
Ký ức một thời hoa lửa
Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hun đúc nên biết bao tấm gương anh hùng, dám xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ những miền quê yên bình, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã tạm biệt gia đình, rời xa giảng đường, cầm súng lên đường đánh giặc. Ở mảnh đất Quảng Ninh kiên trung, nhiều người con ưu tú đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, trở thành những “dũng sĩ diệt Mỹ” lừng lẫy. Họ đã chiến đấu và hy sinh không chỉ cho quê hương, mà còn để viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trong không khí cả nước và tỉnh Quảng Ninh đang rộn ràng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi được đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Năng Nghĩa – một chiến sĩ đặc công của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 trong một căn nhà nhỏ ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Bên bàn trà cùng những cán bộ hưu trí khu phố, ông Nghĩa lật giở từng trang hồi ký, nâng niu những tấm huân huy chương, nhớ về một thời khói lửa đạn bom.
Ông Nghĩa kể: Năm 1965, khi ấy tôi vừa tròn 18, cũng như tất cả anh em trai tráng khác, tôi tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, cầm súng ra trận. Tôi sinh ra ở huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng, nay là Hưng Yên, nhưng khi nhập ngũ cấp trên phân về C150 tiểu đoàn 237, Trung đoàn pháo cao xạ 217 làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời khu mỏ Quảng Ninh. Trong những ngày gắn với ụ pháo phòng không, tôi đã cùng đồng đội và quân dân Vùng mỏ lập được không ít chiến công, bắn rơi nhiều máy bay địch. Đến cuối năm 1968, tôi xung phong và được cấp trên điều động đi huấn luyện trở thành đặc công nước, biên chế về Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Trải qua gần năm trời huấn luyện ở Quảng Yên, bơi lặn trên dòng sông Chanh cả ngày hè nắng gắt lẫn đêm đông lạnh buốt, tôi cùng đồng đội được điều vào chiến trường miền Nam, với mặt trận đầu tiên là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.

Trong chiến dịch này, cựu chiến binh Nguyễn Năng Nghĩa cùng bộ đội đặc công Đoàn 126 Hải quân đã chấp hành nghiêm chỉ thị "đánh theo mệnh lệnh, đánh theo yêu cầu của mặt trận", vượt qua nhiều khó khăn thử thách, chốt giữ liên tục, bám trận địa dài ngày, chiến đấu ngoan cường, hợp đồng chặt chẽ, kết hợp nhiều phương thức đánh địch, không quản ngại hi sinh… Nhờ đó mà giành được nhiều chiến công to lớn và hết sức vẻ vang, cùng toàn mặt trận đập tan cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của địch. 2 tháng đánh địch không ngơi nghỉ, toàn đơn vị đã đánh 25 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 43 tàu vận tải và tàu chiến, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, phá hủy chục ngàn tấn phương tiện chiến tranh. Riêng ông Nguyễn Năng Nghĩa đã trực tiếp cài mìn, đánh đắm 4 tàu địch, giúp ta phá hủy và thu về nhiều vũ khí, khí tài quân sự. Với chiến công lập được, đến năm 1972 và sau đó là 1973, chiến sĩ đặc công Nguyễn Năng Nghĩa lần lượt 2 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ đánh tàu Mỹ cấp 3.
Ôn lại ký ức những năm tháng hào hùng nhưng cũng không ít đau thương, cựu chiến binh Nguyễn Năng Nghĩa chia sẻ: Tôi là người may mắn. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cam go, lập được chiến công, mà vẫn trở về bình an… Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ mãi những phút giây sinh tử cùng đồng đội khi anh em dầm mình trong nước hàng chục tiếng đồng hồ đợi thời cơ đánh địch; khi nằm trong những lòng hố bom, vùi mình dưới lớp bùn nhão tránh trận càn; lúc cõng trên lưng người bạn bị mảnh bom quét cụt 1 chân, tự tay ga-rô băng bó cho anh ấy trong hoàn cảnh không bông băng, thuốc men, đạn dược… Không có chỉ huy, không có đơn vị, không có những đồng đội anh hùng, mình tôi không thể lập được chiến công. Nên với tôi, danh hiệu Dũng sĩ đánh tàu Mỹ không phải của cá nhân tôi mà là của tất cả những người lính đã từng một thời xả thân đánh giặc cứu nước, dù người còn, người mất, ai cũng xứng đáng là anh hùng…

Vì hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, bố hy sinh trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, 2 anh trai cũng ra chiến trường và mất liên lạc không hẹn ngày về, năm 1973, chiến sĩ đặc công Nguyễn Năng Nghĩa được cấp trên đồng ý cho ra quân trở về quê phụng dưỡng mẹ già. Một thời gian sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, ông xin phép mẹ quay về Quảng Ninh – nơi ông bắt đầu con đường binh nghiệp và đã coi như quê hương thứ 2 của mình để xây dựng cuộc sống mới. Trải qua nhiều cương vị công tác ở Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, khi về hưu, cựu chiến binh Nguyễn Năng Nghĩa vẫn nhiệt tình làm Tổ trưởng tổ 7, khu 7B, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), đóng góp công sức vào nhiều việc cho tổ dân, khu phố. Đến nay, tuy đã được cùng con cháu, cùng các bạn già tận hưởng cuộc sống bình yên, nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn không thôi nhớ về một thời hoa lửa, khi mình đã trở thành một dũng sĩ góp công cho độc lập, tự do…
Cũng là một trong những “Dũng sĩ diệt Mỹ” tiêu biểu của Vùng mỏ, cựu chiến binh Vũ Phí Định - người con của Hạ Long lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc khi mới 18 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, tháng 8/1972 ông được biên chế vào C21, E27, Mặt trận B5, đánh địch tại chiến trường Quảng Trị. Những ngày đầu vào chiến trường Quảng Trị, ông và đồng đội đối mặt với bom đạn khốc liệt, với những trận chiến mà chỉ cần sơ sảy một giây, sinh mạng có thể bị tước đoạt. “Chúng tôi lúc đó không nghĩ nhiều về sống chết. Chỉ biết rằng đất nước đang bị xâm lược, bạn bè, đồng đội mình ngã xuống, thì mình phải tiếp tục chiến đấu” - ông Định nhớ lại.

Trong một trận đánh cuối năm 1972, 3 chiếc máy bay F4 từ biển bay vào đánh phá Ban tham mưu trung đoàn đóng tại làng Bố Liêu, xã Triệu Long. Khi chúng bổ nhào cắt bom, các trận địa phòng không đồng loạt đánh trả. Khẩu đội tôi bám sát, chọn mục tiêu, khi một chiếc F4 bổ nhào, tôi siết cò một loạt dài. Chiếc F4 vọt lên, khối đen bốc lên phía sau, chao đảo bay ra hướng biển. “Lúc đó, tôi chỉ kịp siết cò, nhìn thấy chiếc máy bay bùng cháy trên bầu trời mà tim như vỡ òa. Nhưng ngay sau đó, tôi lại lao vào trận chiến tiếp theo, bởi vì kẻ thù chưa dừng lại”.
Với chiến công ấy, ông Vũ Phí Định cùng các đồng đội trong khẩu đội được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay đầu năm 1973, một phần thưởng cao quý cho những chiến sĩ đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội. Sau mặt trận Quảng Trị, ông Định tiếp tục cùng đơn vị và đồng đội hành quân vào Nam, lập nhiều chiến công cho ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong thời gian chiến đấu, ông cùng đồng đội đã đánh địch hàng chục trận đánh, bắn rơi hàng chục máy bay địch, chứng kiến nhiều đồng đội chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh.
Sau thống nhất, đơn vị rút ra Bắc huấn luyện, đến tháng 4/1977 ông xuất ngũ, về làm công nhân tại mỏ than Hà Tu, đến năm 2007 nghỉ chế độ. Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Vũ Phí Định nhiều năm tham gia Tổ tự quản ANTT tại khu phố. Đến nay, dù đã tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhưng ký ức hào hùng chiến đấu và chiến thắng của cựu chiến binh Vũ Phí Định vẫn còn vẹn nguyên. Và ông cũng chưa khi nào nguôi nhớ về những người đồng đội dũng sĩ đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng mình năm xưa… Nhớ về đồng đội, ông Định nghẹn ngào: "Tôi không quên được ngày 15/1/1973, trong trận ném bom của địch, 1 quả bom đã rơi trúng lô cốt của khẩu đội 12,7mm đặt tại làng Phương Ngạn, xã Triệu Long, toàn bộ 5 đồng chí hy sinh... Sau này, tôi cùng các đồng đội nhiều năm về lại chiến trường xưa, tham gia tìm mộ liệt sĩ, chỉ mong các bạn được về với đất mẹ và Tổ quốc, thế hệ sau mãi mãi ghi công…”, cựu chiến binh Vũ Phí Định chia sẻ.
Không chỉ có dũng sĩ Vũ Phí Định, dũng sĩ Nguyễn Năng Nghĩa, nhiều chàng trai khác của Quảng Ninh cũng lập nên những chiến công hiển hách, được sử sách lưu danh, góp phần to lớn cho thống nhất đất nước, độc lập dân tộc, hòa bình yên vui. Trong đó không thể không kể về Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, người lính 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, là Tư lệnh Tăng thiết giáp khi mới đeo quân hàm Thượng tá.

Sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân ở phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, Đoàn Sinh Hưởng là hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, một danh thần nổi tiếng dưới triều vua Trần Anh Tông. Có lẽ vì là hậu duệ nhà binh nên từ nhỏ ông đã có một khát khao là được vào quân ngũ. Bởi vậy năm 17 tuổi, mặc dù chưa đủ tuổi, thiếu chiều cao và cân nặng để đi bộ đội nhưng cậu bé Hưởng vẫn xin được nhập ngũ. Năm đó, địa phương ông có 29 người được gọi nhập ngũ, trong đó bị khuyết một người do không đủ điều kiện sức khoẻ, Đoàn Sinh Hưởng đã xin thế chân. Ngày 28/9/1966, chàng trai Đoàn Sinh Hưởng tạm biệt gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, khi mới 19 tuổi, Đoàn Sinh Hưởng được phong Dũng sĩ diệt Mỹ và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Lúc đó, ông là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó Đại đội Cối 82 ly thuộc Trung đoàn 88. Sau đó, ông vào Tây Nguyên, làm Đại đội trưởng Đại đội 9 Trung đoàn xe tăng 273, chỉ huy Đại đội Tăng đánh trận nổi tiếng trên đường số 14, giải phóng Buôn Mê Thuột tiến quân xuống giải phóng tiếp Phú Yên. Sau khi giải phóng Phú Yên, Đại đội xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã hành quân vào Sài Gòn. Đến Cầu Bông, cửa ngõ Tây bắc Sài Gòn, Đại đội 9 bắn tỉa 12 xe địch; tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền; đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, Thiếu uý Đoàn Sinh Hưởng (26 tuổi) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Mùa hè năm 1978, ông còn vinh dự có mặt trong Đoàn Đại biểu Thanh niên Việt Nam tham dự Festival thanh niên thế giới tại Cu Ba. Sau đó, ông được điều về Quân khu 4 làm đến Tư lệnh Quân khu. Trong những năm ông giữ trọng trách ở đây, ông đã có công phối hợp với nước bạn Lào diệt phỉ góp phần tạo lập hành lang biên giới ổn định để bà con nhân dân hai bên yên tâm sản xuất, sinh hoạt; xây dựng mối quan hệ chiến lược Việt - Lào.

Sau này, trong một dịp trò chuyện với phóng viên, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ: “Từ ngày tôi rời đất Bình Ngọc, Móng Cái qua bến đò ngang, ca vang khúc hát “Hành quân xa”, cho đến khi thôi giữ chức Tư lệnh Quân khu 4, vừa tròn 43 năm quân ngũ. Dù ở đâu làm gì, tôi cũng luôn tự hào về truyền thống của quê hương, dòng tộc. Tôi lớn lên bằng củ khoai, bát cháo đồng quê, lời ru của mẹ, câu chuyện kể của cha trong âm hưởng lao xao vi vút tiếng gió phi lao và tiếng biển Bình Ngọc khi ào ạt bão giông, khi rì rầm sâu lắng. Quê hương nghĩa nặng tình sâu, tình cảm mẹ, cha, anh chị em ruột thịt, tình nghĩa thầy trò, bạn bè ấu thơ và tình yêu tuổi trẻ... đã chắp cánh ước mơ tôi, nâng bước tôi vượt qua biết bao thách đố hiểm nguy một thời trận mạc và khó khăn trong cuộc sống đời thường”.
“Hòa bình không phải là thứ có sẵn. Nó là kết quả của bao nhiêu máu xương, bao nhiêu tuổi trẻ đã ngã xuống. Thế hệ trẻ hôm nay cần hiểu rằng, yêu nước không chỉ là cầm súng chiến đấu, mà còn là học tập, lao động, sáng tạo để đưa đất nước tiến lên…”. Cựu chiến binh Nguyễn Năng Nghĩa nhắn nhủ với chúng tôi như vậy. Những câu chuyện về “dũng sĩ diệt Mỹ” của quê hương Quảng Ninh anh hùng không chỉ là những trang sử hào hùng, mà còn là những bài học sống động về tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và sự cống hiến. Để hôm nay, sau nửa thế kỷ non sông liền một dải, đất nước bình yên và nhân dân hạnh phúc, ta sẽ biết trân trọng quá khứ, tự hào về những người đi trước và nguyện tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Ý kiến ()