Từ một chuyến khảo sát
Chúng tôi gặp chị Hương vào một ngày giữa tháng 3, khi chị đang tất bật hướng dẫn du khách tham quan không gian văn hóa rộng khoảng 300m² tại thôn Khe Sú 2 (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí). Chị nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khi giới thiệu về mô hình du lịch cộng đồng mà mình đã dày công xây dựng. Chị trẻ hơn so với tuổi 42, toát lên nguồn năng lượng trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm đưa bản làng mình trở thành một điểm đến du lịch văn hóa độc đáo.

Vừa giới thiệu những bộ trang phục thêu tay tinh xảo của người Dao Thanh Y, chị Hương vừa nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt ánh lên niềm tự hào. Ở người phụ nữ này có một nguồn năng lượng mạnh mẽ, sự kiên trì bền bỉ và một tinh thần dám nghĩ, dám làm hiếm có.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan, chị Hương vừa kể về ước mơ làm du lịch từ bản sắc văn hoá dân tộc mình. Chị kể từ nhỏ, chị đã gắn bó với những nghi lễ truyền thống của người Dao, thấm đẫm bản sắc văn hóa quê hương. "Mình lại là người dân bản gốc ở đây, được học hành cẩn thận. Một ngày nào đó sẽ làm du lịch để giới thiệu văn hoá của dân tộc mình, làm giàu đẹp cho quê hương mình"- chị Hương kể đã tự nhủ.
Một trong những dịp làm thay đổi và thúc đẩy quyết tâm của chị chính là chuyến chị được xã tổ chức cho cùng đoàn tham quan, khảo sát với Sở Du lịch (nay là Sở VH, TT&DL) năm 2023. Chị được đi đến các vùng miền xa xôi, tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, Điện Biên, Lai Châu...
Chuyến đi ấy đã mở ra trong chị bao ý tưởng, đặc biệt khi tận mắt chứng kiến sự thành công của các làng du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, Điện Biên, Lai Châu. Chị ghé thăm làng Nguyên Thủy của đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu, bản Nà Sự của người Thái ở Điện Biên, rồi bản Sin Suối Hồ của đồng bào Mông ở Lai Châu... Họ ở những vùng sâu, đỉnh núi cao, xa xôi mà vẫn làm rất tốt, thu hút đông đảo du khách.

Chị Hương kể “Bà con các dân tộc ở những làng bản xa xôi, đi cả ngày trời mới tới mà vẫn làm được du lịch, mà còn rất đông khách. Tại sao mình ở ngay dưới chân núi Yên Tử, nơi mỗi năm có cả vạn du khách ghé thăm, vẫn giữ nguyên những nét văn hóa đặc trưng, duy trì lễ hội, phong tục cộng đồng mà lại chưa phát triển được du lịch?”. Suy nghĩ đó trở thành động lực thôi thúc chị Hương hiện thực hóa ước mơ của mình. Sau chuyến đi ấy, nghĩ là làm, chị quyết định đầu tư mô hình du lịch cộng đồng văn hoá người Dao Thanh Y đầu tiên ở thôn Khe Sú 2.
Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay
Tháng 8/2023, với số tiền gần 1 tỷ đồng từ vay ngân hàng và một phần nhỏ tích cóp được, chị Hương mạnh dạn đầu tư vào Nhà hàng Dân tộc Dao Thanh Y Yên Tử - viên gạch đầu tiên cho mô hình du lịch cộng đồng.
“Đánh liều đấy! Nhưng nếu không làm vậy thì làm sao có được ngày hôm nay?”- chị Hương cười nhớ lại. “Quả thật đôi khi tôi nghĩ lại cũng thấy mình... liều thật. Số vốn đó đi buôn mặt hàng khác sẽ thu hồi nhanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ đầu tư cho du lịch sẽ lâu hơn nhưng bền vững hơn. Có thể những năm đầu sẽ chưa có nguồn thu ngay nhưng sau đó sẽ bền vững và mãi mãi".

Buổi đầu, chị Hương không chỉ đối mặt với bài toán vốn mà còn phải thuyết phục bà con trong bản cùng tham gia. Sự hoài nghi của người dân là trở ngại lớn nhất. Người dân chưa nhận thức được việc phát huy giá trị kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống.
Đặc biệt, việc tạo lập không gian trưng bày văn hóa người Dao Thanh Y, xây dựng khu trải nghiệm may thêu thổ cẩm, ngâm chân, tắm nước lá - những yếu tố làm nên sức hút của mô hình, lại càng không hề đơn giản. Những dịch vụ này không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn cần sự tham gia của cộng đồng, điều mà chị Hương phải kiên trì thuyết phục từng hộ dân trong suốt nhiều tháng trời.
Dù khó khăn, nhưng chị Hương vẫn kiên trì đi từng nhà vận động, phối hợp với chính quyền cải tạo hạ tầng, mở đường, làm sạch môi trường, tập hợp đội văn nghệ... Chị tự tay tìm kiếm những sản phẩm đặc trưng, nghiên cứu các món ăn đặc sản của người Dao để phục vụ du khách. Đồng thời, chị cũng đi học hỏi thêm các mô hình ở Bắc Kạn, Sa Pa, Tiên Yên, Ba Chẽ… để lựa chọn phương thức phù hợp.

Chị Hương nhớ lại: "Mình đã quyết là phải làm quyết liệt và phải là người tiên phong đi trước để bà con theo sau. Khi thấy được hiệu quả kinh tế đem lại thì bà con sẽ theo sau".
Khát vọng xây dựng làng du lịch cộng đồng đặc sắc
Mô hình du lịch cộng đồng của chị Hương không đơn thuần là nơi ăn uống, nghỉ ngơi, mà còn là điểm đến văn hóa với những trải nghiệm đặc sắc. Du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống như canh gà rượu bâu, bánh gù, xôi ngũ sắc, măng rừng... mang đậm phong vị Dao Thanh Y.
Tới đây, khách còn được tận mắt chứng kiến nghệ thuật thêu thùa tinh xảo của phụ nữ Dao, khám phá cách làm trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Không chỉ vậy, các phương pháp chăm sóc sức khỏe bằng bài thuốc tắm lá Dao, ngâm chân thảo dược cũng mang đến trải nghiệm thư giãn và chữa lành. Ngoài ra, những nghi lễ đặc trưng như cấp sắc, hát đối, múa truyền thống... giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Dao Thanh Y.

Ngay trong năm đầu tiên, mô hình đã thu hút khoảng 100 lượt khách/tuần đến trải nghiệm, đem lại thu nhập từ 5-6 triệu đồng cho nhiều bà con dân bản. Dù con số chưa lớn nhưng đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hướng đi đúng đắn. Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin TP Uông Bí đánh giá: Là người con của bản làng, chị Hương đã ấp ủ ý tưởng từ khi còn là cán bộ đoàn Thanh niên xã, rồi tự mình xây dựng mô hình này. Chị không chỉ tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn cho địa phương, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc Dao Thanh Y, mang lại lợi ích kinh tế và sinh kế cho bà con.
Chứng kiến thành công bước đầu, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư theo. Không ít hộ dân thấy chị làm cũng đồng hành xây dựng nếp nhà đặc trưng của người Dao, phát triển homestay, phục dựng các giá trị văn hoá bản địa. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Triệu Văn Điền, Trương Văn Đức... Ông chia sẻ: Tôi có quỹ đất và rất muốn hợp tác để mở rộng mô hình này, cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng, mang lại lợi ích kinh tế cho bà con.
Không dừng lại ở đó, chị Hương đang lên kế hoạch mở rộng tuyến trải nghiệm, kết nối với các điểm du lịch TP Uông Bí để thu hút thêm du khách. Chị chia sẻ rằng, để gia tăng sức hấp dẫn, chị mong muốn xây dựng một chuỗi du lịch cộng đồng bài bản, tận dụng tối đa tiềm năng của địa phương.
Theo đó, chị dự định phát triển không gian làng văn hóa Dao Thanh Y, nơi không chỉ lưu giữ mà còn quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc. Các hoạt động bảo tồn gắn với du lịch sẽ được triển khai như phục dựng lễ cấp sắc, tái hiện lễ cưới truyền thống, đồng thời tổ chức lễ hội mừng năm mới vào ngày 9 tháng 1 âm lịch hàng năm kết hợp với Lễ khai hội Yên Tử, tạo điểm nhấn thu hút du khách gần xa.

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển với nhiều hoạt động hấp dẫn như lưu trú homestay, trải nghiệm cuộc sống bản làng qua việc trồng rau, cấy lúa, thu hoạch nông sản và chế biến món ăn truyền thống. Du khách không chỉ được thưởng thức hương vị độc đáo của ẩm thực Dao Thanh Y mà còn tham gia các chuyến dã ngoại kết hợp giáo dục tại Rừng quốc gia Yên Tử. Đặc biệt, địa phương đang hợp tác với cơ sở sản xuất rượu mơ Yên Tử để tổ chức tour tham quan hầm rượu, mang đến trải nghiệm kết nối văn hóa và ẩm thực địa phương đầy thú vị.
Từ một người phụ nữ nhỏ bé nhưng giàu nghị lực, chị Hương đã mở lối cho du lịch cộng đồng ở Thượng Yên Công, biến những giá trị văn hóa truyền thống thành tài sản quý giá, góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế bền vững. Câu chuyện của chị không chỉ truyền cảm hứng cho bà con địa phương mà còn là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm để vươn lên từ chính quê hương mình.
Ý kiến ()