
Thần tốc hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin sởi
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình bệnh sởi có diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 15/3/2025, cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi sởi, trong đó có 3.447 ca dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố, 5 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Cũng theo Bộ Y tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm, trong đó có vắc-xin sởi và rubella. Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng tạm thời các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng một số giai đoạn từ năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin bao gồm vắc-xin sởi và rubella. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các bệnh phòng được vắc-xin quay trở lại và tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và các ổ dịch.
Tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 195 trường hợp mắc sởi. Trong đó, có trên 70% số ca chưa tiêm vắc-xin, trên 12% không rõ lịch sử tiêm, trên 16% tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng sởi. Toàn tỉnh không có tình trạng bùng phát dịch như nhiều địa phương trong cả nước.
Để phòng chống bệnh sởi, Quảng Ninh đã chủ động từ sớm, từ xa và tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi một cách quyết liệt, nhanh chóng ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Ngay từ ngày 5/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về việc triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; Sở Y tế và Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 5641/KH-SYT-SGDĐT ngày 6/12/2024 về phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, rà soát và tiêm bù vắc-xin sởi, sởi - rubella cho trẻ em từ 3-6 tuổi (học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non và học sinh đang học lớp 1).
Đặc biệt, nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, ngày 21/3/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch, toàn tỉnh đã thành lập 190 đội, kíp tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn và tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí triển khai tiêm chủng chiến dịch; thiết lập 45 đội cấp cứu thường trực cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; bố trí 171 điểm tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế, 20 điểm tiêm tại các trường học, 8 điểm tiêm tại các phân trạm. Qua đó nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi. Mục tiêu cụ thể là đảm bảo 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin chứa thành phần sởi.
Sau hơn một tuần triển khai quyết liệt, đến chiều ngày 30/3, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi với tỷ lệ đạt 95,9%. Bên cạnh đó, ngành Y tế vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống bệnh sởi như: Thực hiện tiêm vét, tiêm bổ sung vắc-xin tại các trạm y tế trên toàn tỉnh cho các đối tượng, trong đó chú trọng việc rà soát các đối tượng dân di biến động, đảm bảo bao phủ vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng; giám sát, phát hiện các ca bệnh tại các tuyến điều trị, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, cách ly y tế, giảm thiểu tác động lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc-xin sởi và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về tình hình dịch bệnh…
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của trẻ như: Viêm phổi, viêm màng não... Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) có thể gặp nhiều dị tật bẩm sinh như: Các bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da và xuất huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Sởi và rubella là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Nếu trẻ được tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nguy cơ mắc bệnh và biến chứng sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, người dân cần tuân thủ lịch tiêm chủng, thực hiện vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan. Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, phát ban, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến ()